Quyết tâm lấy lại vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ

05:05, 24/05/2021

Lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường và hành lang an toàn đường bộ làm nơi buôn bán, kinh doanh...

Lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường và hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) làm nơi buôn bán, kinh doanh là một “vấn nạn” gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông đã và đang xảy ra tại khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. 
 
Cơ quan chức năng huyện Di Linh kiểm tra, xử lý vi phạm vỉa hè, HLATĐB trên Quốc lộ 20 qua địa bàn huyện
Cơ quan chức năng huyện Di Linh kiểm tra, xử lý vi phạm vỉa hè, HLATĐB trên Quốc lộ 20 qua địa bàn huyện
 
Đồng loạt triển khai
 
Theo ghi nhận, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, HLATĐB đã và đang xảy ra nhức nhối tập trung chủ yếu tại các khu vực đô thị, các chợ dân sinh trên các quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua tại hầu hết các địa phương. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn và xảy ra tai nạn giao thông trong thời gian qua.
 
Thông qua công tác kiểm tra, giám sát thực tế về những bất cập, tồn tại đã và đang xảy ra trong công tác quản lý, xử lý tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè tại các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đã ký Văn bản “Hỏa tốc” số 2976 ngày 12/5/2021 chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương trên địa bàn toàn tỉnh khẩn trương chấn chỉnh, giải phóng HLATĐB; chỉnh trang đô thị, lập lại trật tự lòng, lề đường, vỉa hè trên địa bàn toàn tỉnh. 
 
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, trong những ngày qua, các huyện, thành phố trên địa bàn đã và đang gấp rút triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp với quyết tâm lấy lại vỉa hè, HLATĐB nhằm lập lại trật tự đô thị trên địa bàn.
 
Ghi nhận tại TP Bảo Lộc, địa phương đã giao Công an thành phố phối hợp cùng các phường, xã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai các biện pháp lập lại trật tự đô thị trên toàn địa bàn.Theo đó, từ ngày 13/5, Công an TP Bảo Lộc đã phối hợp với chính quyền các địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý, giải phóng các điểm nóng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè khu vực trung tâm thành phố như bờ hồ Bảo Lộc, các khu vực Quảng trường 28 Tháng 3, công viên, chợ cũ Bảo Lộc và một số tuyến đường trung tâm. Trung tá Đậu Xuân Bảo - Phó Trưởng Công an TP Bảo Lộc, cho biết: “Thông qua các phần việc đã và đang triển khai, đơn vị đã chỉ đạo Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự phối hợp cùng chính quyền các địa phương và công an các phường, xã giải quyết triệt để từng tuyến đường, khu vực cụ thể. Tuyến nào hoàn thành, đơn vị sẽ bàn giao cho các xã, phường trực tiếp quản lý, giám sát, tránh tình trạng tái lấn chiếm trở lại. Cùng với việc tuyên truyền, vận động thì cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chống đối; đồng thời, thu giữ phương tiện, vật dụng, hàng hóa của các trường hợp vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định”.
 
Cùng với TP Bảo Lộc thì các huyện Di Linh, Bảo Lâm và Đạ Huoai cũng đã đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm, chiếm dụng lòng, lề đường, vỉa hè và HLATĐB tại các khu vực trung tâm, chợ và các tuyến Quốc lộ 20, Quốc lộ 55, Tỉnh lộ 725 và Tỉnh lộ 721... 
 
Cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
 
Sau khoảng 1 tuần ra quân đồng loạt, đến nay, việc lập lại trật tự vỉa hè, HLATĐB tại TP Bảo Lộc và các địa phương đã có những chuyển biến tích cực, thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và cơ quan chức năng. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, xử lý của cơ quan chức năng, nhiều người dân đã chủ động tự tháo dỡ các biển báo, quảng cáo, mái che và thu dọn ô dù, bàn ghế trả lại vỉa hè, hành lang lấn chiếm. Qua đó, góp phần tạo mỹ quan đô thị sạch đẹp và đảm bảo HLATĐB.
 
Cùng với những kết quả đáng ghi nhận thì tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường làm nơi buôn bán, kinh doanh của người dân tại các địa phương vẫn còn xảy ra. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như do “lịch sử” để lại, thì công tác kiểm tra, xử lý của các địa phương vẫn còn thiếu quyết liệt và thiếu đồng bộ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nguy cơ tái lấn chiếm sau xử lý, giải tỏa còn cao.
 
Ông Phan Văn Cương - Phó Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc, cho biết: “Để tránh tái lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng, lề đường và HLATĐB sau giải tỏa, thành phố đã giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan chức năng và phường, xã cùng phối hợp quản lý, giám sát. Tất cả các hành vi vi phạm đều phải được xử lý dứt điểm. Khi các địa phương, đơn vị để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố. 
 
Còn theo ông Trần Đức Công - Chủ tịch UBND huyện Di Linh, là địa phương có HLATĐB, đặc biệt là Quốc lộ 20 với hơn 40 km, nên công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm còn gặp nhiều khó khăn. “Huyện đang chỉ đạo các ngành liên quan và các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm. Công tác kiểm tra, nhắc nhở và xử lý các vi phạm sẽ tiếp tục được thực hiện thường xuyên, liên tục để tạo sự răn đe và tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, gây tâm lý “lờn” vi phạm. Qua kiểm tra, xử lý cho thấy đại đa số người dân đều đồng tình, ủng hộ cao. Trong quá trình kiểm tra, xử lý nếu tái diễn tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, HLATĐB, chúng tôi sẽ có hình thức xử lý nghiêm người đứng đầu các xã, thị trấn và đơn vị liên quan” - ông Công cho hay.
 
HẢI ĐƯỜNG