Tạo sự hòa hợp giữa truyền thống và hiện đại tại các làng nghề ở Lâm Hà

06:12, 31/12/2020

Việc được UBND tỉnh công nhận các làng nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện đã giúp Lâm Hà có điều kiện để vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa của người dân địa phương...

Việc được UBND tỉnh công nhận các làng nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện đã giúp Lâm Hà có điều kiện để vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa của người dân địa phương. Từ đó, tạo sự hòa hợp giữa truyền thống và hiện đại để tránh nguy cơ mai một, thất truyền.
 
Việc thành lập làng nghề giúp người trồng dâu nuôi tằm ở thị trấn Nam Ban có thêm điều kiện để phát triển
Việc thành lập làng nghề giúp người trồng dâu nuôi tằm ở thị trấn Nam Ban có thêm điều kiện để phát triển
 
Phát triển kinh tế từ nghề truyền thống
 
Mặc dù đang mùa hái và phơi cà phê, nhưng hễ rảnh tay là bà Long Dinh K’Jong (52 tuổi, thôn Đam Pao, xã Đạ Đờn) lại tranh thủ ngồi bên khung dệt, tỉ mẩn và chăm chú với từng sợi chỉ nhỏ. Được truyền nghề từ bà, từ mẹ, bà K’Jong đã gắn bó với khung dệt từ nhỏ, nhưng từ lúc thôn Đam Pao được công nhận là làng nghề truyền thống, bà dệt với số lượng nhiều hơn. Thổ cẩm của bà và những bà con khác trong thôn được nhiều người tìm đến, khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và mua làm quà cũng tăng đáng kể. Điều này khiến ai nấy trong thôn phấn khởi, và giống như bà K’Jong, họ có thêm động lực để ngồi bên khung dệt mỗi lúc nông nhàn. Số tiền bán thổ cẩm - tuy không lớn - nhưng đủ để họ trang trải những chi phí nhỏ hàng ngày. Nhờ vậy, người dân Đam Pao những năm gần đây đã không còn cảnh đói nghèo. Mùa này, cà phê trĩu đầy và rộn ràng trên những sân phơi.
 
Làng nghề dệt thổ cẩm thôn Đam Pao hiện có 168 lao động/125 hộ, trong đó có 38 lao động thường xuyên. Theo ông Nguyễn Minh Thu - Trưởng thôn Đam Pao, việc làng nghề được thành lập đã khuyến khích số lượng bà con dệt thổ cẩm tăng lên. Thay vì chỉ làm manh mún, nhỏ lẻ để trao đổi, phục vụ cho nhu cầu của gia đình, thì nay, đầu ra cho sản phẩm đã phát triển, mở rộng hơn do thương hiệu thổ cẩm thôn Đam Pao đã được nhiều nơi biết đến. “Thật ra, với thu nhập mang lại khoảng 3 triệu đồng/người/tháng, để làm giàu từ dệt thổ cẩm thì khó. Nhưng chúng tôi mong muốn nó sẽ là động lực để bà con phát huy, bảo tồn nghề truyền thống của mình, và thế hệ trẻ sẽ có thêm cơ sở để học và tin vào tương lai của nghề truyền thống” - ông Thu chia sẻ.
 
Những tấm thổ cẩm của bà Long Dinh K’Jong và người dân thôn Đam Pao đã được nhiều người biết đến hơn trước
Những tấm thổ cẩm của bà Long Dinh K’Jong và người dân thôn Đam Pao đã được nhiều người biết đến hơn trước
 
Cùng với Làng nghề dệt thổ cẩm thôn Đam Pao được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí làng nghề truyền thống vào năm 2011, huyện Lâm Hà hiện còn có 2 làng nghề được công nhận vào năm 2015 là Làng nghề dâu tằm tơ Đông Anh 3 và Làng nghề dâu tằm tơ Đông Anh 5 (thị trấn Nam Ban). Trong đó, Làng nghề dâu tằm tơ Đông Anh 3 có tổng số 191 lao động/69 hộ, có 130 lao động thường xuyên. Làng nghề dâu tằm tơ Đông Anh 5 có tổng số 220 lao động/88 hộ, có 172 lao động thường xuyên. Thu nhập bình quân của mỗi người đạt khoảng 4,5 triệu đồng/tháng.
 
Theo đánh giá của UBND huyện Lâm Hà, cho đến nay, các làng nghề đã được công nhận vẫn duy trì và hoạt động tương đối ổn định, giữ nguyên bản sắc văn hóa và tính đặc sắc của nghề truyền thống lâu đời. Trong giai đoạn 2011 - 2020, các làng nghề đã nhận được sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần từ Chính phủ, thông qua những nội dung cụ thể như: Đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực cho các đối tượng là cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh; đầu tư cơ sở hạ tầng; xúc tiến thương mại; chuyển giao khoa học công nghệ, xử lý ô nhiễm môi trường.... Tổng kinh phí đầu tư hỗ trợ bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề trên địa bàn huyện Lâm Hà giai đoạn 2011 - 2020 là 5,016 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương khoảng 1,840 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương khoảng 3,176 tỷ đồng.
 
Ông Nguyễn Văn Chiến mong muốn làng nghề sẽ tìm được đầu ra ổn định
Ông Nguyễn Văn Chiến mong muốn làng nghề sẽ tìm được đầu ra ổn định
 
Định hướng sản xuất theo chuỗi giá trị
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện các làng nghề trên địa bàn huyện Lâm Hà vẫn còn những hạn chế như chưa thực sự thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, chưa tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững cho sản phẩm mà chỉ thực hiện việc mua bán, trao đổi với người tiêu dùng địa phương và các cơ sở tư thương nhỏ lẻ trên địa bàn. Bên cạnh đó, các sản phẩm của làng nghề chưa được đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu của làng nghề; chưa có sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP. Trang thiết bị, tư liệu sản xuất còn thô sơ, mang tính thủ công, nhất là đối với làng nghề dệt thổ cẩm. Tỷ lệ áp dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động sản xuất kinh doanh còn rất thấp... 
 
Đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm trước khi được tin tưởng bầu làm Tổ trưởng Làng nghề Đông Anh 3, ông Nguyễn Văn Chiến vẫn nặng những tâm tư sau 5 năm làng nghề được thành lập. Bởi bên cạnh những thuận lợi và cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước thì làng nghề vẫn còn gặp nhiều khó khăn về con giống, đầu ra, dụng cụ sản xuất,... Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 mà năm 2020 là một năm đầy vất vả với người nuôi tằm ở thị trấn Nam Ban, nhất là khi bà con chưa chủ động được nguồn tằm con, chưa tìm được đầu ra ổn định và thống nhất, mà hầu như chỉ bán kén tự do cho thương lái.
 
Khách du lịch thích thú tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm ở thôn Đam Pao
Khách du lịch thích thú tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm ở thôn Đam Pao
 
Theo Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nam Ban, ông Nguyễn Văn Đông: “Mục đích của làng nghề là có thể tập hợp bà con để phát triển nghề truyền thống của Vùng Kinh tế mới Hà Nội thành chuỗi liên kết, kết hợp giữa nuôi tằm và làm du lịch. Tuy nhiên, để hiệu quả mang lại như kỳ vọng thì còn cần sự nỗ lực và cố gắng nhiều của người dân và chính quyền địa phương trong thời gian tới”.
 
Trong giai đoạn 2021-2025, phương hướng của huyện Lâm Hà là ưu tiên bảo tồn, giữ gìn và phát triển nghề truyền thống, nhằm mục đích phát triển mạnh những làng nghề có sự lan tỏa sang các khu vực lân cận như làng nghề dâu tằm tơ; bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống của các dân tộc như làng nghề dệt thổ cẩm. 
 
Để khắc phục những khó khăn trước mắt, UBND huyện Lâm Hà xác định ưu tiên việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển nghề, làng nghề gắn với điểm du lịch, tuyến du lịch; đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo truyền nghề; hỗ trợ giải quyết vấn đề về môi trường làng nghề để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đồng thời, hỗ trợ xúc tiến thương mại bằng các hình thức như tổ chức tham gia hội chợ, hỗ trợ phòng trưng bày sản phẩm, nhằm thu hút khách tham quan, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
 
VIỆT QUỲNH