Trong những năm qua, việc xây dựng quy ước, hương ước trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến, đóng góp tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hoá ở các khu dân cư.
Hương ước, quy ước đã góp phần gìn giữ văn hoá trong đồng bào DTTS ở xã Đà Loan, huyện Đức Trọng |
Hương ước, quy ước được hình thành trong quá trình phát triển lâu dài của mỗi cộng đồng dân cư. Đó là tri thức dân gian được tích lũy, đúc kết từ nhiều thế hệ, không ngừng được bổ sung hoàn thiện. Bởi vậy hương ước, quy ước có vai trò đặc biệt quan trọng trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư.
Lâm Đồng có 12 huyện, thành phố; 142 đơn vị hành chính cấp xã (111 xã, 18 phường và 13 thị trấn) với 1.376 thôn, buôn, tổ dân phố với 47 dân tộc anh em cùng sinh sống đan xen, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 25%. Với sự đa dạng về sắc màu dân tộc, Lâm Đồng đã tạo nên đặc điểm văn hoá đặc sắc, mang đặc trưng riêng của từng dân tộc, từng địa bàn dân cư. Từ đó, hệ thống hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh cũng mang những màu sắc và nét đặc thù riêng so với các địa phương khác.
Để thực hiện việc xây dựng hương ước, quy ước, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch số 5603 để chỉ đạo về công tác tuyên truyền, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, xây dựng mới và tổ chức thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh tới các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh và UBND các huyện, thành phố phù hợp với tình hình thực tế và những quy định hiện hành. Trên cơ sở đó, 12/12 huyện, thành phố cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã, thôn, tổ dân phố xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước.
Các huyện, thành phố đã làm tốt công tác chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp tiến hành triển khai và thống nhất bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước theo đúng quy định. Một số xã đã thành lập ban chỉ đạo xây dựng hương ước, quy ước hoặc lồng ghép nội dung này trong nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá tỉnh về thực trạng công tác quản lý, xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh cho thấy, hiện nay có 1.366 thôn, buôn, tổ dân phố đã xây dựng (đạt tỷ lệ 99,2%); trong đó, có 1.328 hương ước, quy ước được phê duyệt (đạt 90%). Nhiều địa phương đã thực hiện và phát huy hiệu quả của hương ước, quy ước trong đời sống.
Ông Nguyễn Đình Hoàn - Phó Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin TP Bảo Lộc, cho biết: Trong những năm qua TP Bảo Lộc là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác xây dựng hương ước, quy ước. Thành phố đã thực hiện việc lồng ghép xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước gắn với Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, nhờ vậy đã tạo nhiều bước chuyển biến trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 16 - thị trấn Di Linh, chia sẻ thêm: Hương ước, quy ước được xem cánh tay nối dài của pháp luật, là những thỏa thuận của cộng đồng dân cư đặt ra để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính chất tự quản của Nhân dân, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước, thắt chặt tình làng nghĩa xóm điều tiết các mối quan hệ ứng xử, trách nhiệm của các thành viên trong cộng đồng dân cư. Thực tế tại Tổ dân phố 16, hương ước, quy ước được hình thành đã góp phần quan trọng trong phát huy tính tự quản của cộng đồng, tinh thần đoàn kết, gắn bó nghĩa tình góp phần xây dựng và duy trì bền vững tổ dân phố văn hoá.
Còn ông Dơ Woang Ya Gương - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh khẳng định: “Hương ước, quy ước đã góp phần thực hiện có hiệu quả việc vận động xóa bỏ, bài trừ các hủ tục, phong tục, tập quán không còn phù hợp; đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Ban Chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá tỉnh đánh giá: Việc xây dựng, triển khai hương ước, quy ước thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã thu được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình và chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của Nhân dân; bảo đảm an ninh trật tự, gìn giữ, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư ở cơ sở;. bài trừ các hủ tục trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, tổ chức lễ hội ở địa phương; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mê tín dị đoan,...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng các hương ước, quy ước có nơi vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định như nội dung vẫn mang tính hình thức, chưa có tính đặc thù; việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hương ước, quy ước tiến hành còn chậm, công tác kiểm tra, theo dõi việc triển khai trên địa bàn chưa thực sự sát sao, nên các hương, ước quy ước chưa đi sâu vào cuộc sống của người dân...
Còn nhiều vấn đề đặt ra nhằm phát huy hơn nữa vai trò của hương ước, quy ước trong đời sống. Trong đó tuyên truyền vẫn là giải pháp nòng cốt và chính quyền địa phương cần có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với đặc điểm tình hình của mỗi cộng đồng dân cư nhằm huy động được sự tham gia rộng rãi của cộng đồng dân cư. Gắn kết chặt chẽ giữa hương ước, quy ước với bình xét, công nhận, khen thưởng các danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa... sẽ góp phần thúc đẩy Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
NGỌC NGÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin