Những nông dân sản xuất giỏi gắn bó với cộng đồng

02:09, 03/09/2022
Đó mới chỉ là một vài khuôn mặt tiêu biểu trong số 85 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được Hội Nông dân thành phố Đà Lạt bầu chọn cho giai đoạn 2017- 2022. Nét nổi bật, đây là những nông dân không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn gắn bó với cộng đồng, giúp đỡ nhiều người cùng vươn lên làm giàu, xây dựng một Đà Lạt ngày càng tươi đẹp. 
 
Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Tôn Thiện San tuyên dương, khen thưởng những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của thành phố Đà Lạt trong một hội nghị gần đây
Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Tôn Thiện San tuyên dương, khen thưởng những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của thành phố Đà Lạt trong một hội nghị gần đây
 
•  NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG
 
Đã 72 tuổi (sinh 1950) nhưng ông Trần Ngọc Hòa - nông dân tổ dân phố Măng Line, Phường 7, Đà Lạt trông vẫn rất khỏe mạnh. Ông chìa bàn tay to, da thô ráp vì lao động nhưng ấm áp, bắt tay tôi: “Nhờ làm việc nhiều nên tôi khỏe, ngày nào không ra vườn không chịu được, không đi làm chắc bệnh ngay”- ông Hòa cười.
 
Người quê Vũ Thư (Thái Bình), ông Hòa đến với Đà Lạt năm 1997. Ông kể, ban đầu vào thành phố hoa với đôi bàn tay trắng, đi làm thuê, làm mướn cho các nhà vườn trong vùng. Ông vào Đà Lạt vì có người giới thiệu, lúc đó cũng chỉ biết loáng thoáng về thành phố này, nhưng khi vào, ông hết sức ngạc nhiên về một nơi có khí hậu mát mẻ, dễ sống, dễ làm ăn, chỉ cần chịu khó, siêng năng, cần cù, không quản ngại nắng mưa là được. Mà những điều này ông có đủ. Thế là ông quay về đưa cả nhà vào nơi đây lập nghiệp. 
 
Với gia sản ít ỏi lúc đầu, gia đình ông chỉ mua được một ít đất canh tác. Làm ăn được, ông mua đất dần từng bước, đến nay, gia đình ông đã có trên 5 ha đất, tất cả đều đã làm nhà kính trồng hoa cúc theo hướng công nghệ cao, đầu tư hệ thống tưới nước tự động, tưới nhỏ giọt. “Ai làm gì mình làm nấy, miễn là chịu khó học hỏi, làm ăn theo công nghệ mới. Mình phải chịu khó học hỏi, sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật, tưới cây phải nghiên cứu kỹ, chọn giống hoa cũng vậy, phải chọn các loại giống sạch bệnh, từ đó mang lại hiệu quả không thể tưởng tượng được”, ông mỉm cười.
 
Về danh nghĩa, hiện ông Hòa chỉ có 1 ha đất vì số còn lại là của các con ông. Nhưng chỉ với diện tích 1 ha nhà kính trồng hoa cúc quanh năm này, ông cũng có mức thu nhập khoảng 1,2 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động với thu nhập ổn định hằng tháng. Cùng với đó, ông cũng nhận giúp đỡ 7 hộ dân trong vùng về cây giống, kỹ thuật, phân bón để mọi người cùng vươn lên làm ăn với mình. 
 
Nhưng điều đáng nói nhất của ông Hòa chính là việc ông đưa rất nhiều hộ gia đình từ quê vào Đà Lạt để cùng làm ăn, đưa vùng đất Măng Line phát triển như hiện nay. Cụ thể, ông đưa bà con, thông gia, liên gia, người quen, người làng, các cháu trong dòng họ đến Đà Lạt để thuê đất, dựng nhà kính, phát triển kinh tế hộ gia đình. 
 
Trong 20 năm lập nghiệp nơi đây, tính đến năm 2017, ông đã đưa được 65 hộ gia đình với khoảng 200 lao động cùng trên 100 cháu nhỏ trong tuổi học sinh vào lập nghiệp ổn định ở Đà Lạt. Những hộ này có tổng diện tích đất khoảng 25 ha, tất cả đều làm nhà kính trồng hoa, thành lập tổ hội nghề nghiệp để hỗ trợ nhau. 
 
Đến năm 2019, tổ nghề nghiệp này đã có 104 hộ với 450 lao động chính, 150 các cháu nhỏ, tăng diện tích đất canh tác tại Đà Lạt lên 45 ha, cùng chuyển đổi từ tổ nghề nghiệp lên hợp tác xã trồng hoa cúc công nghệ cao. Đến thời điểm năm 2022 này, số hộ trong hợp tác xã đã tăng lên 160 gia đình, có tổng diện tích canh tác trên 65 ha cùng 600 lao động chính, với 200 con cháu là học sinh, sinh viên các cấp; nhiều cháu tốt nghiệp đại học có công việc ổn định trong xã hội. 
 
Ông cho biết, hầu hết những lao động từ quê vô đây theo ông, trước đó đều không có việc làm, nhưng khi vô đây đều ăn nên làm ra. Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình hay lao động quen biết ông từ các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An… dần tìm đến ông để kiếm việc làm vườn, mức lương ổn định từ 5-9 triệu đồng/người/tháng. Nhiều gia đình khi vào đây, ban đầu cũng tay trắng nhưng được ông chỉ bảo, hướng dẫn cách làm ăn, từ cách trồng, chăm sóc hoa, cách thuê đất… Rồi ông cho mượn tiền, ông nhận nợ từ vật tư làm nhà kính, mua phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật để giúp. Đến nay, đã có 50 hộ trong số này mua được đất nông nghiệp để sản xuất, có 20 hộ mua được ô tô đi lại. Hợp tác xã cũng đã đứng ra tín chấp các ngân hàng, quỹ tín dụng để bà con vay vốn đầu tư vào vườn. Ông đã cùng nhiều người nơi đây thành lập Hội Đồng hương Thái Bình để thăm hỏi nhau lúc ốm đau, lập quỹ khuyến học để khuyến khích con cháu học tập vươn lên trên quê mới; vận động ủng hộ giúp đỡ những người khó khăn, đóng góp xây dựng quê hương Thái Bình cũng như thành phố Đà Lạt nơi mình sinh sống, đóng góp hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt hằng năm. 
 
Là nông dân sản xuất giỏi, tiêu biểu của thành phố Đà Lạt, tích cực tham gia các phong trào địa phương và thành phố, trong năm 2020, ông Hòa đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất và xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh.
 
  GẦN 7.000 LƯỢT NÔNG DÂN ĐƯỢC GIÚP ĐỠ
 
Cùng với ông Trần Ngọc Hòa, rất nhiều nông dân sản xuất giỏi được thành phố Đà Lạt tuyên dương trong giai đoạn 2017-2022 vừa qua, trong quá trình đi lên của mình luôn gắn bó với cộng đồng. Có những gương mặt nổi danh được báo chí nhắc nhiều đến trong thời gian gần đây như ông Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Sunfood Đà Lạt, ông Nguyễn Song Vũ - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Song Vũ, bà Lương Thị Yến Vân - Giám đốc Hợp tác xã Vườn Nhà…
 
Tuy nhiên, trong danh sách 85 người được Hội Nông dân Đà Lạt chọn vinh danh vừa qua cũng có không ít những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, gắn bó với cộng đồng nhưng chưa được truyền thông nhắc đến nhiều. 
 
Như ông Phạm Quốc Đồng, sinh 1975, một nông dân trồng hoa hồng ở An Sơn, Phường 5, Đà Lạt. Với diện tích 6.000 m 2 hoa hồng, ông Đồng có thu nhập bình quân 720 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 5 lao động thường xuyên với thu nhập trung bình 8 triệu đồng/tháng. Không chỉ tham gia tốt các phong trào tại địa phương và thành phố, ông Đồng còn giúp đỡ 10 hộ gia đình khó khăn trong vùng về kỹ thuật, cây giống, tiền, phân bón để phát triển kinh tế. 
 
Hay như ông Nguyễn Bá Tư, sinh 1964, một nông dân sản xuất giỏi ở Vạn Thành, Phường 5, Đà Lạt. Với 5.000 m 2 canh tác hoa lili và đồng tiền, ông có thu nhập khoảng 600 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên. Đặc biệt, ông Tư đã giúp đến 22 hộ khó khăn trong vùng về kỹ thuật canh tác, cây giống, phân bón, giúp tiền để đầu tư vào sản xuất.
 
Hay như ông Tô Văn Liên, sinh 1972, một nông dân tại Đa Phú, Phường 7, Đà Lạt - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Liên Hằng với 7 thành viên, diện tích sản xuất 15 ha. Hợp tác xã Liên Hằng liên kết với khoảng 50 hộ dân trong vùng với tổng diện tích canh tác lên đến khoảng 100 ha để cung cấp rau, củ, quả Đà Lạt cho thị trường từ 5,5 - 6 nghìn tấn/năm. Hiện hợp tác xã có doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động thường xuyên, 50 lao động thời vụ với thu nhập từ 7-10 triệu đồng/người, giúp đỡ cho khoảng 120 lượt hộ khó khăn trong vùng về giống, kỹ thuật, tiền, phân bón để sản xuất. 
 
Thống kê của Hội Nông dân Đà Lạt cho biết, trong 5 năm gần đây, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã và đang tạo việc làm cho hơn 60 nghìn lao động, trong đó có hơn 20 nghìn lao động có việc làm thường xuyên với mức lương trung bình từ 8-15 triệu đồng/tháng; hơn 40 nghìn lao động có việc làm theo mùa vụ hoặc theo khâu công việc. Cùng với đó, các hộ nông dân sản xuất giỏi còn giúp đỡ vốn, cây giống, con giống, kinh nghiệm sản xuất cho hơn 6.968 lượt hộ nông dân với kinh phí lên hàng tỷ đồng. 
 
Nhờ phong trào đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững với hạt nhân nòng cốt là các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã khuyến khích ngày càng nhiều hơn sự đóng góp cho các hoạt động vì cộng đồng ở địa phương như ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, hỗ trợ đồng bào lũ lụt, đóng góp ủng hộ biển đảo, hỗ trợ các hộ khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; đóng góp xây mới, sửa chữa lại nhà Tình thương, nhà Đại đoàn kết, góp phần hoàn thành chương trình xóa nhà tạm trên địa bàn thành phố Đà Lạt… Tất cả đã góp phần không nhỏ làm cho số hộ nghèo của Đà Lạt giảm nhanh, đến cuối năm 2019, toàn thành phố Đà Lạt đã không còn hộ nghèo. 
 
Trong thời gian đến, Hội Nông dân Đà Lạt cho biết, vẫn tiếp tục vận động các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi chia sẻ cách thức, kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao, phấn đấu cùng nhau làm giàu.
 

Trong danh sách 85 người được Hội Nông dân Đà Lạt chọn vinh danh vừa qua cũng có không ít những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, gắn bó với cộng đồng nhưng chưa được truyền thông nhắc đến nhiều. 

 
VIẾT TRỌNG