Trà và trà mi dưới tán thông Trường Đại học Đà Lạt

05:08, 03/08/2021

Không ai có thể hình dung bây giờ dưới tán rừng thông, trong khuôn viên Trường Đại học Đà Lạt lại định hình bộ sưu tập các loài trà và trà mi của nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có những loài quý hiếm đang rực rỡ hoa, trái kết trĩu nặng cành.

Không ai có thể hình dung bây giờ dưới tán rừng thông, trong khuôn viên Trường Đại học Đà Lạt lại định hình bộ sưu tập các loài trà và trà mi của nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có những loài quý hiếm đang rực rỡ hoa, trái kết trĩu nặng cành.
 
Tiến sĩ Lương Văn Dũng với vườn nhân giống các loại trà tại Trường ĐH Đà Lạt
Tiến sĩ Lương Văn Dũng với vườn nhân giống các loại trà tại Trường ĐH Đà Lạt
 
Ý tưởng bắt đầu từ đề tài nghiên cứu khoa học khảo cứu cây trà bản địa Lâm Đồng từ gần 10 năm trước của nhóm giảng viên Trường Đại học Đà Lạt. Đó là PGS. TS. Nguyễn Văn Kết, nguyên Phó Hiệu trưởng; TS. Lương Văn Dũng, giảng viên Khoa Sinh học và các cộng sự. Trong quá trình họ miệt mài và lòng đam mê, người viết bài này có những dịp được cùng đến những cánh rừng để khảo cứu, được nghe nhiều ý kiến hội thảo của các nhà khoa học và nhà sưu tập. Từ những kiến thức tích lũy đó, được ủng hộ nhiệt tình từ Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt - TS. Lê Minh Chiến cũng như các nhà sưu tập bên ngoài trường, các nhà khoa học đã có bộ sưu tập trà và trà mi tại Trường Đại học Đà Lạt, trở thành quý hiếm, có một không hai ở tỉnh Lâm Đồng. Nó không chỉ khẳng định câu chuyện bảo tồn bằng di thực chuyển vị mà mở ra nhiều ý nghĩa về bảo vệ rừng, du lịch sinh thái, phát triển kinh tế...
 
Rực rỡ các loài trà đa tử
 
Năm 2014, đề tài “Điều tra, sưu tập và nhân giống các loài trà mi (Camellia) ở Lâm Đồng” chính thức được nhóm nghiên cứu công bố trên các tạp chí khoa học. Đề tài đã cho những kết quả có giá trị như sinh thái của loài, đặc điểm, phân bố, phương pháp nhân giống và bảo tồn... Đặc biệt, từ kết quả này, giới nghiên cứu về trà trong và ngoài nước biết đến những loài đặc hữu, quý hiếm của tỉnh Lâm Đồng. Nhóm đồng thời nhận được những hỗ trợ từ nghệ nhân sưu tập như ông Trần Hoàng Thân, ông Nguyễn Trọng Hùng, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, Công ty Kim hoa trà... Kết quả nghiên cứu được chuyển giao cơ quan chức năng ở địa phương, đồng thời các giảng viên bền bỉ nhân giống và xuống cây tại khuôn viên Trường Đại học Đà Lạt. Dần dần, bộ sưu tập phong phú và đa dạng, không chỉ các loài trà phân bố địa bàn Lâm Đồng mà còn phân bố hẹp tại rất nhiều địa phương khác ở miền Trung và miền Bắc. Có thể kể đến các loài của các địa danh như Trà Langbiang, Trà Đà Lạt, Trà Cát tiên... (ở Lâm Đồng), Trà Sơn Trà (Quảng Nam), Trà Bắc Kạn, Trà Tuyên Quang...
 
Bây giờ, dưới khung trời thông xanh của khuôn viên Trường Đại học Đà Lạt, vẻ đẹp kiêu sa và cuốn rũ của màu sắc, của nụ và hoa, lá... toát lên từ các loài đa tử trà hương, đa tử trà hồng, đa tử trắng... Cây phát triển rất tốt và khỏe, cành lá xanh mơn mởn và sum suê. Trong số này, TS. Lương Văn Dũng đã trao đổi giống đa tử trà hương của ông Thân có chiều cao hơn 1 mét, tán rộng gần 1 mét. Đặc biệt, cây nở hoa quanh năm. Hiện tại, trên cây thứ đã đậu từng chùm trái lớn, thứ đang nở bung hoa, thứ khác lại đang ra các kỳ nụ. Theo TS. Lương Văn Dũng: “Từ số cây này đã khẳng định, nó thích nghi với môi trường sống ở đây. Loài cây này còn rất lớn, phát triển lên đến 4 - 5 mét thì càng đẹp”. 
 

 

Các loài Đa tử trà nằm trong bộ sưu tập trà và trà mi tại Trường Đại học Đà Lạt
Các loài Đa tử trà nằm trong bộ sưu tập trà và trà mi tại Trường Đại học Đà Lạt

 

Trà từ đời sống tinh thần đến chăm sóc sức khỏe 
 
Trước hết, và đương nhiên, đặc điểm đặc sắc của hoa là vẻ đẹp cuốn rũ người thưởng ngoạn. Các bậc tao nhân mặc khách phương Đông từng ví “vua chơi lan, quan chơi trà”. Vẻ đẹp vừa thanh tao, tinh khiết, ý nhị và duyên dáng, thâm trầm, cùng hình thế, cây trà đã trở thành sản phẩm có nhiều giá trị. Nhất là dịp Tết cổ truyền, có những cây trà cổ thụ dáng đẹp, giá cả trăm triệu đồng. Và khi vườn sưu tập các loài trà tại Trường Đại học Đà Lạt đạt được sự phong phú, đa dạng và cuốn rũ, chắc chắn nó trở thành điểm tham quan du lịch - sinh thái, trong không gian tự nhiên và đặc biệt, có một không hai tại trung tâm thành phố du lịch. 
 
Kết quả nghiên cứu nhiều năm của giới khoa học đã khẳng định về giá trị y học của loài trà. Nhiều quốc gia sử dụng các hợp chất có từ loài trà trong chăm sóc sức khỏe con người. Có thể liệt kê như: làm giảm tổng hàm lượng lipit trong huyết thanh máu, giảm lượng cholesterol mật độ thấp (cholesterol xấu) và tăng lượng cholesterol mật độ cao (cholesterol tốt); có tác dụng hạ huyết áp rõ ràng và tác dụng được duy trì trong thời gian tương đối dài...
 
Cây trà lấy dầu và hướng đến bảo vệ rừng
 
TS. Lương Văn Dũng rất phấn khởi tiếp tục giới thiệu với chúng tôi một loài trà đặc biệt khác. Đó là cây trà nhụy ngắn (Camellia kissi). TS. Dũng nói: “Thú vị nhất là sau mấy năm, nó đã sống được và phát triển rất tốt dưới tán loài thông”. Rất nhiều cây trĩu những chùm quả. Ngoài giá trị y học như các loài trà khác, quả loại trà này được ép để lấy dầu béo (Camellia kissi oil), sử dụng trong thực phẩm và mỹ phẩm, giá trị và nhiều quốc gia chế biến sử dụng. Qua 4 mùa với 10 tháng, từ khi ra hoa tới lúc kết quả, dầu trà hấp thụ tinh nhiều chất của thiên nhiên, vì vậy rất cao về giá trị dinh dưỡng. Hạt của dầu trà chứa hơn 45% dầu và hơn 95% hàm lượng axit béo. Dầu chiết xuất ra rất bóng, chứa hàm lượng các axit béo cao hơn dầu hạt cải, dầu đậu phộng, dầu ngô trên thị trường. Thông tin thị trường hiện nay, giá quả dầu trà người Trung Quốc mua khoảng 345.000 đồng/kg. Nếu đã chiết xuất thành dầu, giá càng đắt, trung bình 670.000 đồng/1,5 lít. Hiện giá hạt dầu trà tươi bán tại Việt Nam chỉ khoảng 15.000 đồng/kg, loại đặc biệt để xuất khẩu sang Đài Loan, Trung Quốc có giá khoảng 25.000 đồng/kg. 
 
Mặt khác, gỗ từ cây trà nhụy ngắn rất mịn, đặc và cứng, thường dùng làm chuôi rìu hay súng cao su, thậm chí còn dùng làm các đồ nội thất cao cấp. Từ sự phát triển của cây trà nhụy ngắn ở Trường Đại học Đà Lạt đã khẳng định một hướng mở gợi ý về công tác quản lý và bảo vệ rừng. Ở Lâm Đồng, diện tích rừng thông rất lớn, nhân giống và chuyển giao cho người dân sống trong rừng và gần rừng trồng loài trà này là hướng đi rất khả quan. Lâu nay nhà quản lý chưa thể tìm ra loài thực vật nào phù hợp để trồng và phát triển được dưới tán rừng thông.
 
MINH ĐẠO