Lâm Hà đang xây dựng lộ trình, phấn đấu hoàn thành di dời các trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư trong năm 2024 nhằm giải quyết bài toán giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Việc làm này được người dân đồng tình ủng hộ.
|
Bà Nguyễn Thị Tần (tổ dân phố Quảng Đức, thị trấn Đinh Văn) đã di dời toàn bộ khu chăn nuôi của mình ra khỏi khu dân cư |
Trước năm 2020, gia đình bà Nguyễn Thị Tần (tổ dân phố Quảng Đức, thị trấn Đinh Văn) tận dụng diện tích vườn rộng 3 sào để xây dựng chuồng trại chăn nuôi, với quy mô 200 con heo và gà, doanh thu khoảng 400 triệu đồng/năm. Mặc dù gia đình đã đầu tư công trình biogas, sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải và thường xuyên vệ sinh chuồng trại, song mùi hôi từ khu chăn nuôi của gia đình bà luôn trở thành chủ đề phàn nàn của hàng xóm xung quanh. Từ ý kiến phản ánh của bà con, UBND thị trấn Đinh Văn đã vận động gia đình bà Tần di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra khu quy hoạch phát triển trang trại chăn nuôi. Tuy nhiên, thời điểm đó, gia đình bà chưa đủ vốn để đầu tư quy mô lớn nên đã dừng chăn nuôi. Đến tháng 6/2022, gia đình đã vay vốn, di dời trang trại chăn nuôi của mình tới tổ dân phố Kon Tách Đăng, tuy khó khăn trong việc quản lý, chăm sóc nhưng đổi lại, đàn vật nuôi không bị dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường. Từ khi chuyển qua chỗ mới, gia đình bà Tần yên tâm chăm sóc phát triển đàn vật nuôi, từng bước nâng cao thu nhập.
Ông Nguyễn Đức Việt - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đinh Văn cho biết, trên địa bàn có hàng chục hộ chăn nuôi nhỏ lẻ xen ghép trong các khu dân cư. Qua tuyên truyền cùng với nguồn lực hỗ trợ, các hộ nhận thức đầy đủ hơn những tác động tiêu cực khi chăn thả, nuôi nhốt gia súc gần nhà, từ đó tích cực hưởng ứng chủ trương di dời. Lộ trình được UBND thị trấn đặt ra, đó là thống kê số cơ sở chăn nuôi quy mô lớn nằm xen ghép trong khu dân cư để di chuyển trước, tiếp đó sẽ vận động, tuyên truyền, di dời các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ theo phương thức tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ và các phụ phẩm nông nghiệp gắn với cuộc sống sinh hoạt nên đa phần còn do dự khi được tuyên truyền, vận động di dời đi nơi khác.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Lâm Hà có khoảng 150 cơ sở chăn nuôi tại 2 thị trấn Đinh Văn và Nam Ban, đây là những khu vực không được phép chăn nuôi. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hầu hết các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm đều có quy mô, diện tích chăn nuôi nhỏ lẻ, vốn đầu tư ít, công tác bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức, việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải còn hạn chế, chưa đảm bảo đúng quy định. Điều kiện, khoảng cách các cơ sở chăn nuôi không đúng theo quy định của Luật Chăn nuôi. Mặc dù chăn nuôi nông hộ không mang lại giá trị kinh tế cao song cũng giúp người dân cải thiện kinh tế gia đình. Do vậy, biết là ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống xung quanh cũng như chính gia đình mình nhưng các hộ vẫn bất chấp để chăn nuôi. Còn về phía chính quyền địa phương, mặc dù Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định rõ, không chăn nuôi trong khu dân cư nhưng do khó khăn trong việc bố trí quỹ đất, các hộ dân thiếu vốn đầu tư nên việc tuyên truyền, vận động di dời chuồng trại ra khỏi khu dân cư gặp không ít khó khăn.
Ông Vũ Bá Yêu - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lâm Hà cho biết, qua rà soát của ngành Nông nghiệp, tỉ lệ các cơ sở chăn nuôi nằm xen ghép trong các khu dân cư còn cao, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân... Vì vậy, việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư được huyện quan tâm thực hiện.
Theo đó, UBND huyện yêu cầu các địa phương thực hiện rà soát, tổng hợp danh sách và xây dựng kế hoạch di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi và ngừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề trên địa bàn theo từng năm. Đặc biệt, không để phát sinh các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm mới nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thị trấn. Giám sát, xử lý dứt điểm các hoạt động chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi, không được tái sản xuất khi đã được hỗ trợ. Kiên quyết xử lý các trường hợp không thực hiện kế hoạch di dời theo quy định. Đồng thời, tiếp tục phổ biến các quy định về Luật Chăn nuôi năm 2018 cho người dân, nhất là các hộ chăn nuôi quy mô lớn để từ đó thực hiện di dời chăn nuôi ra khỏi khu dân cư.
Lâm Hà đang phấn đấu đến hết ngày 31/12/2024, phải hoàn thiện việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi dưới mọi hình thức trên địa bàn các tổ dân phố của thị trấn Đinh Văn và thị trấn Nam Ban. Lộ trình cụ thể như sau: Năm 2022, di dời, ngừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề đối với khoảng 10 cơ sở chăn nuôi; năm 2023 di dời, ngừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề đối với khoảng 30 cơ sở chăn nuôi; năm 2024, di dời, ngừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề đối với khoảng 110 cơ sở chăn nuôi.
HOÀNG YÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin