Tăng cường công tác dân số trong tình hình mới

06:09, 09/09/2022
Xác định công tác dân số có ý nghĩa rất lớn tới sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng, sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 “về công tác dân số trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 51- KH/TU, ngày 16/4/2018 để triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW; đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ trong công tác dân số trên địa bàn tỉnh. 
 
Nụ cười trẻ thơ. Ảnh: P.Nhân
Nụ cười trẻ thơ. Ảnh: P.Nhân
 
Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh quan tâm và triển khai công tác dân số và phát triển bằng những biện pháp thiết thực, hiệu quả. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân số; thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số.
 
Để thực hiện hiệu quả công tác dân số trong tình hình mới, UBND tỉnh đã phê duyệt nhiều chương trình, đề án, kế hoạch. Qua đó, cung cấp kịp thời các thông tin về sàng lọc trước sinh, sơ sinh, lợi ích của việc sàng lọc; nguyên nhân và hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính khi sinh, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; hậu quả việc mang thai ngoài ý muốn. 
 
Đáng chú ý, hoạt động truyền thông được triển khai rộng khắp. Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, các địa phương, đơn vị đều chú trọng đổi mới các hình thức tuyên truyền về công tác dân số, phù hợp với từng đối tượng, từng vùng. Cụ thể, ưu tiên vùng có mức sinh cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu; tập trung cho nhóm đối tượng là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và sinh con một bề, các nhóm đối tượng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nhóm vị thành niên và thanh niên...
 
Các cơ sở y tế thực hiện cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, trong đó có dịch vụ khám và điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản. Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, cũng như các dịch vụ phục vụ nhu cầu của người cao tuổi từng bước được phát triển. Từng bước xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn, mô hình chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, trung tâm dưỡng lão... cho người cao tuổi. Từ đó tư vấn, khám sàng lọc, chăm sóc và phát hiện bệnh sớm cho người cao tuổi. Đa dạng hóa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nói riêng; phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; cải thiện tình trạng sức khỏe cho người cao tuổi tại 12 huyện, thành phố với 142/142 xã, phường, thị trấn của tỉnh; cấp phát 24.000 tờ rơi 6 với nội dung “Sống vui, sống khỏe, sống có ích”...
 
Nâng cao chất lượng dân số về thể chất thông qua đẩy mạnh hoạt động sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh nhằm nâng cao sức khỏe, giảm bệnh tật bẩm sinh của trẻ sơ sinh nhất là bệnh tật và tử vong có liên quan đến các yếu tố di truyền, nâng cao chất lượng dân số các dân tộc ít người được triển khai tại 12/12 huyện, thành phố. Từng bước củng cố, mở rộng và phát triển dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh. Năm 2020, tỉnh đã triển khai đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tại 12/12 huyện, thành phố. Các cấp, các ngành đã tổ chức 608 buổi tuyên truyền, tư vấn cho 18.415 lượt người; truyền thanh 1.485 buổi với 7.425 phút; xây dựng và duy trì câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3 giúp nhau phát triển kinh tế gia đình với 53 câu lạc bộ, 1.789 thành viên tham gia. Đồng thời, tuyên truyền, vận động lãnh đạo chính quyền các cấp, người có uy tín trong cộng đồng và người dân tham gia công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Đưa nội dung mất cân bằng giới tính khi sinh vào sinh hoạt trong trường THCS, THPT; vào hương ước, quy ước tại công đồng...
 
Có thể nói, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 21, công tác dân số trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trước hết là sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các địa phương trong việc ban hành các kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể hóa Nghị quyết 21 cho từng lĩnh vực và thích hợp với từng địa phương. Công tác dân số đã chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số, duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển nhanh, bền vững; mô hình “Gia đình 2 con” đang dần trở nên phổ biến trên địa bàn toàn tỉnh. Cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương đã chú trọng quan tâm đầu tư nguồn kinh phí cho công tác truyền thông, lồng ghép các chính sách, các mục tiêu dân số và phát triển vào nội dung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương... Nhờ đó, công tác dân số gặt hái được những kết quả quan trọng góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 
 
HỒNG VĨNH