Đa dạng hình thức phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

06:10, 12/10/2022
Trước thực trạng số lượng lớn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nhận thức pháp luật còn hạn chế, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách ưu tiên đẩy mạnh hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào. Thể chế hóa chủ trương này, Nhà nước có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng các DTTS tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương.
 
Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đạ Tẻh tích cực tham gia tuyên truyền pháp luật. Ảnh: Hoàng Sa
Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đạ Tẻh tích cực tham gia tuyên truyền pháp luật. Ảnh: Hoàng Sa
 
Theo đó, những năm qua ở Lâm Đồng, thông qua hoạt động của người có uy tín trong đồng bào DTTS, việc tuyên truyền pháp luật bằng tiếng DTTS đã có nhiều thuận lợi hơn, công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS vì vậy cũng đạt được nhiều kết quả thiết thực.
 
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 478 người có uy tín trong đồng bào DTTS gồm già làng, trưởng thôn, chức sắc tôn giáo, cán bộ hưu trí... là lực lượng tuyên truyền viên pháp luật biết tiếng DTTS . Hàng năm, Ban Dân tộc chủ động phối hợp với MTTQ Việt Nam tỉnh, Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các ngành chức năng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền miệng cho những người có uy tín này; tổ chức các lớp tập huấn cung cấp thông tin kinh tế - xã hội địa phương và cả nước, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền miệng cũng như kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội trên từng lĩnh vực. Ngoài ra, UBND các huyện, thành phố cũng chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền mời người có uy tín tham gia triển khai các phong trào, các cuộc vận động, như Phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”; Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết,... phối hợp trực tiếp hòa giải những tranh chấp, khiếu kiện giữa các hộ gia đình trong thôn, xã. Qua đó, người có uy tín có kiến thức về pháp luật để tuyên truyền lại bằng tiếng DTTS cho cộng đồng dân cư nơi cư trú.
 
Đội ngũ tuyên truyền viên là người DTTS, người có uy tín, già làng, chức sắc, chức việc đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật khá đa dạng, phong phú thông qua các cuộc mít tinh, lễ hội, hội thi, hội diễn văn hoá - văn nghệ, thể dục thể thao, các phong trào thi đua trong đoàn viên, hội viên. Ngoài ra, các buổi sinh hoạt của các chi, tổ, hội, tổ dân phố, câu lạc bộ... ở địa bàn dân cư còn thường xuyên lồng ghép vào các hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc đưa chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, của địa phương và của hệ thống MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội đến với đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân là người DTTS. Có thể nói, hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên đã góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở. Với điều kiện thuận lợi là những người gần gũi với quần chúng Nhân dân nói chung và đồng bào DTTS nói riêng nên các tuyên truyền viên hầu hết đều nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân cũng như những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn đời sống của cơ sở, từ đó giúp cho tuyên truyền viên không chỉ tuyên truyền, giải thích cho quần chúng Nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương, mà còn từng bước nâng cao nhận thức, cảnh giác đối với những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm mục đích phá hoại công cuộc xây dựng đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc... Qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tăng cường đoàn kết trong Đảng, đồng thuận trong Nhân dân.
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, với những nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, thực tế hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS những năm qua vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và bộc lộ một số hạn chế. Đội ngũ làm công tác tuyên truyền viên pháp luật cơ sở hiện nay khá đông nhưng chất lượng hoạt động không đồng đều, một số thiếu chủ động, chưa mạnh dạn nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao. Để động viên những cán bộ, giáo viên hưu trí, cựu chiến binh, người có uy tín, có kinh nghiệm và năng lực tham gia vào lực lượng tuyên truyền viên pháp luật, các địa phương kiến nghị Nhà nước cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ thỏa đáng hơn, bởi hiện nay, trên vai của mỗi người có uy tín đang “gánh” khá nhiều trách nhiệm và kỳ vọng, vì họ là đầu mối của nhiều ngành, tổ chức đoàn thể, trong khi chế độ chính sách đãi ngộ đối với những người này vẫn còn thấp.
 
NGUYỄN NGHĨA