Cát Tiên thử nghiệm trồng rau trong nhà lưới

06:09, 21/09/2020

Vẫn là những loại rau ăn lá quen thuộc như cải xanh, xà lách, rau muống,… nhưng khi đưa vào trồng trong nhà lưới thì ngoài năng suất tăng gần gấp đôi còn đảm bảo các yếu tố về phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, cung cấp ra thị trường sản phẩm rau an toàn.

Vẫn là những loại rau ăn lá quen thuộc như cải xanh, xà lách, rau muống,… nhưng khi đưa vào trồng trong nhà lưới thì ngoài năng suất tăng gần gấp đôi còn đảm bảo các yếu tố về phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, cung cấp ra thị trường sản phẩm rau an toàn.
 
Nhà lưới được đầu tư kiên cố, bài bản, giúp người nông dân yên tâm sản xuất
Nhà lưới được đầu tư kiên cố, bài bản, giúp người nông dân yên tâm sản xuất
 
Trồng rau trong nhà lưới, nhà kính dường như chẳng còn xa lạ khi nhắc tới sản xuất nông nghiệp của Lâm Đồng. Tuy nhiên, đối với những địa bàn có truyền thống phát triển cây lúa, điều như Cát Tiên thì tương đối mới lạ. Đây là mô hình thí điểm của ngành nông nghiệp huyện Cát Tiên tại các xã Đức Phổ, Gia Viễn, Quảng Ngãi, giúp làm thay đổi tư duy, cách thức canh tác nông nghiệp của người nông dân, đồng thời gắn với phát triển bền vững và an toàn, giảm áp lực về môi trường. Dù chỉ mới đưa vào thử nghiệm không lâu nhưng theo những người nông dân, bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
 
“Từ khi làm nhà lưới, hạt mưa không tác động trực tiếp đến cây rau. Nhà lưới tương đối kín, ngăn cản được một phần ánh nắng, gió và các loại côn trùng, sâu bệnh gây hại nên năng suất cũng tăng gần gấp đôi. Từ đó thì mình gần như không phải sử dụng đến thuốc trừ sâu, phân hóa học, chỉ xử lý nấm bệnh trong đất khi cần, đảm bảo thời gian cách ly phù hợp trước khi thu hoạch”, anh Phan Ngọc Phúc (Thôn 1, xã Đức Phổ) cho hay.
 
Sau khi được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ 30 triệu đồng, gia đình anh Phúc đầu tư thêm 10 triệu đồng dựng nhà lưới kiên cố với diện tích 700 m 2. Mỗi lứa rau sau hơn 20 ngày sẽ cho thu hoạch, anh thu về  khoảng 10 triệu đồng. Trong nhà kính, rau lên luống, lối đi gọn gàng chứ không lầy lội, ngập nước như trước kia. Chi phí đầu tư về giống thấp, thời gian canh tác lại ngắn nên theo anh Phúc, nếu đem so sánh với một số loại cây trồng khác thì hiệu quả cũng không hề thua kém. 
 
Tương tự, ông Phạm Đình Minh (thôn Tiến Thắng, xã Gia Viễn) cũng nhận thấy sự ưu việt của nhà lưới trong trồng rau. Trước đây, đến mùa mưa, người dân thường phải cắm cọc, phủ lưới để bảo vệ rau khỏi gãy, dập. Từ tháng 3/2020, có nhà lưới, ông Minh thuận lợi trồng gối đầu nhiều loại rau khác nhau, thành phẩm đưa ra thị trường cũng bắt mắt hơn, sạch hơn, dù gặp mưa lớn rau cũng không bị gãy đổ. Hơn 20 năm làm rau, lần đầu tiên ông Minh thấy việc sản xuất trở nên nhàn nhã như bây giờ. Việc trồng nhà lưới ngăn không cho côn trùng vào trong sinh sản, nhờ đó mà làm hạn chế tối đa tình trạng sâu bệnh gây hại. Sâu bệnh giảm, đương nhiên sẽ hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chi phí đầu tư ít đi, năng suất cao hơn, giá trị cũng nhiều hơn, thu nhập ổn định hơn.
 
Người dân trong xã cũng thường xuyên đến tham quan, tìm hiểu mô hình này tại nhà ông Minh. Vấn đề được nhiều người quan tâm nhất là chi phí đầu tư cũng như năng suất, hiệu quả trồng trong nhà lưới so với canh tác truyền thống. Thực tế với mô hình anh Phúc và ông Minh đang áp dụng, tuy số tiền ban đầu bỏ ra để xây dựng nhà lưới tương đối lớn so với kinh tế của người nông dân, nhưng ngay lập tức đã cho thấy những ưu điểm vượt trội.
 
Theo đánh giá sơ bộ của Phòng Nông nghiệp huyện Cát Tiên, mô hình trồng rau có hệ thống lưới bao quanh như thế này sẽ giảm tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, yếu tố hóa học, công chăm sóc. Các loại rau trồng trong thời gian ngắn, đầu tư thấp, quay vòng nhanh nên chỉ cần chăm sóc, bón phân đầy đủ, năng suất rất cao, dẫn đến hiệu quả cao. Vào mùa mưa, do có lưới che nên khi mưa xuống lưới sẽ cản trở tốc độ rơi của mưa, lá rau ít bị rách, dập, từ đó cung cấp rau an toàn ra thị trường, đặc biệt giúp tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. 
 
Toàn huyện hiện có khoảng 300 ha đất trồng rau, chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, cung cấp rau thương phẩm cho các chợ, cửa hàng. Thế nhưng, dường như vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu bởi theo quan sát, mỗi ngày có khoảng 3, 4 chuyến xe chở rau từ Đà Lạt về phân phối lại trên địa bàn. Vì thế, bên cạnh việc tập trung sản xuất, người dân cũng kỳ vọng có thể tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm của mình, để từ đó tiến tới áp dụng các biện pháp canh tác tiêu chuẩn hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. 
 
HÀ THANH