Đuối nước - Các biện pháp phòng ngừa và xử lý

TIẾN DŨNG 11:08, 04/06/2023

(LĐ online) - Từ đầu năm đến nay, tại Lâm Đồng đã xảy ra 5 vụ đuối nước, làm chết 5 người. Điều này đặt ra các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách cho các cơ quan chức năng và cộng đồng đối với công tác phòng chống đuối nước cho người dân, đặc biệt là trẻ em. 

Một lớp dạy bơi cho trẻ em tại hồ bơi Phù Đổng - Đà Lạt
Một lớp dạy bơi cho trẻ em tại hồ bơi Phù Đổng - Đà Lạt

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước; trong đó, có mất kiểm soát, không có kỹ năng bơi, thiếu kiến thức về phòng chống đuối nước, người dân tắm ở các điểm không an toàn; không có biển cảnh báo mực nước, khu vực gặp nạn không có người quản lý. Mưa lớn, thay đổi thời tiết đột ngột có thể tạo ra các điều kiện gây nguy hiểm cho người dân, nhất là người dân đang ở gần khu vực sông, suối. Công tác tuyên truyền giáo dục còn hạn chế, chưa được đẩy mạnh. 

Đặc biệt, trẻ em và người lớn tuổi là nhóm người có nguy cơ tử vong cao hơn khi bị đuối nước. Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Lâm Đồng có các khuyến cáo, biện pháp phòng ngừa đuối nước và một số cách xử lý đối với trường hợp cụ thể như sau:

KHUYẾN CÁO, BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA ĐUỐI NƯỚC

Giáo dục và tăng cường nhận thức là yếu tố quan trọng nhất để ngăn chặn các tai nạn đuối nước. Các chương trình giáo dục về phòng chống đuối nước nên được thực hiện một cách rộng rãi, đặc biệt là đối với trẻ em và người lớn tuổi. 

Người dân cần được biết về nguy hiểm của việc bơi lội tại các khu vực không an toàn, những khu vực có nguy cơ đuối nước cao như ao hồ sông suối, khu vực nước trũng… và cách phản ứng trong trường hợp xảy ra sự cố đuối nước. 

Tổ chức các khóa đào tạo về bơi lội và cứu hộ, giảng dạy kỹ năng bơi cũng cần được tổ chức thường xuyên, đặc biệt là trong nhà trường để nâng cao khả năng tự cứu của người dân, học sinh, sinh viên khi đối mặt với nguy hiểm. 

Việc đảm bảo mọi người có kiến thức cơ bản về bơi lội và kỹ năng an toàn khi bơi là rất quan trọng, là cách hiệu quả nhất để giảm thiểu nguy cơ đuối nước.

Kiểm soát tại các khu vực có nguy cơ đuối nước, lắp đặt biển báo cảnh báo nguy hiểm và trang bị các phương tiện cứu hộ như phao cứu sinh, dây cứu hộ, cano... tại các khu vực bãi biển, ao hồ sông suối. Lấp bịt các giếng sâu không sử dụng đến, dùng nắp che… Những biện pháp này không chỉ cung cấp thông tin cảnh báo mà còn hỗ trợ cho sự an toàn của những người tìm kiếm cứu hộ trong trường hợp cần thiết. 

Giám sát đặc biệt quan trọng đối với trẻ em, người già và những người không biết bơi. Đây được xem là một biện pháp hiệu quả nhằm đảm bảo an toàn trong khi hoạt động ở môi trường nước. Người lớn cần luôn luôn giám sát trẻ em khi chúng tiếp xúc với nước, bất kể đó là hồ bơi hay ao, bể bơi nhỏ.

Dạy bơi cho trẻ là một cách hữu hiệu để phòng chống đuối nước
Dạy bơi cho trẻ là một cách hữu hiệu để phòng chống đuối nước

CÁCH XỬ LÝ ĐỐI VỚI MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ

Cách xử lý khi thấy người bị đuối nước: Khi thấy người bị đuối nước, cần hô hoán để mọi người biết ứng cứu, sau đó nếu ở gần người bị nạn có thể nằm sấp rồi đưa tay ra để kéo nạn nhân vào bờ. Nếu ở xa, tìm các vật dài như sào, dây để nạn nhân nắm lấy rồi kéo vào bờ, hoặc tìm những vật dụng có thể nổi được như phao ném ra cho nạn nhân để nạn nhân bơi vào. 

Tuyệt đối không bơi ra cứu nếu chúng ta không chắc chắn vào kỹ năng bơi và kỹ năng cứu nạn, cứu hộ của mình. 

Khi bơi ra cứu cần hết sức cẩn thận, nên mặc áo phao hoặc các vật dụng có thể nổi được. Chú ý không được để nạn nhân bám vào người mình, nếu bản thân chúng ta không có áo phao, khi đó sẽ rất nguy hiểm cho cả hai. Khi kéo nạn nhân vào bờ, cần kiểm tra hệ hô hấp của nạn nhân.

Nếu nạn nhân chết lâm sàng, cần xử lý ngay theo cách sau:

Bế vác nạn nhân, đặt bụng nạn nhân vào vai của mình, sau đó nhún nhẩy tại chỗ hoặc chạy để ép nước ra ngoài. Sau khi ép nước ra ngoài, cần đặt nạn nhân ở chỗ khô ráo, thoáng mát và bắt đầu sử dụng phương pháp hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực. Dùng 2 tay ấn vào lồng ngực 15 – 30 lần liên tiếp sau đó lấy hơi thật sâu thổi vào miệng của nạn nhân từ 2 đến 5 lần đồng thời dùng tay bịt mũi để tránh thoát khí ra bên ngoài. Động tác lặp đi lặp lại cho đến khi nạn nhân nôn ói hết ra và bắt đầu thở. Khi nạn nhân tỉnh cần đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và chăm sóc.

Kỹ năng thoát hiểm khi đang tắm biển mà gặp phải vùng xoáy, dòng chảy mạnh mọi người cần lưu ý và thực hiện một số thao tác sau: Hãy cố gắng giữ bình tĩnh và hiểu rằng, dòng nước không cuốn bạn chìm xuống đáy mà chỉ kéo bạn ra xa bờ thôi. Tuyệt đối không bơi ngược dòng chảy.

Đối với người biết bơi: Hãy bơi ngang hoặc theo hướng chéo xuôi theo dòng chảy và dần tách ra khỏi dòng chảy, sau đó bơi vòng cung dần tiến vào bờ. 

Đối với người không biết bơi hoặc đã đuối sức: Hãy thả lỏng và giữ cho cơ thể nổi, trôi theo dòng chảy. Đến khi thấy dòng chảy đã yếu thì cố gắng bơi chéo tách khỏi dòng chảy và bơi vòng vào bờ hoặc ra hiệu cho cứu hộ hoặc mọi người ứng cứu. 

Công tác phòng chống đuối nước luôn là vấn đề cần được sự quan tâm và hành động từ cộng đồng. Hãy cùng nhau lan tỏa thông điệp phòng chống đuối nước, chia sẻ thông tin và kiến thức với những người xung quanh, nhằm tạo nên nhận thức cao của người dân đối với công tác phòng chống đuối nước. 

Chỉ cần một hành động nhỏ, chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ đuối nước và bảo vệ mạng sống của mọi người cũng như chính người thân của chúng ta.