Khẩn trương triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với tình hình mưa lũ

04:04, 06/04/2022
(LĐ online) - UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công văn gửi Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố và các công ty thủy điện yêu cầu khẩn trương triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với tình hình mưa bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lốc, sét và tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh.
 
Mưa đá kèm gió mạnh gây thiệt hại nhà kính, hoa màu của người dân trên địa bàn TP Đà Lạt
Mưa đá kèm gió mạnh gây thiệt hại nhà kính, hoa màu của người dân trên địa bàn TP Đà Lạt
 
Theo UBND tỉnh, nhằm chủ động công tác phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về hoa màu, tài sản và tính mạng của Nhân dân và Nhà nước, UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ, phạm vi quản lý của mình khẩn trương tập trung thực hiện một số nội dung.
 
Duy trì nghiêm chế độ ứng trực cứu hộ, cứu nạn ở các cấp; chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết nguy hiểm, thiên tai để kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng”; rà soát, cập nhật kịch bản để chủ động ứng phó với tình huống thiên tai nguy hiểm như mưa, lũ lớn diện rộng, bão muộn, lũ quét, sạt lở đất.
 
Chỉ đạo tổng kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, sạt lở đất, lũ quét ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư để chủ động sơ tán, di dời, bảo đảm an toàn khi có thiên tai xảy ra. Kiểm tra các công trình hồ đập trên địa bàn, có phương án, nguồn lực bảo đảm an toàn hồ đập trước tình huống xảy ra mưa lũ lớn, nhất là các vị trí, công trình trọng điểm, xung yếu, bị hư hỏng.
 
Chỉ đạo giám sát vận hành an toàn hồ đập (nhất là hoạt động nạo vét, kết hợp thu hồi cát), tuyệt đối không cho tích nước đối với các hồ chứa nước không đảm bảo an toàn; tăng cường lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cung cấp số liệu cho các đơn vị chức năng theo quy định, thông tin cảnh báo đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ.
 
Rà soát kịch bản cụ thể để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó, gây thiệt hại lớn.
 
Tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn đối với các công trình kênh, mương, hồ chứa, thủy lợi, thiết bị phục vụ cho xả lũ trên địa bàn tỉnh để chủ động ứng phó; tăng cường công tác duy tu bảo dưỡng, nạo vét, khơi thông dòng chảy tránh tình trạng ngập úng, lụt cục bộ, sạt lở đất; sẵn sàng điều chỉnh kịp thời kế hoạch sản xuất, kinh doanh hạn chế tác động do thiên tai. Tổ chức cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các vị trí đường giao thông có ngầm tràn, suối chảy qua; bố trí người túc trực tại các vị trí đường giao thông thường xuyên bị ngập trong mùa lũ.
 
Đối với các huyện, thành phố, UBND tỉnh yêu cầu chỉ đạo UBND cấp xã khẩn trương rà soát các khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để cảnh báo và có biện pháp chủ động phòng ngừa kịp thời bảo đảm an toàn cho học sinh, trẻ em trong mùa mưa bão; đồng thời, yêu cầu người dân có ao, hồ trong khuôn viên gia đình hoặc vườn, trại phải thực hiện việc rào chắn, đảm bảo an toàn cho trẻ em.
 
Giao Chủ tịch UBND cấp xã thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện nội dung nêu trên và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn đuối nước trên địa bàn.
 
Giao Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh bố trí cán bộ tổ chức trực ban theo quy định, theo dõi nắm chắc mọi tình hình, diễn biến của thời tiết, thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện nội dung chỉ đạo tại văn bản này; định kỳ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo yêu cầu.
 
C.THÀNH