Nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy

06:06, 23/06/2022
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng và đất lâm nghiệp, thu hồi và trồng lại diện tích rừng bị lấn chiếm, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 10 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trên cở sở này, các địa phương cũng đã ban hành các nghị quyết và đề ra các giải pháp, chương trình hành động cụ thể để thực hiện. 
 
Các hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng Phi Liêng, huyện Đam Rông cùng kiểm lâm địa bàn phối hợp tuần tra bảo vệ rừng
Các hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng Phi Liêng, huyện Đam Rông cùng kiểm lâm địa bàn phối hợp tuần tra bảo vệ rừng
 
Nghị quyết 10 của Tỉnh uỷ đã đặt ra nhiệm vụ cụ thể yêu cầu các cấp uỷ Đảng tăng cường công tác quản lý và bảo vệ, phát triển rừng. Giai đoạn năm 2021-2025, phải làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng rừng và đất lâm nghiệp hiện có theo quy hoạch. Cụ thể là phấn đấu giảm từ 20%/năm trở lên về số vụ vi phạm, diện tích rừng và khối lượng lâm sản bị thiệt hại; số vụ vi phạm phát hiện được đối tượng vi phạm đạt từ 85% trở lên; giải tỏa, thu hồi toàn bộ diện tích rừng mới bị phá, đất lâm nghiệp mới bị lấn chiếm để trồng lại rừng; khoanh nuôi tái sinh rừng. Song song đó, lãnh chỉ đạo công tác triển khai trồng rừng, chăm sóc rừng trồng, trồng 50 triệu cây xanh; khôi phục rừng trên đất lâm nghiệp đang canh tác nông nghiệp theo kế hoạch; phát triển rừng sản xuất, trồng cây dược liệu, cây đặc sản có giá trị cao dưới tán rừng. Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn quản lý, đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng từ 55% trở lên. Nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, thông qua thu hút các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp, khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, tăng giá trị sản xuất ngành Lâm nghiệp lên 4-5% giá trị sản xuất của toàn ngành. 
 
Quán triệt Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy, các ngành, địa phương đã căn cứ vào tình hình thực tế của từng đơn vị, chủ động xây dựng kế hoạch một cách chi tiết và cụ thể với nhiều giải pháp, nhiệm vụ, yêu cầu thực hiện nghiêm, quyết liệt, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
 
Huyện Đam Rông hiện có 66.878 ha rừng và đất lâm nghiệp. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm, mua bán đất lâm nghiệp, tranh chấp đất rừng gần đây diễn ra khá phức tạp, tinh vi. Trong thời gian qua, đã có một số cán bộ làm công tác quản lý bảo vệ rừng bị điều chuyển công tác do để xảy ra các vụ vi phạm về lâm luật trên địa bàn. Để triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng năm 2022, huyện Đam Rông cũng đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 10 của Tỉnh uỷ. Theo đó, các cấp uỷ Đảng đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chỉ đạo thực hiện nghiêm trách nhiệm chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã trong việc quản lý tài nguyên rừng, đất đai, khoáng sản; tổ chức quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp theo đúng quy hoạch, xem đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị. Các Ban quản lý rừng phòng hộ, các trạm quản lý bảo vệ rừng và hầu hết chính quyền cấp xã của huyện đặc biệt quan tâm và nỗ lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Huyện cũng đặc biệt tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra vai trò, trách nhiệm của tổ chức cơ sở Đảng và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ và phát triển rừng, xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ bao che, có hành vi sai phạm trong công thực thi công vụ về quản lý bảo vệ rừng. Ngoài nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 10, huyện Đam Rông còn tổ chức phổ biến và quán triệt đến toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, các địa phương nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 06 ngày 10/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khoá IV) về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và tài nguyên khoáng sản; khai thác tiềm năng từ rừng, tài nguyên khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội huyện Đam Rông giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030”. Trong năm 2022 này, huyện đặt mục tiêu trồng trên 515.000 cây xanh, nỗ lực kéo giảm từ 30% trở lên số vụ phá rừng, diện tích rừng, khối lượng lâm sản thiệt hại và xác định, lập hồ sơ xử lý đối tượng vi phạm đạt từ 80% trở lên. Huyện cũng đặt mục tiêu kiên quyết giải toả, thu hồi các diện tích đất lâm nghiệp mới bị phá, lấn chiếm; giữ vững và nâng tỷ lệ độ che phủ rừng toàn huyện đạt trên 65%.
 
Mặc dù vẫn còn xảy ra các vụ phá rừng trên một số địa phương, nhưng có thể nhận thấy rằng, công tác quản lý bảo vệ rừng từ sau khi có Nghị quyết 10 của Tỉnh uỷ đã có những dấu hiệu chuyển biết tích cực. Số vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn còn nhưng đã giảm khá nhiều so với trước đây. Các địa phương nóng về lấn chiếm đất rừng, vi phạm lâm luật như TP Đà Lạt, huyện Di Linh, Lạc Dương, Đam Rông... cũng đã có những bước chuyển biến khá rõ. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý bảo vệ rừng và cán bộ phường xã cũng ý thức và có trách nhiệm hơn trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, người dân nhận khoán quản lý bảo vệ rừng và Nhân dân các địa phương cũng nâng cao nhận thức, đồng hành cùng chính quyền địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Một số vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng qua thông tin của Nhân dân đã được quan tâm ngăn chặn kịp thời và cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra, xử lý. Ở các địa phương, lãnh đạo huyện, thành phố đã trực tiếp đi kiểm tra những điểm nóng, nắm tình hình thực tế công tác quản lý bảo vệ rừng để kịp thời chỉ đạo; còn lãnh đạo UBND phường, xã cũng đi thực tế kiểm tra rừng để đôn đốc các đơn vị chủ rừng, các tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất lâm nghiệp và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và UBND huyện, thành phố.
 
Giai đoạn đến năm 2030, mục tiêu của tỉnh Lâm Đồng là góp phần đảm bảo tỉ lệ che phủ rừng đạt từ 56% trở lên. Mong rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các địa phương, những mục tiêu mà Nghị quyết 10 đề ra sẽ tiếp tục nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ và quyết liệt triển khai thực hiện hơn nữa của các địa phương, của cả cộng đồng xã hội; qua đó, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, để cùng chung tay góp sức bảo vệ hệ môi trường sinh thái, giữ mãi màu xanh của rừng.
 
NGUYỄN NGHĨA