Khát vọng đường nông thôn

05:06, 20/06/2022
Để đạt tiêu chí tỉnh nông thôn mới trước năm 2025; Lâm Đồng đang ra sức, nỗ lực hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Trong đó, việc nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn chưa hoàn chỉnh theo kế hoạch, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, nhiều công trình hư hỏng, xuống cấp đặt ra yêu cầu bức thiết phải tăng tốc và tiếp tục cần sự đầu tư của Nhà nước, sự chung tay góp sức của Nhân dân. Từ đó hướng đến mục tiêu hoàn chỉnh đường giao thông nông thôn Lâm Đồng ngày càng khang trang hơn, mảnh đất Nam Tây Nguyên giàu đẹp hơn. 
 
Bài 1: Khởi sắc từ những con đường
 
Bất cứ người dân hay du khách khi tới Lâm Đồng những ngày này hẳn ấn tượng trước sự đổi thay đáng kể đang hiện diện trên mọi nẻo đường từ vùng đô thị đến những nẻo đường quê dẫn về thôn, buôn của vùng đất Nam Tây Nguyên. Ký ức về con đường đất đỏ bazan dẻo quánh, trẹo bánh xe mỗi lần về thăm Đưng K’Nớ hay Đinh Trang Thượng xa xôi nay gần như đã lùi vào xa vắng. 
 
Hệ thống giao thông của Lâm Đồng ngày càng khang trang, sạch đẹp
Hệ thống giao thông của Lâm Đồng ngày càng khang trang, sạch đẹp
 
Đó là thành quả của 10 năm gây dựng, kiến tạo, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới của tỉnh. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã nỗ lực cứng hóa được 6.425 km đường giao thông nông thôn, đạt tỉ lệ 88,8%, tăng hơn 45% so với năm 2011. Riêng các đường giao thông trục xã, liên xã đã cứng hóa được trên 647 km, đạt 88%, tăng 47,8%. Trục đường liên thôn đã cứng hóa được 1.489 km; đường liên xóm đã cứng hóa được 1.800 km, đạt 83%, tăng 45%; đường nội đồng cũng được quan tâm đầu tư đặc biệt, đến nay đã cứng hóa đường nội đồng được gần 1.100 km. 
 
Các con đường liên thôn, liên xóm, liên xã tại hầu hết các địa phương đều được Nhân dân tích cực trồng hoa, cây xanh 2 bên đường, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, đảm bảo các con đường “ Sáng - xanh - sạch - đẹp”. 
 
Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải Lâm Đồng, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 111/111 xã đạt đủ tiêu chí về giao thông nông thôn mới theo Quyết định 915 ngày 27/4/2017 của UBND tỉnh quy định chi tiết tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020.
 
Tuy nhiên, theo tiêu chí mới về nông thôn mới nâng cao, hiện Lâm Đồng mới đạt 35/111 xã đủ tiêu chí về giao thông nông thôn mới nâng cao. Từ đó, nâng tổng số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới là 107/111 xã, nhưng mới chỉ có 23/111 xã đạt tiêu chí công nhận xã nông thôn mới nâng cao, có 5/111 xã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu. Qua tìm hiểu được biết, hiện nay đã có thêm 12 xã nông thôn mới nâng cao và 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu đang được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, bình xét và sẽ công nhận trong thời gian tới. 
 
Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã, thôn, buôn, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động nguồn đóng góp xã hội hóa từ Nhân dân trong hiến đất làm đường, đóng góp sức người, sức của trong xây dựng nông thôn mới suốt chặng đường 10 năm qua (2011 - 2021) đã góp phần quan trọng đưa Lâm Đồng có 5 huyện được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới là huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên và Lâm Hà; 2 thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 
 
Có thể khẳng định, chủ trương của Đảng trong xây dựng và thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh” đã thực sự tạo nên một diện mạo mới, tạo nét khởi sắc rõ nét trên khắp vùng miền từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Đường sá khang trang, sạch đẹp, thuận lợi trong đi lại, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp liên tục, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên cả về vật chất và tinh thần. 
 
Tuy nhiên, với đặc điểm địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác, vốn đầu tư ngân sách cho giao thông nông thôn có hạn, hiện nay, Lâm Đồng vẫn còn khoảng 723 km đường giao thông nông thôn chưa được cứng hóa, còn khoảng 30 cầu dân sinh rất cần được đầu tư kiên cố. 100% các tuyến đường liên xã, liên thôn chưa được bảo trì nâng cấp hằng năm. Về kỹ thuật chuyên môn, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho rằng: Hiện nay, quy mô kỹ thuật các tuyến đường vẫn ở cấp thấp, chủ yếu cấp A, B giao thông nông thôn, chưa phù hợp với tốc độ tăng trưởng của phương tiện và nhu cầu đi lại ngày càng cao của Nhân dân. Một số tuyến đường nông thôn chưa chú trọng đến hệ thống thoát nước và nền đường, một số tuyến đường do người dân tự nguyện đóng góp xây dựng thi công nên chất lượng chưa đảm bảo.
 
Mặt khác, giai đoạn hiện nay (2021 - 2025), Chính phủ đã ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới với các tiêu chí đòi hỏi yêu cầu cao hơn, kèm thêm các tiêu chí đảm bảo về bảo trì, an toàn giao thông, sáng - xanh - sạch - đẹp… Bên cạnh đó, công tác quy hoạch xây dựng chung, điều chỉnh quy hoạch vùng đã và đang được thẩm định, điều chỉnh, phê duyệt, gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới đến năm 2030. Vì vậy, yêu cầu mới với nhiệm vụ mới lại đặt ra, đòi hỏi tiếp tục cần sự đồng thuận, ủng hộ tích cực của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, cũng như tinh thần khẩn trương, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và của cả hệ thống chính trị với một tinh thần khí thế mới quyết tâm mới. 
(CÒN NỮA)
 
NGUYỆT THU