Ứng xử có trách nhiệm trên mạng xã hội trong phòng, chống COVID-19

04:05, 25/05/2021

Trong thời đại công nghệ 4.0, chỉ cần một cú "click chuột" thì phát ngôn của mỗi người có thể chia sẻ đến xã hội thông qua không gian mạng với vô vàn người tiếp cận nên dễ để lại hệ quả khôn lường nếu đó là tin xấu, độc hại, sai sự thật...

Trong thời đại công nghệ 4.0, chỉ cần một cú “click chuột” thì phát ngôn của mỗi người có thể chia sẻ đến xã hội thông qua không gian mạng với vô vàn người tiếp cận nên dễ để lại hệ quả khôn lường nếu đó là tin xấu, độc hại, sai sự thật. Do đó, Nghị định 15/2020 được ban hành phù hợp với thực tiễn hướng tới giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi vi phạm trên môi trường không gian mạng.
 
Ảnh minh họa (theo tuyengiao.vn)
Ảnh minh họa (theo tuyengiao.vn)
 
Bài học không của riêng ai
 
Trong vài tuần qua, thông tin về dịch bệnh COVID-19 lan nhanh chóng trên không gian mạng và được nhiều người đón nhận, chia sẻ. Trong số những thông tin về dịch bệnh trên mạng xã hội đó, có không ít thông tin bị lợi dụng để câu like, câu view của một số cá nhân chỉ nghĩ đơn giản chia sẻ thông tin dịch bệnh mà không nghĩ đến hậu quả khi thông tin không đúng, phát tán thông tin cá nhân của các bệnh nhân.
 
Bà Nguyễn Thúy Hằng - Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong tháng 5, ngay sau khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, đơn vị này đã ban hành quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thông tin điện tử đối với 5 cá nhân chia sẻ thông tin lên mạng xã hội. Cụ thể, các trường hợp gồm: bà N.T.L (26 tuổi, ngụ huyện Lạc Dương); Đ.T.X.T (32 tuổi, huyện Lâm Hà); N.T.T (24 tuổi), N.T.M.H (cùng ngụ TP Đà Lạt) đã đăng tải thông tin cá nhân của BN 3.140 và BN 3.141 lên mạng xã hội facebook. Một trường hợp khác là ông L.V.G (huyện Lâm Hà) đã chia sẻ báo cáo nhanh về trường hợp tiếp xúc với ca mắc COVID-19 từ Hà Nam về huyện Đức Trọng và thông tin cá nhân của người đi cách ly.
 
Các hành vi trên đã vi phạm quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 84 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (thu thập, sử dụng, phát tán trái pháp luật thông tin cá nhân người khác). Mỗi trường hợp bị xử phạt hành chính 10 triệu đồng, đồng thời buộc hủy bỏ thông tin đã đăng tải.
 
Cũng trong quý I/2021, Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng đã thực hiện 9 cuộc kiểm tra chuyên ngành đối với 230 cá nhân, phát hiện 229 hành vi vi phạm và ra quyết định xử lý vi phạm 15 cá nhân với tổng số tiền xử phạt 171.250.000 đồng. Cùng đó trực tiếp nhắn tin, bình luận vào bài đăng, gọi điện cảnh cáo và yêu cầu gỡ bỏ thông tin vi phạm trên mạng xã hội 212 trường hợp.
 
Xử phạt chế tài cùng nâng cao ý thức cộng đồng
 
Theo ông Huỳnh Minh Hải - Quyền Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng phân tích: Hiện nay, truyền thông xã hội được đề cập nhiều trong thời gian gần đây. Điểm dễ nhận thấy là truyền thông xã hội dựa trên các dịch vụ trực tuyến nên các tin tức được lan truyền chóng mặt. Điểm này khác truyền thông truyền thống với những tiêu chuẩn quy định về giá trị nội dung của thông tin. Trong khi đó, với môi trường truyền thông xã hội, những tin giải trí, giật gân, nhỏ lẻ cá nhân được gọi là “phi tin tức” ngày càng xuất hiện nhiều với khái niệm mới là tin tức xã hội và chiếm lĩnh không gian “ảo”. Cùng với dòng thác thông tin này, tin giả ngày càng nhiều và lan truyền nhanh nhờ mạng xã hội.
 
Để nâng cao ý thức người dân trong sử dụng mạng xã hội và giao dịch điện tử, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử” đã có hiệu lực thi thành từ ngày 15/4/2020. Đáng chú ý, Nghị định này tăng mức xử phạt đối với các hành vi lợi dụng mạng xã hội đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật. Theo đó, hành vi đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP. Đồng thời, buộc các tổ chức, cá nhân vi phạm gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 1 và 2 Điều này.
 
Ngoài ra, liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19, tổ chức, cá nhân cung cấp nội dung thông tin sai sự thật lên mạng xã hội cũng sẽ bị xử phạt: Đối với tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng; Đối với cá nhân vi phạm: Bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Đồng thời buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh COVID-19 mà mình đã đăng tải. Trường hợp, người nào có hành vi đưa lên mạng xã hội thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19, gây dư luận xấu bị xử lý về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo quy định tại Điều 288 Bộ Luật Hình sự 2015, với khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
 
Rõ ràng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng để bảo vệ sức khỏe người dân, rất cần có sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội, thực hiện tốt các chỉ đạo, khuyến cáo trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Dịch bệnh sẽ không đáng lo ngại quá mức nếu cộng đồng thật sự hiểu và chủ động biết cách phòng, chống, không hoang mang, lo lắng thái quá. Ngoài ra, bản thân mỗi người cần hết sức bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, theo dõi sát thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh, không nghe theo, không lan truyền thông tin không xác thực, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật.
 
Những biện pháp của cơ quan chức năng không phải chỉ là tìm đối tượng tung thông tin giả. Hiện các mạng xã hội như Facebook đã đăng tải những thông tin chính thống, như thông tin từ Bộ Y tế. Google cũng đã xác nhận sẽ đẩy những thông tin chính thống về dịch cúm tại Việt Nam lên mục đầu. Facebook cũng đã hỗ trợ gỡ tất cả những thông tin giả mạo về dịch cúm. “Trong thời kỳ dịch bệnh này rất cần những thông tin chính thống, hạn chế tin giả bằng nhiều cách khác nhau”. Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng theo yêu cầu của Quốc hội và coi đây như một đạo luật về đạo đức ứng xử của không gian mạng. 
 
Nếu cả xã hội chung tay thì cơ bản sẽ giải quyết được tình trạng thông tin xấu, độc hại trên không gian mạng sau khi hệ thống văn bản pháp luật được đầy đủ. Ứng xử có trách nhiệm trên không gian mạng khi cả nước đang cao điểm chống dịch COVID-19 không chỉ là yêu nước, góp phần chung tay phòng, chống dịch mà còn thể hiện ý thức, bản lĩnh của mỗi cá nhân trong thời đại phát triển công nghệ thông tin bùng nổ, cách mạng công nghiệp 4.0 đang chiếm lĩnh. 
 
D.THƯƠNG