An toàn giao thông học đường - mối lo chung

05:10, 04/10/2022
An toàn giao thông (ATGT) học đường muốn đạt kết quả tốt phải thực hiện nghiêm và đồng bộ nhiều phía: phụ huynh học sinh, nhà trường, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, những người dân quanh các trường học và chính những học sinh.
 
Cảnh sát giao thông tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT cho học sinh năm học 2022 - 2023
Cảnh sát giao thông tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT cho học sinh năm học 2022 - 2023
 
•  NHIỀU HOẠT ĐỘNG TRONG NGÀNH GIÁO DỤC 
 
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 48 ngày 5/4/2022 về tăng cường bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025. Với ngành Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành Kế hoạch 799 ngày 18/7 và Công văn 4415 ngày 9/9 việc tổ chức hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT cho học sinh sinh viên (HSSV) đầu năm học 2022 - 2023. Thực hiện tinh thần này, sáng ngày 24/9, Bộ GDĐT phối hợp Ủy ban ATGT Quốc gia, Công ty Honda Việt Nam tổ chức Lễ phát động năm học 2022 - 2023, HSSV nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về ATGT và tuyên truyền pháp luật về ATGT đường bộ; hướng dẫn kỹ năng lái xe mô tô, xe gắn máy an toàn bằng hình thức trực tuyến. Ở điểm cầu tỉnh Lâm Đồng, Lễ được Sở GDĐT tổ chức tại Trường THPT Trần Phú có sự tham dự đại diện lãnh đạo của Ban ATGT tỉnh, Sở GDĐT; đại diện Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh; cán bộ, chuyên viên Sở GDĐT, Honda Ngọc Anh cùng gần 200 học sinh THPT đại diện. Tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng phát động, kêu gọi HSSV nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về ATGT năm học 2022 - 2023 góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên cả nước. Cùng với đó là ký cam kết về tăng cường công tác giáo dục ATGT trong trường học giữa đại diện các bên liên quan. Tại điểm cầu Lâm Đồng, Phòng Cảnh sát Giao thông tuyên truyền, phổ biến pháp luật các quy định về ATGT; doanh nghiệp Honda Ngọc Anh phối hợp tổ chức các hoạt động tìm hiểu, thực hành kỹ năng lái xe mô tô, xe gắn máy an toàn và tặng mũ bảo hiểm cho học sinh. 
 
Cũng trong năm học 2022 - 2023 này, được biết Sở GDĐT Lâm Đồng tổ chức Cuộc thi “Học sinh với ATGT” năm 2022 vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 cho cấp THCS trên địa bàn tỉnh. Đó là tổ chức giảng dạy Chương trình “ATGT cho nụ cười trẻ thơ” ở cấp tiểu học, Chương trình “ATGT cho nụ cười ngày mai” ở cấp THCS và THPT… Năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục Lâm Đồng tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức pháp luật cho học sinh” (trong đó có phần về Luật ATGT đường bộ), dành cho đối tượng học sinh lớp 8 và 9, với 12.849 bài dự thi; Cuộc thi “ATGT cho nụ cười ngày mai” dành cho học sinh, giáo viên THCS và THPT do Bộ GDĐT phối hợp với Công ty Hon đa Việt Nam tổ chức, Lâm Đồng có 24.630 bài dự thi (học sinh 23.019 bài, giáo viên 1.611 bài); đoạt giải có 11 giáo viên và 23 học sinh. 
 
•  CỐT LÕI LÀ TĂNG CHẤT LƯỢNG VÀ SỰ PHỐI HỢP 
 
Những hoạt động trên đáng ghi nhận nhưng quan trọng hơn là thực thi về ATGT học đường làm thế nào thấm nhuần cao về nhận thức của xã hội, trong đó gia đình học sinh và bản thân học sinh; bên cạnh đó tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về ATGT theo hướng tăng tính chủ động, sáng tạo của HSSV, lồng ghép với các phong trào, các hoạt động của nhà trường một cách phù hợp, hiệu quả. Mặt khác, cần có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa ngành Giáo dục và các cơ quan liên quan, đặc biệt là công an để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và tạo tác động từ nhiều phía đối với công tác giáo dục ATGT cho HSSV. Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh đề nghị các Sở GDĐT, các nhà trường tập trung thực hiện tốt đợt cao điểm hưởng ứng Tháng Hành động ATGT và cả năm học 2022 - 2023. Bà Minh cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết với nhà trường trong việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy và phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện tham gia giao thông… Đối với các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng phải quán triệt triệt để tới cán bộ, nhà giáo và sinh viên nghiêm túc thực hiện quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, quy định về đội mũ bảo hiểm; thực hiện các hành vi văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông; tự giác chấp hành pháp luật về ATGT. “Mỗi thầy cô giáo, mỗi HSSV là một tuyên truyền viên tới gia đình, bạn bè và cộng đồng dân cư tuân thủ pháp luật về ATGT. Từ đó, xây dựng văn hóa giao thông trong đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo và HSSV trong toàn quốc”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát động.
 
Nhưng như đã nêu, để ATGT học đường đạt hiệu quả cao nhất, không chỉ ngành Giáo dục mà các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân nghiêm túc chung tay. Thực trạng nhiều tuyến đường trước cổng trường học ở Lâm Đồng thường xuyên ùn tắc giao thông cục bộ, nhiều điểm giữ xe máy học sinh của người dân quanh trường học vô tình đang tiếp tay vi phạm Luật ATGT đường bộ. Lấy ví dụ tại Trường THPT Trần Phú, đường Trần Quang Diệu mặc dù có biển cấm xe ô tô lưu thông vào thời điểm tan trường nhưng rất nhiều phụ huynh không chấp hành vì vậy ùn tắc thời gian dài, bên cạnh đó các điểm giữ xe máy học sinh tự lập. Hiệu trưởng Vũ Thị Quế cho biết: “Nhà trường đã làm việc với bên công an nhờ hỗ trợ, đồng thời phân công đội xung kích ATGT và giáo viên hỗ trợ học sinh đầu và cuối buổi học. Còn ngoài phạm vi nhà trường thì không thể can thiệp được, kể cả điểm giữ xe máy trường cũng đã nhiều lần làm văn bản gửi phường…”. Chúng tôi phản ánh vấn đề này với Chủ tịch UBND Phường 10, ông Tôn Thất Thanh Vũ cho biết: Thời gian qua, lực lượng Công an phường đi học nghiệp vụ nên thiếu người làm, đưa dân quân làm vẫn không giải quyết được thực trạng ùn tắc. Còn dư luận cho rằng có điểm giữ xe được cấp giấy phép hoạt động thì phường không cấp vì hoạt động này vi phạm pháp luật và phường cũng không thuộc thẩm quyền và chức năng. 
 
Khép lại bài viết này thiết nghĩ cần nêu số liệu trong 10 năm qua (tính đến cuối tháng 7/2022) thực hiện Chỉ thị 18 của Ban Bí thư Trung ương, toàn ngành Giáo dục Lâm Đồng đã xảy ra 41 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết 13 học sinh, 1 giáo viên và 1 nhân viên, 1 học sinh bị thương nặng. Thông tin buồn và là lời cảnh tỉnh. 
 
MINH ĐẠO