Phòng, chống thiên tai cần chủ động hơn

04:06, 15/06/2021

Trước dự báo thiên tai ngày càng thất thường và cực đoan do ảnh hưởng biến đổi khí hậu trong nước và toàn cầu, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chủ động ứng phó với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả theo phương châm "bốn tại chỗ, ba sẵn sàng", mục tiêu hạn chế thấp nhất những thiệt hại xảy ra.

Trước dự báo thiên tai ngày càng thất thường và cực đoan do ảnh hưởng biến đổi khí hậu trong nước và toàn cầu, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chủ động ứng phó với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả theo phương châm “bốn tại chỗ, ba sẵn sàng”, mục tiêu hạn chế thấp nhất những thiệt hại xảy ra.
 
Các hồ đập thủy lợi trên địa bàn Lâm Đồng luôn chú trọng các biện pháp bảo đảm an toàn trước mùa mưa lũ
Các hồ đập thủy lợi trên địa bàn Lâm Đồng luôn chú trọng các biện pháp bảo đảm an toàn trước mùa mưa lũ
 
Giảm thiệt hại về tài sản và người
 
Nhận định chung cho biết, tình hình thời tiết, thiên tai năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ít khốc liệt hơn so với những năm trước và so với các tỉnh miền Trung, tổng thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng. Mặc dù giảm thiệt hại về tài sản so với năm 2019 khoảng 185 tỷ đồng, nhưng số lượng người chết tăng 4 người. 
 
Cụ thể, trong năm 2020, Lâm Đồng đã bị ảnh hưởng trực tiếp 4 cơn bão số 6, số 9, số 10 và số 12 trên khu vực biển Đông. Thống kê trên 12 huyện, thành trong tỉnh xảy ra các loại hình thiên tai gồm: 18 đợt lốc xoáy, 17 đợt mưa lớn, 4 vụ sét đánh, 4 vụ sạt lở đất, 1 đợt mưa đá, 1 đợt sương muối. Hậu quả thiệt hại tài sản gồm: 477 ha hoa màu, 456 ha cây lâu năm, 38 ha nhà kính và nhà lưới, 208 căn nhà, 12 con gia súc. Nhiều vị trí bờ sông, bờ suối, ta luy bị sạt lở; nhiều công trình thủy lợi và đường giao thông bị hư hỏng. Thiệt hại về người làm chết 5 người, bị thương 3 người…
 
Đến 3 tháng đầu năm 2021, các loại hình thiên tai xảy ra trên địa bàn Lâm Đồng gồm: 2 đợt lốc xoáy, 2 vụ sét đánh, 1 đợt mưa đá, 1 đợt mưa lớn, gây thiệt hại 170 ha lúa, 80 căn nhà..., tổng thiệt hại ước tính 10 tỷ đồng. 
 
 Ngay sau khi thiên tai xảy ra, lãnh đạo UBND tỉnh đã kịp thời có mặt tại hiện trường, trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ khẩn cấp cho người dân sớm ổn định cuộc sống. Cụ thể, trong năm 2020, nguồn ngân sách tỉnh Lâm Đồng và Quỹ Phòng chống thiên tai đã trích chi lần lượt gần 73 tỷ đồng và hơn 6 tỷ đồng sửa chữa 13 công trình thiệt hại; tạo điều kiện cho người dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm khôi phục sản xuất. Đến những tháng đầu năm 2021, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng hơn 5 tỷ đồng sửa chữa hư hỏng các đoạn đường thuộc tuyến Quốc lộ 27, 27C, 28B... Riêng Quỹ Phòng chống thiên tai tỉnh Lâm Đồng đã chi 340 triệu đồng cho huyện Cát Tiên khắc phục thiệt hại do thiên tai. 
 
Đáng nói trước mùa mưa bão, UBND tỉnh thường xuyên tổ chức các đoàn công tác kiểm tra chỉ đạo các biện pháp bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, hồ chứa nước, chủ động xử lý các khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét. Riêng trong năm 2020, toàn tỉnh đã đầu tư lắp đặt mới 20 trạm đo mưa tự động, nâng tổng số lên 46 trạm cảnh báo tình hình mưa lũ trên địa bàn. 
 
“Nhờ sự chỉ đạo sát sao, kịp thời và quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh với UBND các huyện, thành phố cùng sự tham gia phối hợp có hiệu quả của Ủy ban MTTQVN tỉnh Lâm Đồng, các sở, ngành liên quan theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng” đã giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai...”, đánh giá chung cho biết. 
 
Trực 24/24 giờ trong mùa mưa bão
 
Những tháng còn lại của năm 2021, theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khả năng xuất hiện 12 - 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông. Trong đó có 5 - 7 cơn bão trực tiếp ảnh hưởng vào đất liền nước ta. Tại vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Lâm Đồng nói riêng, cảnh báo xuất hiện lũ ở mức báo động 1 đến mức báo động 2, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất nhiều nơi. Để chủ động ứng phó, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức trực ban 24/24 giờ trong mùa mưa bão để thông tin kịp thời về vùng sâu, vùng xa, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, hạ lưu các hồ đập để chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị chủ động phương án ứng phó, di dời người dân đến nơi an toàn. 
 
Bên cạnh đó, UBND tỉnh tiếp tục kiểm tra, chỉ đạo các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống thủy lợi, hồ chứa, thiết bị phục vụ xả lũ trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra các đoạn đường đèo, các tuyến đường xung yếu thường xảy ra sạt lở để sửa chữa, khắc phục hư hỏng; kịp thời chặt hạ cây xanh hai bên đường có nguy cơ ngã đổ trong mùa mùa bão trên các địa bàn thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương, Đơn Dương. 
 
Theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng”, UBND tỉnh ưu tiên tập huấn, đào tạo, diễn tập nâng cao năng lực, kỹ năng ứng phó thiên tai của cộng đồng; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó, cứu nạn, cứu hộ, đưa người dân trong vùng bị thiên tai đến nơi an toàn kịp thời...
 
VĂN VIỆT