10 năm thực hiện Chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị

05:10, 13/10/2021

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị về "Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn"...

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị về “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn”, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, sự nghiệp giáo dục của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực ở địa phương.
 
Cơ sở vật chất dành cho giáo dục ở vùng sâu, vùng xa được quan tâm đầu tư ngày càng khang trang
Cơ sở vật chất dành cho giáo dục ở vùng sâu, vùng xa được quan tâm đầu tư ngày càng khang trang
 
Lâm Đồng là một tỉnh miền núi, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số khá cao, địa hình lại tương đối phức tạp. Tỉnh có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 10 huyện, 2 thành phố; 142 đơn vị hành chính cấp xã; 1.376 thôn, tổ dân phố; dân số khoảng trên 1,3 triệu người. Tuy nhiên, với sự quyết liệt và những giải pháp sát thực tế từng vùng, 10 năm qua, quy mô trường lớp trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, hiện nay toàn ngành Giáo dục có 704 cơ sở giáo dục, cụ thể: 231 trường mầm non, 244 trường tiểu học, THCS 157, THPT 59; Trung tâm GDTX 1 và 11 Trung tâm GDNN-GDTX, Trường CĐSP Đà Lạt với 21.877 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trên tổng số 337.179 học sinh, sinh viên. 
 
Trên cơ sở các văn bản của Trung ương và địa phương, thời gian qua, các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục trong tỉnh đã cụ thể hóa chủ trương, bám sát mục tiêu để thực hiện việc “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn”. 
 
Ban đầu, để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 10-CT/TW, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện; song song đó chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; dành các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống mạng lưới trường lớp và mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị. Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt chương trình giáo dục theo quy định… từ đó đã góp phần nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và Nhân dân; củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là trong công tác phổ cập giáo dục ở các cấp học, phân luồng học sinh và xóa mù.
 
Đối với giáo dục mầm non, chặng đường 10 năm qua, ngành Giáo dục tỉnh đã củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới và thực hiện ứng dụng tin học trong quản lý giáo dục trẻ. Thống kê, toàn tỉnh có 155/321 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Còn đối với giáo dục tiểu học, hàng năm 100% trẻ em trong độ tuổi tiểu học ra lớp, đi học đúng độ tuổi và được học 2 buổi mỗi ngày. Ở bậc học THCS cũng có những bước chuyển biến quan trọng, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học lớp 6 đến nay đã đạt 100%, tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học thấp, chỉ chiếm 0,05%. 
 
Cũng cần phải ghi nhận rằng, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, các sở, ban, ngành cũng đã thường xuyên quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đề ra các chủ trương, chính sách kịp thời, phù hợp với xu thế phát triển giáo dục. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành Giáo dục cũng được nâng cao, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có tinh thần đoàn kết, ý thức tổ chức kỷ luật tốt và quan trọng nhất là tinh thần trách nhiệm cao. Với sự nỗ lực của các thầy cô giáo cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, nhận thức của các bậc cha mẹ học sinh, đặc biệt là học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đã được cải thiện vượt bậc. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp từ đó được nâng cao. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ, phổ cập giáo dục THCS được củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập. Năm 2008, Trung ương kiểm tra và công nhận tỉnh Lâm Đồng đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3, chuẩn phổ cập giáo dục THCS và đạt chuẩn xóa mù chữ vào năm 2019. Qua kết quả kiểm tra, đã công nhận hằng năm, khẳng định công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và xóa mù chữ của tỉnh luôn được duy trì, ổn định và ngày càng nâng cao chất lượng. Tính đến nay, 98% số thanh thiếu niên từ 18 - 21 tuổi của tỉnh tốt nghiệp THPT; trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục đạt tới 99,6%.
 
Xác định tầm quan trọng của công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS chính là giải pháp căn bản để giúp mỗi gia đình, học sinh tự nhận biết khả năng của mình, chọn đúng nghề, hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động xã hội để khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Chính vì vậy, các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành và các địa phương trong tỉnh đã tích cực chủ động, phối hợp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả và đã mang lại những kết quả quan trọng trong công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh. Kết quả phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS trong những năm qua đạt 6,1 - 10% học sinh THCS tham gia các lớp đào tạo nghề, trung cấp.
 
Đặc biệt, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường sư phạm. Có nhiều biện pháp hướng đến đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập đồng bộ với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông. Đổi mới cơ chế phân bổ nguồn vốn theo hướng tập trung có trọng tâm, không dàn trải; ưu tiên phân bổ nguồn vốn cho các đơn vị trường xây dựng trường chuẩn quốc gia, các trường thuộc vùng khó khăn. Tỷ trọng ngân sách nhà nước chi cho hệ thống giáo dục mầm non tăng hàng năm, trong đó chiếm từ 11% đến 19,05% trên tổng chi cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo toàn tỉnh. Kinh phí đầu tư cơ sở vật chất để xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ hoạt động giáo dục, trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020 với số tiền 88.644 triệu đồng.
 
Với rất nhiều nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, có thể nói rằng, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW đã đem lại những kết quả đáng kể trong công tác giáo dục. Không chỉ cơ sở vật chất, trường học đáp ứng cho việc giảng dạy, học tập mà chất lượng dạy và học cũng được nâng cao. Tuy vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục và những mục tiêu đặt ra để phấn đấu vào giai đoạn tới đây, nhưng kết quả này đã góp phần rất lớn vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu địa phương.
 
NGUYÊN THI