Khi nông dân chung sức xây dựng nông thôn mới

06:12, 16/12/2020

Không chỉ phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, nông dân Đơn Dương còn đồng lòng chung tay xây dựng Đơn Dương trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh.

Không chỉ phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, nông dân Đơn Dương còn đồng lòng chung tay xây dựng Đơn Dương trở thành huyện nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh.
 
Xã Ka Đô là 1 trong 3 xã đầu tiên của Đơn Dương được công nhận xã nông thôn mới nâng cao
Xã Ka Đô là 1 trong 3 xã đầu tiên của Đơn Dương được công nhận xã nông thôn mới nâng cao
 
Đồng lòng chung sức
 
Hơn 3 năm trước, nhánh đường vào Xóm 4, thôn Nam Hiệp 1 (xã Ka Đô, Đơn Dương) luôn là nỗi ám ảnh của hơn 40 hộ dân quanh khu vực này. Con đường đất nhỏ hẹp chưa đầy 2 mét, mùa mưa đường lầy lội, xuống cấp khó đi, việc vận chuyển, thu mua nông sản của người dân bị ảnh hưởng không nhỏ, xe lớn khó vào, nông sản của người dân không ít lần bị thương lái ép giá.
 
Thấy được những khó khăn của bà con trong xóm, ông Hồ A Bẩu (68 tuổi), Chi hội phó Chi hội nông dân thôn Nam Hiệp 1 đứng ra đề xuất với địa phương, vận động bà con đóng góp làm đường. “Việc có ích mọi người đều đồng tình ủng hộ, tùy theo mặt tiền mỗi hộ mà đóng góp, có hộ góp 40 triệu đồng, nhà ít hơn thì 15 triệu đồng. Hộ nào không có điều kiện đóng một lần thì cứ mỗi năm xong mùa vụ họ đóng dần. Thời gian rảnh tôi đi vận động, ngày làm nông, tối tôi đi thu tiền làm đường” - ông A Bẩu chia sẻ.
 
Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian, nhánh đường vào Xóm 4 đã được làm mới, con đường đất nhỏ gồ ghề nay đã là con đường bê tông sạch sẽ, rộng rãi. Chỉ tay về phía con đường mới, ông A Bẩu cười: “Đường này có được là nhờ vào sự chung tay đóng góp của bà con, đường dài 1 km, kinh phí là 500 triệu đồng. Có đường mới đi mọi người phấn khởi lắm, nay không còn sợ trời mưa, đi lại thoải mái”. 
 
Ngoài nhánh đường vào Xóm 4, thôn Nam Hiệp 1, ông A Bẩu còn cùng với địa phương vận động người dân làm đường ở thôn Taly 2, con đường có chiều dài gần 400 m được bê tông hóa với kinh phí 300 triệu đồng, hoàn thành năm 2019.
 
Không chỉ năng nổ, tích cực góp sức mình xây dựng NTM ở địa phương, ông Hồ A Bẩu nhiều năm liền còn là nông dân sản xuất giỏi của huyện và tỉnh. Siêng năng, chăm chỉ ông vươn lên thoát nghèo với hơn 1,5 ha nhà lưới trồng ớt sừng, cà chua và 4 ha trồng cà phê, thu về mỗi năm khoảng hơn 500 triệu đồng. 
 
Nói về phong trào nông dân góp phần xây dựng NTM, ông Huỳnh Ngọc Thận - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đơn Dương cho biết: “Hội hiện có hơn 16 nghìn hội viên, sinh hoạt ở 104 chi hội, phong trào xây dựng NTM là một trong những chương trình trọng tâm của huyện. Do đó, thời gian qua, Hội đã chủ động triển khai thực hiện nhiều nội dung, việc làm cụ thể để vận động hội viên nông dân phát huy vai trò chủ thể trong phong trào xây dựng NTM”.
 
Theo đó, các cấp hội trên địa bàn huyện đã xây dựng nhiều mô hình Dân vận khéo, hội viên nông dân cũng đã tích cực tham gia. Nhiều gia đình tự dỡ rào, chặt cây cối, hiến đất để mở đường, xây dựng các công trình công cộng. Kết quả, 5 năm qua, hội viên nông dân đã đóng góp trên 50 tỷ đồng với hơn 9.800 công lao động để sửa chữa, làm mới 130 km đường giao thông, tu sửa, nạo vét kênh mương, đóng góp xây dựng hội trường thôn, tổ dân phố, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. 
 
Nỗ lực xây dựng huyện NTM kiểu mẫu
 
Theo ông Thận, nâng cao thu nhập là tiền đề để thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, do đó, ngoài các công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân chung sức thực hiện các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực xã hội, an ninh - quốc phòng, Hội Nông dân Đơn Dương còn phát huy hiệu quả, mô hình giúp nông dân phát triển kinh tế hướng tới nông nghiệp công nghệ cao (CNC) để tăng thu nhập cho người dân. 
 
Nổi bật với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững”, hàng năm, phong trào này đã thu hút hơn 10.500 hội viên nông dân đăng ký tham gia và có hơn 8.700 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Hội Nông dân huyện cũng đã phối hợp triển khai hiệu quả Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với sản xuất nông nghiệp CNC. Cùng với Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp xây dựng các mô hình cây trồng, vật nuôi có liên kết sản xuất. Nhiều nông dân nhờ đó nắm bắt được khoa học công nghệ, quy trình kỹ thuật mới, ứng dụng CNC vào sản xuất, đã mạnh dạn đầu tư mô hình CNC có giá trị kinh tế cao, giá trị thu nhập bình quân 300 triệu đồng/ha, có mô hình đạt trên 1 tỷ đồng/ha/năm.
 
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân còn giúp hội viên nông dân tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, nguồn vốn ngân hàng chính sách, các dự án kinh tế tiếp sức nông dân làm nông nghiệp CNC. Hội đã phát huy nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, giúp hội viên nông dân mạnh dạn đầu tư cho các mô hình sản xuất rau, hoa ứng dụng CNC, mô hình phát triển đàn bò sữa trong vùng dân tộc thiểu số với nguồn vốn 4,2 tỷ đồng. 
 
Nhờ sự chung tay góp sức của hội viên nông dân, đến nay diện mạo Đơn Dương đã thực sự khởi sắc. Kinh tế của huyện đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, kéo theo đó, các chỉ tiêu cơ bản trên các lĩnh vực đều đạt và vượt kế hoạch, thu nhập bình quân đầu người tăng gần 72 triệu đồng vào năm 2020, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. 
 
Đơn Dương là 1 trong 4 huyện của cả nước thực hiện thí điểm mô hình huyện NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng thông minh. “Để thực hiện mục tiêu này, thời gian đến, Hội Nông dân huyện tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, phát huy hiệu quả các phong trào xây dựng NTM. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh các công tác khuyến nông, ứng dụng nông nghiệp CNC cho hội viên nông dân” - ông Thận cho biết. 
 
NHẬT QUỲNH