Lâm Đồng căng mình chống hạn (Bài 2)

KHÁNH PHÚC - HOÀNG SA 08:20, 23/03/2024
Hạn hán khiến giếng khoan của gia đình ông KTrương (thôn Đạ Hiòng, xã Gia Bắc) khô cạn, cố gắng bơm cũng chỉ đủ sử dụng tạm bợ qua ngày
Hạn hán khiến giếng khoan của gia đình ông K'Jam (thôn Đạ Hiòng, xã Gia Bắc) khô cạn, cố gắng bơm cũng chỉ đủ sử dụng tạm bợ qua ngày

 KHỐN KHỔ VÌ THIẾU NƯỚC

Có mặt tại 2 xã Gia Bắc và Sơn Điều (huyện Di Linh) giữa cao điểm nắng nóng, đập vào mặt chúng tôi là hình ảnh người dân túc trực bên giếng khoan, giếng đào đã cạn khô để canh bơm những giọt nước hiếm hoi vừa rỉ ra từ giếng mới tạm đủ dùng sinh hoạt trong ngày.

Ông K'Jam (ngụ tại thôn Đạ Hiòng, xã Gia Bắc), lo lắng nói: “Giếng khoan của gia đình tôi sâu hơn 20 mét, nhưng đã cạn khô suốt 1 tháng nay. Hàng ngày, để có nước sử dụng tạm, tôi phải túc trực bật máy bơm nhiều lần. Vì nước rỉ ra quá ít, nên mỗi lần bơm cũng chỉ được vài chục lít. Cố tận dụng cũng chỉ đủ nước cho gia đình 5 người ăn uống, tắm rửa qua ngày".

 
Nắng hạn khiến bồn cấp nước 10.000 lít từ công trình nước tự chảy tại thôn Đạ Hiòng (xã Gia Bắc, huyện Di Linh) bỏ không
Nắng hạn khiến bồn cấp nước 10.000 lít từ công trình nước tự chảy tại thôn Đạ Hiòng (xã Gia Bắc, huyện Di Linh) bỏ không

Ông K’Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Gia Bắc, cho biết: Toàn xã có 816 hộ dân, với hơn 3.240 nhân khẩu, với trên 97% là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguồn nước sinh hoạt của người dân chủ yếu phụ thuộc vào giếng đào và công trình nước tự chảy. Trải qua nhiều tháng nắng hạn đã khiến nguồn nước giếng đào của người dân tại 5/5 thôn trong xã cạn kiệt, phần lớn không thể sử dụng.

Đối với nước tự chảy, được đầu tư từ năm 2004 và qua nhiều lần nâng cấp đã lắp đặt thêm 3 bồn chứa ở các vị trí trung tâm (10.000 lít/bồn) để trữ nước cung cấp cho người dân. Thế nhưng, năm nay, do nắng hạn kéo dài khiến nước từ thượng nguồn sụt giảm, 2/3 bồn chứa tại các thôn Đạ Hiòng và Hà Giang không đủ nước cung cấp”.

Theo khảo sát, hiện nay, toàn xã Gia Bắc đang có hơn 350 hộ dân trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, tập trung chủ yếu tại 2 thôn Đạ Hiòng và Hà Giang. Trước tình thế cấp bách, từ hệ thống nước tự chảy, UBND xã Gia Bắc đã mở thêm các vòi cấp nước tập trung để người dân chia nhau lấy nước về sử dụng.

Khô hạn khiến công trình nước tự chảy giảm công suất cấp nước, UBND xã Gia Bắc đã mở các vòi cấp nước tập trung để bà con chia nhau lấy nước về sử dụng
Khô hạn khiến công trình nước tự chảy giảm công suất cấp nước, UBND xã Gia Bắc đã mở các vòi cấp nước tập trung để bà con chia nhau lấy nước về sử dụng

Bà Ka Vòng (ngụ tại thôn Hà Giang) cho biết: “Giếng đào của gia đình tôi đã cạn hơn 1 tháng nay. Để có nước sử dụng, hàng ngày gia đình phải mang can ra vòi nước tự cháy lấy nước về sinh hoạt. Nhưng vì nước khan hiếm, nên người dân phải chia nhau, mỗi ngày mỗi gia đình cũng chỉ lấy được 2 can (mỗi can 20 lít). Nước lấy về chỉ đủ ăn, uống hàng ngày, còn việc tắm giặt thì chúng tôi phải vào suối cách nhà gần 5 km mới có nước”.

 
Nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài, người dân 2 xã Gia Bắc, Sơn Điền (huyện Di Linh) cần được tiếp nước sinh hoạt để ổn định cuộc sống
Nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài, người dân 2 xã Gia Bắc, Sơn Điền (huyện Di Linh) cần được tiếp nước sinh hoạt để ổn định cuộc sống

Tương tự tại xã Sơn Điền, tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng đang diễn ra cấp bách tại nhiều thôn. Trong đó, việc thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng nhất đang xảy ra tại thôn Jang Pàr.

Ông K’Xuân – Chủ tịch UBND xã Sơn Điền, cho biết: Nguồn nước sinh hoạt của 780 hộ dân, với hơn 3.400 nhân khẩu trên địa bàn xã phụ thuộc chủ yếu vào nước tự chảy và giếng đào.

Hiện nay, các thôn Bờ Nơm, Đăng Cao, Con Sỏ có công trình nước tự chảy nên cơ bản đáp ứng đủ cho bà con sử dụng.

Riêng 2 thôn Jang Pàr và Ka Liêng phụ thuộc hoàn toàn vào giếng đào. Trong đó, thôn Jang Pàr do ở trên cao nên hầu hết giếng đào đang dần khô cạn. Toàn thôn này đang có hơn 50 hộ dân thiếu nước sinh hoạt phải xin nhờ hàng xóm khiến cuộc sống bà con gặp rất nhiều khó khăn.

 CHẬT VẬT TÌM NƯỚC SINH HOẠT

Nếu như 2 xã Gia Bắc, Sơn Điền (huyện Di Linh) còn có nguồn nước tự chảy để chia nhau tạm giải cơn khát, thì hàng trăm hộ dân tại 2 xã Lộc Bắc và Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm) lại dựa hết vào nguồn nước giếng đào và hệ thống giếng khoan tập trung do Nhà nước đầu tư.

Theo thống kê, trên địa bàn 2 xã này đang có 16 giếng khoan tập trung (mỗi xã 8 giếng). Trong đó, đối với xã Lộc Bảo, 8/8 giếng khoan đều không thể sử dụng cho ăn uống do bị nhiễm phèn.

Mặc dù tất cả các giếng khoan trên địa bàn xã Lộc Bảo đang đủ nước, nhưng chỉ phục vụ để người dân tắm giặt là chính. Còn nguồn nước để ăn uống hàng ngày của bà con vẫn phụ thuộc chủ yếu vào giếng đào.

Xã Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm) có 8/8 giếng khoan tập trung, tất cả đều bị nhiễm phèn không thể sử dụng để ăn uống
Xã Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm) có 8/8 giếng khoan tập trung, tất cả đều bị nhiễm phèn không thể sử dụng để ăn uống

Ông K’Lý – Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bảo, cho hay: “Tất cả 8 hệ thống giếng khoan do Nhà nước đầu tư trên địa bàn bị nhiễm phèn nặng nên không thể sử dụng để ăn uống. Nguồn nước ăn uống hàng ngày của người dân đều dựa hết vào giếng đào của mỗi gia đình. Thế nhưng, do nắng hạn quá gay gắt khiến nguồn nước giếng đào ngày càng sụt giảm nghiêm trọng.

Tính đến giữa tháng 3, toàn xã đã có hơn 50% hộ dân thiếu nước sinh hoạt do giếng đào không còn nước. Để có nước sử dụng, bà con cùng chia sẻ cho nhau hoặc đến phân hiệu Trường Tiểu học Lộc Bảo ở Thôn 3 chở về dùng”.

Chúng tôi tìm đến phân hiệu Trường Tiểu học Lộc Bảo đóng tại Thôn 3, nơi đang có hệ thống lọc nước được nhà tài trợ đầu tư. Chiều muộn, chị Ka Hội cùng nhiều người dân Thôn 3 (xã Lộc Bảo) tranh thủ cùng nhau đến lấy nước về dùng.

Chị Ka Hội bộc bạch: “Trong Thôn 3 chúng tôi có 2 giếng khoan, nhưng tất cả đều bị nhiễm phèn nên không thể sử dụng để ăn uống.

Cũng như nhiều hộ dân khác, nắng hạn khiến giếng đào của gia đình tôi không còn nước. May mắn, giếng khoan tại Trường Tiểu học có hệ thống lọc nên bà con tới đây chở nước về dùng. 

 
Do giếng đào của gia đình đã cạn, hàng ngày chị Ka Hội (Thôn 3, xã Lộc Bảo) mang theo can nhựa tìm đến phân hiệu Trường Tiểu học lấy nước về ăn uống
Do giếng đào của gia đình đã cạn, hàng ngày chị Ka Hội (Thôn 3, xã Lộc Bảo) mang theo can nhựa tìm đến phân hiệu Trường Tiểu học lấy nước về ăn uống

Khá hơn xã Lộc Bảo, tại xã Lộc Bắc có 8 giếng khoan tập trung thì 3 giếng không bị nhiễm phèn vẫn đủ cung cấp nguồn nước cho người dân sử dụng. Tuy nhiên, tại các thôn 3 và 4 do các giếng khoan tập trung bị nhiễm phèn nên hàng trăm hộ dân đang lâm vào cảnh “khát” nước sinh hoạt.

Người dân xã Lộc Bắc vét giếng tìm nước sinh hoạt giữa cao điểm mùa khô
Người dân xã Lộc Bắc vét giếng tìm nước sinh hoạt giữa cao điểm mùa khô

Ông Su Thương Hòa – Trưởng Thôn 3 (xã Lộc Bắc), cho biết: “Hơn 300 hộ dân trong thôn đều dựa vào nguồn nước sinh hoạt từ giếng đào. Phần lớn giếng đào của bà con đều đã cạn nước không có sử dụng.

Ngoài việc đi xin hàng xóm và vét giếng tìm nước, thì bà con còn phải mua thêm nước bình mới đủ sử dụng hàng ngày. Tình trạng thiếu nước đang khiến cuộc sống của bà con có nhiều xáo trộn. Nếu nắng hạn kéo dài trong vòng nửa tháng tới, thì chắc chắn toàn Thôn 3 sẽ không còn nước sinh hoạt để dùng”.

TP Bảo Lộc huy động xe cứu hóa tiếp nước sinh hoạt cho người dân Thôn 3 (xã Lộc Châu)
TP Bảo Lộc huy động xe cứu hóa tiếp nước sinh hoạt cho người dân Thôn 3 (xã Lộc Châu)

Không chỉ các xã vùng xa của 2 huyện Di Linh, Bảo Lâm, mà nắng hạn khiến hàng trăm hộ dân tại 2 xã Đại Lào, Lộc Châu ngay tại TP Bảo Lộc cũng lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng do hầu hết giếng đào, giếng khoan của bà con bị cạn nước.

Trước thực trạng trên, từ ngày 8/3, UBND TP Bảo Lộc đã huy động 1 xe bồn của Công ty CP Công trình Đô thị Bảo Lộc và xe cứu hỏa của Đội Cảnh sát PCCC Khu vực 3 vận chuyển nước sinh hoạt phục vụ hàng trăm hộ dân tại 2 địa phương nói trên.

Gần nửa tháng qua, xe bồn liên tục cấp nước sinh hoạt cho người dân xã Đại Lào (TP Bảo Lộc) 
Gần nửa tháng qua, xe bồn liên tục cấp nước sinh hoạt cho người dân xã Đại Lào (TP Bảo Lộc) 

Theo UBND xã Đại Lào, mặc dù đã được tiếp nước, nhưng tại nhiều khu vực xa các bồn chứa thuộc các thôn 5, 6 và thôn 10, người dân vẫn phải mua nước để sử dụng. Để tránh tình trạng người dân bị “chặt chém” giá cả khi mua nước, địa phương đã yêu cầu những người bán nước ký cam kết chỉ bán nước cho bà còn từ 80 đến 100 ngàn đồng/mét khối.

Mặc dù đã được tiếp nước, nhưng nhiều hộ dân tại Thôn 5 (xã Đại Lào) vẫn mua nước sinh hoạt để sử dụng
Mặc dù đã được tiếp nước, nhưng nhiều hộ dân tại Thôn 5 (xã Đại Lào) vẫn mua nước sinh hoạt để sử dụng

Để giải quyết tình trạng người dân “khát” nước do nắng hạn, UBND các huyện Di Linh, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc đang chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương khảo sát, cập nhật kịp thời các thông tin liên quan để kịp thời tiếp nước cho bà con sử dụng đảm bảo ổn định cuộc sống.

Bài 3: Cấp bách chống hạn từ 3 huyện phía Nam