Lâm Đồng căng mình chống hạn (Bài 1)

KHÁNH PHÚC - HOÀNG SA 10:38, 22/03/2024
Người dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang chật vật chống hạn cho cây trồng
Người dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang chật vật chống hạn cho cây trồng

 

(LĐ online) - Từ tháng 12/2023 đến nay, Lâm Đồng nắng như đổ lửa, chỉ có một vài trận mưa hiếm hoi xuất hiện. Chính vì vậy, tại nhiều địa phương, cây trồng héo rũ, xác xơ do thiếu nước tưới. Người dân đang tích cực bơm nước tưới để cứu cây trồng. Tuy nhiên, nguồn nước chống hạn tại nhiều nơi bị suy kiệt, hàng ngàn hộ dân đang đối mặt với thiếu nước tưới và thiếu nước sinh hoạt. 
 

Giữa cao điểm mùa khô, chúng tôi đã vượt hàng trăm km đi về những vùng “đất cháy” để ghi nhận sự khốc liệt của nắng hạn đã và đang diễn ra ở vùng đất Nam Tây Nguyên. Nắng hạn làm cho hàng loạt ao hồ, sông suối cạn khô và các công trình thủy lợi đang ở mực nước chết. Hàng ngàn ha cà phê, chè, cây ăn trái của người dân các xã Gia Bắc, Sơn Điền, Tam Bố (huyện Di Linh) hay Lộc Bắc, Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm) đang cháy lá, khô bông vì "khát nước".

Khát nước lâu ngày, đang khiến hàng trăm ha cà phê của người dân xã Gia Bắc (huyện Di Linh) vàng lá héo rũ, khô hông đứng trước nguy cơ thất thu
Hàng trăm ha cà phê của người dân xã Gia Bắc (huyện Di Linh) vàng lá héo rũ, khô bông, đứng trước nguy cơ thất thu

GIA BẮC, SƠN ĐIỀN KHÁT CHÁY

Chúng tôi tìm về 2 xã Gia Bắc, Sơn Điền (huyện Di Linh) giữa trung tuần tháng 3 khi cái nắng như đổ lửa khiến cho cả con người và cây trồng đang khát, cháy; mọi ngã đường vào nơi đây đều thấy cỏ cây vàng úa và bị phủ kín bụi đỏ.

Xã Gia Bắc có hơn 97% người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, với gần 2.000 ha đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, có hơn 1.480 ha cà phê và gần 500 ha trồng bắp. Nguồn nước tưới của người dân nơi đây phụ thuộc vào 4 hồ thủy lợi do Nhà nước đầu tư cùng một số khe suối và hơn 150 ao hồ nhỏ bà con tự đào.

Không chỉ héo rũ, cháy khô mà nhiều diện tích cà phê của người dân thôn Hà Giang (xã Gia Bắc) còn phủ đầy bụi đỏ do hạn hán
Không chỉ héo rũ, cháy khô, nhiều diện tích cà phê tại thôn Hà Giang (xã Gia Bắc) còn phủ đầy bụi đỏ do hạn hán quá khốc liệt

Ông K’Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Gia Bắc, cho biết: “Suốt 4 tháng liền, trên địa bàn xã không có một hạt mưa. Suốt hơn 10 năm qua, đây là đợt nắng hạn lịch sử đang đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Gần như tất cả các hồ chứa, khe suối và ao hồ tự đào đều đang ở mực nước chết. Đến hiện tại, tỷ lệ tưới nước chống hạn cho cây trồng của người dân chỉ đạt khoảng 20%”.

Nếu như mọi năm, con suối tại thôn Bù Bê (xã Gia Bắc) cung cấp nguồn nước tưới cho hơn 500 ha cà phê của người dân các thôn Bù Bê, Hà Giang, Nao Xẻ và Ka Sá, thì hiện nay con suối này không còn nước khiến cả vùng cà phê rộng lớn của người dân Gia Bắc lâm vào cảnh cháy lá, khô bông. Ngay tại một vị trí thu nước trên con suối này, có hơn 10 máy bơm của người dân chờ sẵn để “mót” nước cứu cây trồng. Nhưng tất cả đều phải trùm bạt nằm im vì suối đã trơ đáy.

Tại một điểm thu nước trên con suối thuộc thôn Bù Bê (xã Gia Bắc, huyện Di Linh) tuy đã cạn trơ đay, nhưng vẫn có hơn 10 chiếc máy bơm nằm chờ sẵn để mót nước giải khát cho cây cà phê
Một điểm thu nước trên con suối tại  thôn Bù Bê (xã Gia Bắc) đã cạn nhưng người dân vẫn để máy máy bơm túc trực để "mót" nước tưới cho cây cà phê

Ông K’Nam (ngụ thôn Bù Bê), chia sẻ: “Gia đình có 2 ha cà phê đang thiếu nước khiến cây héo rũ cháy lá, khô bông. Vì nước quá khan hiếm, nên bà con phải chia giờ bơm nước để cứu cây. Năm nay nắng hạn quá khốc liệt, kéo dài khiến bông cà phê khô héo nên việc mất mùa là điều hiển nhiên”.

Giữa trời trưa đứng bóng, ông K’Thọ (ngụ thôn Nao Xẻ, xã Gia Bắc) đang nỗ lực kéo 15 cuộn ống tưới nước chống hạn cho hơn 1,5 ha cà phê đang khát. Nắng gắt giữa trưa khiến da mặt ông Thọ cháy sạm.

“Nước suối khan hiếm, bà con phải nhường nhau mới có chút nước tưới tạm cho vườn cà phê. Trưa nay đến lượt mình tưới, còn rất ít nước nên phải tranh thủ thôi. Lần này, may lắm cũng chỉ đủ nước tưới cho 2 sào. Diện tích cà phê còn lại đành phải chờ trời thương cho cơn mưa giải khát” - ông K’Thọ vừa trao đổi với chúng tôi, vừa thở dốc vì quá mệt.

Giữ trưa nắng như đổ lửa, ông KThọ (thôn Nao Xẻ, xã Gia Bắc) vẫn tranh tưới nước cho vườn cà phê đang khát nước
Giữ trưa nắng như đổ lửa, ông K'Thọ (thôn Nao Xẻ, xã Gia Bắc) vẫn tranh thủ tưới nước cho vườn cà phê đang khát nước

Tại hồ chứa nước Hà Giang (thôn Hà Giang), chúng tôi cũng ghi nhận cảnh hồ nước rộng gần 2 ha đang cạn trơ đáy. Khu vực này, đang có hơn 200 ha cà phê của người dân các thôn Hà Giang, Đà Hiòng và Ka Sá lâm vào cảnh thiếu nước nghiêm trọng.

Tại xã Sơn Điền, theo ghi nhận, sự ảnh hưởng của hạn hán tuy không nghiêm trọng bằng xã Gia Bắc. Tuy nhiên, trong tổng diện tích hơn 2.250 ha cà phê  nơi đây vẫn có gần 1.000 ha đang lâm vào cảnh thiếu nước tưới chống hạn. Cùng với đó, toàn xã đang có hơn 40 ha đất trồng lúa nước buộc phải bỏ hoang vì thiếu nước sản xuất.

Hồ chứa nước Hà Giang (xã Gia Bắc), nơi cung cấp nguồn nước chống hạn cho hơn 200 ha cà phê đã cạn trơ đáy vì hạn
Hồ chứa nước Hà Giang (xã Gia Bắc), nơi cung cấp nguồn nước chống hạn cho hơn 200 ha cà phê đã cạn trơ đáy vì hạn

Trong khi đó, tại xã Tam Bố (huyện Di Linh), nắng hạn kéo dài đã khiến 2 dòng suối chảy qua địa bàn xã đã cạn khô hơn 1 tháng nay. Theo thống kê, toàn xã đang có hơn 200 ha cà phê thiếu nước tưới chống hạn; trong đó, có hơn 20 ha cà phê đang khô cháy. Ngoài ra, tại địa phương này còn hàng chục ha đất sản xuất lúa nước cũng không thể xuống giống vụ Đông - Xuân do thiếu nước.

Hơn 40 ha đất sản xuất lúa nước tại xã Sơn Điền phải bỏ hoang vì thiếu nước do hạn hán
Hơn 40 ha đất sản xuất lúa nước tại xã Sơn Điền phải bỏ hoang vì thiếu nước do hạn hán
Hai dòng suối trên địa bàn xã Tam Bố đã cạn khô gần 1 tháng qua, đẩy hơn 200 ha cà phê của người dân vào cảnh thiếu nước
Hai dòng suối trên địa bàn xã Tam Bố đã cạn khô gần 1 tháng qua, đẩy hơn 200 ha cà phê của người dân vào cảnh thiếu nước

LỘC BẮC, LỘC BẢO TRÔNG CHỜ MƯA TỪNG NGÀY

Từ xã Gia Bắc (huyện Di Linh), chúng tôi tiếp tục vượt hơn 150 km tìm về 2 xã Lộc Bắc và Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm).

Tại 2 địa phương này, mùa khô đến sớm và kéo dài đã khiến hạn hán đang xảy ra trên diện rộng với hàng ngàn ha cà phê, chè, cây ăn trái của người dân không còn nước tưới. Trong đó, có hàng trăm ha đang bị héo rũ, cháy khô đứng trước nguy cơ một mùa vụ mất trắng.

Hầu hết những diện tích cây trồng bị khô héo đều nằm ở những khu vực không có nguồn nước tưới hoặc nguồn nước tại các công trình thủy lợi đang cạn khô phơi đáy.

Hầu hết các ao hồ tự đào của người dân 2 xã Lộc Bắc và Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm) đã cạn kiệt nước
Hầu hết các ao hồ tự đào của người dân 2 xã Lộc Bắc và Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm) đã cạn kiệt nước

Tại Thôn 2, xã Lộc Bắc, khoảng 200 ha cà phê hầu hết lá đang ngã màu vàng cháy xém, bông trên những cành cà phê cũng dần khô rụng. Trong khi đó, hàng chục ha chè cành và nhiều vườn chanh dây của bà con đã khô héo không còn sức sống. 

Ông K’Hưng - Trưởng Thôn 2 (xã Lộc Bắc), cho biết: “Dù người dân đang rất lo lắng để chống hạn cho cây trồng, nhưng tại nhiều khu vực, người dân trồng cà phê, chè đành phải ngậm ngùi để cây trồng khô héo vì nguồn nước ở các công trình thủy lợi, ao hồ tự đào thì đã cạn kiệt hơn 1 tháng qua".

Hầu hết vườn cà phê tại các khu vực không có công trình thủy lợi của người dân 2 xã Lộc Bắc, Lộc Bảo đang héo rũ, khô bông vì khát nước
Hầu hết vườn cà phê tại các khu vực không có công trình thủy lợi của người dân 2 xã Lộc Bắc, Lộc Bảo đang héo rũ, khô bông 

Trong khi đó, tại hồ thủy lợi Đắk Ka (Thôn 3, xã Lộc Bắc), nắng hạn khiến nhu cầu tưới tăng cao làm nước hồ dần chạm đáy. Tại đây, hàng chục hộ dân đang đặt những máy bơm có mã lực lớn để bơm nước tưới cho cây trồng.

Ông Su Thương Hòa - Trưởng Thôn 3 (xã Lộc Bắc), cho biết: “Khu vực hồ Đắk Ka có có hơn 400 ha cây trồng của người dân đang rất cần nước tưới. Tuy nhiên, nước hồ cũng chỉ tạm đủ để bà con bơm tưới cho vườn cà phê, sầu riêng trong bán kính khoảng 2 km. Còn những diện tích cây trồng xa hơn, máy bơm không tới nên đành bất lực. Hiện, toàn thôn đang có khoảng 250 ha cây trồng dần khô héo do không còn nước tưới khiến bà con rất lo lắng”.

Mực nước tại hồ Đắk Ka (xã Lộc Bắc) đang xuống thấp do nắng hạn kéo dài và nhu cầu bơm tưới chống hạn cho cây trồng của người dân tăng cao
Mực nước tại hồ Đắk Ka (xã Lộc Bắc) đang xuống thấp và nhu cầu bơm tưới chống hạn cho cây trồng của người dân tăng cao

Ông Lương Thanh Thế (ngụ xã Lộc Bắc), than: “Năm nay nắng hạn khủng khiếp quá. Gia đình tôi có 3 ha cà phê nhưng chỉ có 1 ha tưới được do gần hồ Đắk Ka, còn 2 ha nằm trên đồi cao cách hồ gần 5 km không có nguồn nước, nên đành nhìn cà phê ngày một khô héo. Năm nay, những diện tích không có nước tưới, cà phê rụng hết bông nên chắc chắn sẽ mất mùa”.

 
Người dân xã Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm) đang căng mình tìm mọi giải pháp chống hạn cho cây trồng
Người dân xã Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm) đang căng mình tìm mọi giải pháp chống hạn cho cây trồng

Tương tự xã Lộc Bắc, hạn hán đang khiến nguồn nước tưới cho cây trồng trên địa bàn xã Lộc Bảo ngày càng khan hiếm. Hầu hết, các khe suối tự nhiên và ao hồ tự đào của người dân đã trơ đáy gần 1 tháng nay.

Ông K’Lý - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bảo, cho hay: Không chỉ khe suối, ao hồ tự đào mà cả 2 công trình thủy lợi hồ HT1 và HT2 hiện đã cạn khô không còn nước để người dân chống hạn. Toàn xã đang có gần 4.000 ha cây trồng như cà phê, chè, bơ và sầu riêng, nhưng mới chỉ có hơn 2.000 ha được tưới. Hiện tại, do không còn nước nên mọi hoạt động chống hạn cho cây trồng của người dân đành ngưng trệ để chờ mưa.

Bài 2: Hàng ngàn hộ dân “khát” nước sinh hoạt