Lâm Đồng: Giảm nghèo bền vững cho tương lai

07:11, 16/11/2022
(LĐ online) - Giảm nghèo bền vững, giúp người dân thoát hẳn nghèo đói là mục tiêu chung của toàn bộ hệ thống chính trị tỉnh Lâm Đồng. Cùng với các cơ quan hữu quan và sự cố gắng của bản thân người nông dân, Lâm Đồng đã có những bước tiến đáng kể trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. 
 
Phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm giúp giảm nghèo tại Đam Rông
Phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm giúp giảm nghèo tại Đam Rông
 
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, cả hệ thống chính trị Lâm Đồng đã vào cuộc, với những đánh giá sâu sát điểm mạnh, điểm yếu, những khó khăn trong giảm nghèo. Từ các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, y tế, cải thiện sinh kết, Lâm Đồng đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hiệu quả. 
 
Chỉ tính riêng nguồn đầu tư, tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 tại Lâm Đồng đạt con số 589.582 triệu đồng. Trong đó, ngân sách trung ương là 509.157 triệu đồng; nguồn vốn từ các đơn vị nhận hỗ trợ huyện nghèo: 26.500 triệu đồng và ngân sách địa phương: 53.925 triệu đồng. 
 
Đặc biệt, với huyện Đam Rông, huyện nằm trong Chương trình 30a, tổng nguồn vốn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020 là 260.659 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 234.159 triệu đồng; ngoài ra, còn nguồn hỗ trợ từ các đơn vị nhận giúp đỡ huyện là 26.500 triệu đồng.
 
Trồng lúa bảo đảm an ninh lương thực tại xã Gung Ré, huyện Di Linh
Trồng lúa bảo đảm an ninh lương thực tại xã Gung Ré, huyện Di Linh
 
Nguồn kinh phí trên được sử dụng trong đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các công trình đường giao thông tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong các hoạt động sản xuất và sinh hoạt. Các đơn vị giúp đỡ xây dựng 19 hạng mục công trình trường học và nhà văn hóa thiếu nhi. 
 
Người dân được giao đất trồng rừng và giao khoán quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, đã góp phần đáng kể vào việc phủ xanh đồi trọc, tăng tỷ lệ che phủ của rừng lên trên 64,90%. Ngoài ra, người dân được hỗ trợ dạy nghề với nguồn kinh phí 1.856 triệu đồng, thực hiện hỗ trợ đào tạo 33 lớp nghề/803 học viên với các nghề được đào tạo gồm sửa chữa xe máy, gò hàn, trồng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi. 
 
Đồng thời, trên cơ sở nhu cầu cần hỗ trợ của người dân, Đam Rông đã căn cứ nguồn vốn và các tiêu chí hộ nghèo, số hộ nghèo của từng xã để phân bổ kinh phí cho các địa phương lập phương án hỗ trợ sản xuất, trong đó ưu tiên chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ vật tư, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo.
 
Nhìn chung, các chương trình hỗ trợ đều được triển khai đến người dân. Người dân được tiếp cận với giống, cây trồng vật nuôi mới, được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi đem lại năng suất cao, chất lượng tốt. Chương trình còn hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, có thu nhập ổn định và góp phần thay đổi nhận thức của Nhân dân.
 
Mô hình trồng củ năng tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương
Mô hình trồng củ năng tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương
 
Chương trình 135 có tổng kinh phí 248.534 triệu đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Nguồn vốn 135 đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng 618 công trình; duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng. Đồng thời, thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất 48.397 triệu đồng hỗ trợ cho trên 8.500 hộ, hỗ trợ chủ yếu vật tư phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, máy móc nông cụ sản xuất, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, nhân rộng mô hình giảm nghèo.
 
Giai đoạn 2017 - 2020, nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài chương trình 30a và Chương trình 135 là 11.263 triệu đồng, giải ngân 10.304 triệu đồng đạt 91,50% so với kế hoạch. Các nội dung hỗ trợ chủ yếu gồm hỗ trợ mua vắc xin lở mồm long móng, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, phân bón, hỗ trợ máy móc, trang thiết bị, nhân rộng mô hình giảm nghèo, tập huấn phổ biến kiến thức. Với nguồn kinh phí được phân bổ đã hỗ trợ cho khoảng 1.200 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất. 
 
Công tác truyền thông về giảm nghèo bền vững đã được các địa phương quan tâm và thực hiện tốt, qua đó đã kịp thời truyền tải chính sách, chương trình giảm nghèo đến cộng đồng và người dân; khuyến khích, động viên người nghèo, người cận nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo, giảm nghèo bền vững; nhiều mô hình, kinh nghiệm làm ăn hiệu quả đã được tuyên truyền, nhân rộng giúp người dân nâng cao năng lực sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
 
Công tác đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo, kiểm tra, giám sát đánh giá thực hiện chương trình cũng được chú trọng với 3 ngàn lượt cán bộ được tập huấn.
 
Ngoài huyện Đam Rông, các xã nghèo trên toàn tỉnh cũng được đầu tư, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Năm 2018 - 2020, đã phân bổ 48.000 triệu đồng cho 21 xã nghèo thuộc 8 huyện: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Từ nguồn kinh phí được phân bổ các huyện thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cho 4.840 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại 21 xã nghèo, nội dung hỗ trợ chủ yếu là phân bón, nông cụ sản xuất, giống vật nuôi, hỗ trợ học nghề…, đã giải ngân đạt 100% so với kế hoạch. 
 
Ngoài ra, Lâm Đồng còn cấp 1.226.510 thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 1.754 căn nhà ở cho hộ nghèo, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo.
 
Kết quả của hoạt động giảm nghèo có tín hiệu vui, đầu năm 2016, toàn tỉnh có 20.094 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,67%, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 12.487 hộ, chiếm tỷ lệ 19,11%. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh còn 4.488 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,32% (hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 2.793 hộ, chiếm tỷ lệ 3,58%). Giai đoạn 2016 - 2020, cả tỉnh giảm được 15.606 hộ nghèo so với đầu năm 2016, bằng 77,66% số hộ nghèo vào đầu năm 2016 .
 
Thực hiện chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025, đầu năm 2022, toàn tỉnh còn 9.731 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,87%, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 6.739 hộ, chiếm tỷ lệ 8,55%; hộ cận nghèo còn 13.821 hộ, chiếm tỷ lệ 4,07%, trong đó hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 8.211 hộ, chiếm tỷ lệ 10,47%. Lâm Đồng đang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp hướng tới giảm nghèo một cách bền vững.
 
DIỆP QUỲNH