Lâm Đồng căng mình chống hạn (Bài 3)

KHÁNH PHÚC - HOÀNG SA 07:18, 24/03/2024
Người dân nỗ lực tìm mọi cách kéo ống bơm vét nước tại hồ Con Ó chống hạn cho hàng chục ha sầu riêng đang trong giai đoạn dưỡng bông tạo trái

• NHIỀU DIỆN TÍCH CÂY ĂN TRÁI NGUY CƠ HÉO KHÔ

Trong những ngày đi qua các vùng khô hạn, từ các xã Lộc Bắc, Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm), chúng tôi xuôi theo đèo Con Ó hơn 40 km về xã Mỹ Đức (huyện Đạ Tẻh). Vốn đã khô cằn, nằm tách biệt trên đồi cao, nắng hạn kéo dài quá lâu khiến buôn Con Ó  thêm cằn khô hơn.

Toàn buôn Con Ó đang có hơn 80 ha cây trồng, chủ yếu là sầu riêng, cao su và cà phê. Trong đó, có khoảng 35 ha sầu riêng đang trong giai đoạn dưỡng bông tạo trái, rất cần nguồn nước tưới. Hoạt động sản xuất, chống hạn của người dân nơi đây phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước tưới của hồ thủy lợi Con Ó.

Nắng hạn khiến hồ chứa nước Con Ó (xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh) đang ở mực nước chết
Nắng hạn khiến hồ chứa nước Con Ó (xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh) đang ở mực nước chết

Có dung tích chứa khoảng 300.000 mét khối, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, hiện lượng nước trong hồ Con Ó đã ở mực nước chết. Trên hồ, chỉ còn lại vài vũng nước nhỏ, phần lớn là bùn non kèm theo hơi nóng bốc lên khó chịu. Tại đây, hàng chục máy bơm của người dân đang xếp hàng để “vét” những giọt nước cuối cùng, hy vọng giải “cơn khát” cho những vườn sầu riêng đang thời kỳ ra bông kết trái.

Những người dân nơi đây cho biết, trong mùa khô nhiều năm qua, chưa năm nào hồ Con Ó bị cạn hết nước như năm nay. Nguyên nhân là do hạn hán quá gay gắt, diện tích cây sầu riêng lại tăng nhanh dẫn đến nhu cầu sử dụng nước tưới tăng mạnh, khiến mực nước trong hồ xuống rất nhanh.

“Sau đợt vét nước tưới này, 4 ha sầu riêng mà gia đình đang trồng sẽ phụ thuộc vào thời tiết. Nếu trời không mưa, chắc chắn sầu riêng rụng bông, rụng lá, thậm chí chết khô cả cây” - anh Nguyễn Trường Hận đang bơm nước tưới cho vườn sầu riêng, than thở.

Nếu trời không có mưa, nhiều khả năng đây là đợt vét nước cuối cùng của người dân tại hồ Con Ó
Nếu trời không có mưa, nhiều khả năng đây là đợt "vét nước" cuối cùng của người dân tại hồ Con Ó

Cách đó không xa, vườn sầu riêng 7 ha của gia đình anh Hoàng Đình Vượng cũng đang trong tình cảnh héo rũ vì thiếu nước tưới. Mặc dù gia đình anh đã đầu tư máy bơm công suất lớn, kéo hàng chục cuộn ống dài hơn 1,5 km từ hồ Con Ó để đưa nước về vườn nhưng vẫn không đủ chống hạn cho cây sầu riêng.

"Trong 7 ha sầu riêng của gia đình tôi, có 3 ha đang trong giai đoạn dưỡng bông, tạo trái. Ở giai đoạn này, cây sầu riêng cần rất nhiều nước. Nhưng giờ hồ Con Ó đã cạn nước, gia đình tôi cùng nhiều hộ dân khác đành phải vặt bỏ bông, chịu mất mùa để cứu cây” - anh Vượng bất lực thở dài.

 
Không đủ nước tưới cho vườn sầu riêng đang ra bông, ông Hoàng Đình Vượng (thôn Con Ó) đành phải ngậm đắng vặt bỏ bông để cứu cây
Không đủ nước tưới cho vườn sầu riêng đang ra bông, anh Hoàng Đình Vượng (thôn Con Ó) đành phải ngậm đắng vặt bỏ bông để cứu cây

Theo ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh, ngoài hồ Con Ó đang ở mực nước chết, nắng hạn kéo dài đã khiến nhiều khu vực trồng cây ăn quả, cà phê của người dân trên địa bàn huyện như Tôn K’Long (xã Đạ Pal) khoảng 300 ha; đồi Đất đỏ (xã Mỹ Đức) khoảng 50 ha, Trảng cỏ (xã Quốc Oai) khoảng 30 ha không còn nước chống hạn cho cây trồng. Tương tự, gần 100 ha sầu riêng của người dân xã Đạ Kho cũng đang có nguy cơ thiếu nước. Trong thời gian tới, nếu không có mưa hoặc lượng mưa không đáng kể, hạn hán sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất cây trồng của người dân.

Người dân xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên) tranh thủ bơm nước chống hạn cho cây trồng
Người dân xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên) tranh thủ bơm nước chống hạn cho cây trồng

Còn tại huyện Cát Tiên, nhất là xã Đồng Nai Thượng, nguy cơ hạn hán trên cây trồng đang diễn ra trên diện rộng. Ông Lê Quang Chường - Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện trên địa bàn đang có 95,2 ha diện tích trồng sầu riêng và cà phê tại các thôn Đạ Cọ, Bù Sa, Bê Đê, Bù Gia Rá, Bi Nao của hơn 80 hộ dân đang thiếu nước tưới trầm trọng. 

Mặt khác, trên địa bàn xã có 3 công trình đập thủy lợi lớn thì 2 công trình đã cạn, 1 đập nước tuy còn nhưng dự báo cũng sẽ sớm cạn. Đồng thời, tất cả các ao hồ nhỏ do người dân tự đào đã hết nước. Do đó, nếu trong 1 tháng tới trời không có mưa, nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn xã sẽ có nguy cơ bị chết vì khô hạn.

Hạn hán khiến hơn 95 ha cây sầu riêng, cà phê của người dân xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên) thiếu nước
Hạn hán khiến hơn 95 ha cây sầu riêng, cà phê của người dân xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên) thiếu nước

Được xem là “thủ phủ” sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng, tình hình hạn hán trên địa bàn huyện Đạ Huoai có phần đỡ hơn, nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ thiếu nước chống hạn nếu tiếp tục không có mưa.

Tại thủ phủ sầu riêng Đạ Huoai, nguy cơ thiếu nước tưới cho cây trồng luôn tiềm ẩn nếu không có mưa
Tại "thủ phủ" sầu riêng Đạ Huoai, nguy cơ thiếu nước tưới cho cây trồng luôn tiềm ẩn nếu không có mưa

Ông Nguyễn Linh Hoạt - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai cho biết: Mùa khô năm 2024 diễn biến phức tạp, từ cuối tháng 12/2023 đến nay, trên địa bàn huyện không có mưa dẫn đến mực nước tại các sông, suối và hồ chứa đều xuống thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

 

Riêng hồ chứa nước Đạ Đăk (xã Phước Lộc) đã giảm đến 4,5 mét so với mực nước dâng bình thường. Mực nước các sông, suối tự nhiên như Đạ Huoai, Đạ M’ri… cũng đang giảm rất nhanh, gây khó khăn cho công tác chống hạn của người dân.

Dự báo, nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài sẽ khiến hơn 335 ha cây trồng như sầu riêng, chè, hồ tiêu và cao su của người dân thuộc các xã Đạ P’Loa, Đoàn Kết, Phước Lộc, Hà Lâm và thị trấn Đạ M’ri lâm cảnh thiếu nước. Địa phương đang tuyên truyền vận động người dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm; tăng cường nạo vét ao hồ đảm bảo nguồn nước chống hạn cho cây trồng.

• ĐỒNG XANH TRONG NẮNG HẠN

Trái ngược với khung cảnh khô hạn, xơ xác ở nhiều nơi trong tỉnh, có mặt tại vựa lúa Cát Tiên, Đạ Tẻh những ngày này, mặc dù đang giữa thời tiết nắng nóng, nhưng những cánh đồng lớn nơi đây vẫn luôn đủ nước, cây lúa vẫn xanh tươi phát triển.

Nhờ chủ động được nguồn nước từ hồ thủy lợi Đạ Hàm nên cánh đồng lúa xã An Nhơn và thị trấn Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh) phủ kín màu xanh
Nhờ chủ động được nguồn nước từ hồ thủy lợi Đạ Hàm nên cánh đồng lúa xã An Nhơn và thị trấn Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh) phủ kín màu xanh

Vừa tất bật với công việc lấy nước vào ruộng, ông Nguyễn Văn Hải (67 tuổi, xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh) chia sẻ: “Bây giờ chỉ có tháo bờ là nước sẽ tự chảy vào ruộng mà không cần phải bơm như trước kia. Từ khi kênh mương được xây dựng bê tông, việc dẫn nước tưới từ hồ Đạ Hàm về các cánh đồng rất thuận lợi.

Trước mùa vụ, người dân chỉ cần đồng loạt ra quân nạo vét 1 lần là nước chảy về êm ru. Không còn lo chuyện thiếu nước, năm vừa rồi, nhà tôi làm được 3 vụ lúa. Chỉ riêng vụ Đông - Xuân, 5 sào ruộng của tôi đã thu được hơn 3,5 tấn lúa. Nông dân vô cùng phấn khởi”.

Hầu hết các hồ chứa phục vụ sản xuất lúa trên địa bàn huyện Đạ Tẻh đang có nguồn nước dồi dào phục vụ sản xuất của người dân
Hầu hết các hồ chứa phục vụ sản xuất lúa trên địa bàn huyện Đạ Tẻh đang có nguồn nước dồi dào phục vụ sản xuất của người dân

Ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh cho biết: Mực nước 9/9 hồ chứa thuỷ lợi cấp nước cho các cánh đồng lúa trên địa bàn hiện đang cao hơn cùng kỳ năm trước, đảm bảo nguồn nước để người dân sản xuất lúa.

Mặt khác, trên địa bàn toàn huyện có 10 công trình thủy lợi do tỉnh quản lý đã được đầu tư đang khai thác; 207 km kênh mương với tổng công suất tưới thiết kế của các công trình thủy lợi là 3.721 ha/15.026 ha đất canh tác nông nghiệp toàn huyện.

Ngoài ra, hệ thống kênh mương của công trình hồ chứa nước Đạ Lây cũng thực hiện chức năng tưới tiêu cho 4.821 ha đất nông nghiệp.

Giữ cao điểm nắng hạn, các cánh đồng lúa trên địa bàn huyện Đạ Tẻh vẫn luôn no nước xanh tươi
Giữa cao điểm nắng hạn, các cánh đồng lúa trên địa bàn huyện Đạ Tẻh vẫn luôn no nước xanh tươi

Đối với các công trình thủy lợi do tỉnh quản lý, Trung tâm Quản lý Đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng được phân cấp khai thác và bảo vệ 7 công trình thủy lợi cùng gần 200 km kênh mương với tổng công suất tưới thiết kế của các công trình là 3.611 ha.

 
Hiện tại, mực nước tại hồ Tư Nghĩa (huyện Cát Tiên) vẫn đảm bảo tốt cho người dân chống hạn
Hiện tại, mực nước tại hồ Tư Nghĩa (huyện Cát Tiên) vẫn đảm bảo tốt cho người dân chống hạn

Còn tại vùng sản xuất lúa gạo mang thương hiệu Cát Tiên, bất chấp thời tiết khô hạn thời gian qua, thời điểm này, người nông dân cũng đang tất bật thu hoạch vụ lúa Đông - Xuân với một vụ mùa bội thu.

Ông Nguyễn Đình Lưu – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Viễn cho biết: Toàn xã đang thu hoạch 865 ha vụ lúa đông xuân với các giống lúa ST25, 4900… năng suất đạt từ 7,8 – 8 tấn/ha.

Hiện tại, hệ thống kênh mương hầu hết đã phủ hết cánh đồng trên địa bàn xã, nên nước được đưa về tận chân ruộng đảm bảo đầy đủ cho bà con sản xuất từ 2 – 3 vụ lúa/năm.

Nhờ chủ động được nguồn nước, nên vụ lúa Đông - Xuân tại huyện Cát Tiên đạt năng suất cao
Nhờ chủ động được nguồn nước, nên vụ lúa Đông - Xuân tại huyện Cát Tiên đạt năng suất cao

Theo UBND huyện Cát Tiên, những năm qua, huyện đã tranh thủ lồng ghép các nguồn vốn đầu tư 35 hạng mục công trình thủy lợi nhỏ; kiên cố hóa và sửa chữa, nâng cấp 14,23 km kênh mương kết hợp với 14,56 km hệ thống kênh mương hồ chứa nước Tư Nghĩa.

Qua đó, nâng tổng chiều dài kênh mương kiên cố hóa lên 161,45/255 km, đạt tỷ lệ 63,3%. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng triển khai đề án hỗ trợ phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ phục vụ sản xuất.

Đồng thời, UBND huyện Cát Tiên cũng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như xây dựng công trình thủy lợi hồ chứa nước Đạ Sị, nâng cấp các trạm bơm trên sông Đồng Nai. Qua đó, cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa trên địa bàn.

Bài cuối: Cần giải pháp chống hạn hiệu quả, lâu dài cho Nam Tây Nguyên