Về thăm quê hương Anh hùng Võ Thị Sáu

03:07, 13/07/2011

Vùng Long Đất - Đất Đỏ là quê hương của nữ Anh hùng Võ Thị Sáu - người đã nêu tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, làm rạng danh cho thế hệ trẻ và dân tộc Việt Nam.

Vùng Long Đất - Đất Đỏ là quê hương của nữ Anh hùng Võ Thị Sáu - người đã nêu tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, làm rạng danh cho thế hệ trẻ và dân tộc Việt Nam. Một điều kỳ lạ và độc đáo là ngoài nơi chôn rau cắt rốn của chị, người dân Côn Đảo cũng coi vùng đất xinh đẹp và anh hùng này là quê hương của chị Sáu.
 
Tưởng niệm bên mộ Anh hùng Võ Thị Sáu
Tưởng niệm bên mộ Anh hùng Võ Thị Sáu

Võ Thị Sáu sinh năm 1933 tại xã Phước Thọ, quận Long Đất - Đất Đỏ, nay là xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngôi nhà chị Sáu ra đời, nay là nhà lưu niệm Võ Thị Sáu nằm trong dãy phố làng ở ngoại vi thị trấn. Long Đất là một khu vực bán sơn địa trong vùng đất đỏ badan Đông Nam bộ nổi tiếng nhất nước ta. Vùng rừng núi phía đông bắc cũng là khu căn cứ địa cách mạng chính của Long Đất, Bà Rịa - Vũng Tàu suốt hai thời kỳ chống Pháp - Mỹ. Người thiếu nữ Võ Thị Sáu đã được huấn luyện nghiệp vụ trinh sát ở khu căn cứ này. Vùng bờ biển Lộc An phía đông đã đi vào lịch sử của dân tộc với chiến tích là một đầu cầu tiếp vận của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển những năm 1958-1968. Vũ khí, thuốc men do các con tàu không số chuyển vào đây tiếp tế cho các chiến trường Đông Nam bộ và khu sáu. Bãi biển Lộc An nông nên tàu thuyền ra vào hơi khó khăn. Chuyến đầu tiên bị mắc cạn ở địa phận hai xã Phước Bửu và Phước Long Hội. Nhưng các chiến sĩ được du kích và bà con địa phương hỗ trợ tích cực, con tàu đã được khắc phục nhanh gọn, vũ khí chuyển vào khu an toàn, tàu lại ra khơi, không lộ hình tích. Nhờ kinh nghiệm dày dạn, khôn khéo trong việc đón tàu mà các chuyến sau đều trót lọt. Xã Phước Long trong huyện Long Đất - nay là Long Điền còn có một kỳ công rất đáng nể trọng là địa đạo Phước Long chạy trong lòng đất năm ấp của xã. Địa đạo nằm sâu từ hai đến ba thước. Ngoài tuyến vận hành, địa đạo có đủ cả hội trường, nơi làm việc, trạm xá, bếp núc... như các địa đạo Củ Chi, Vịnh Mốc... Từ Long Đất qua thị xã Bà Rịa hơn mười cây số là trung tâm nghỉ dưỡng Long Hải, một địa danh khá nổi tiếng từ lâu của đất Nam Bộ. Long Hải có bãi cát vàng lộng gió, có rừng dương liễu cổ thụ xanh tươi; đồng thời lại có đồi dốc quanh co và núi đá lởm chởm. Ở ngôi núi đất có nếp chùa nhỏ đơn sơ, trầm hương hòa quyện với hương hoa ngọc lan khiến cảnh quan thêm phần huyền diệu, u tịch. Ngôi chùa có tên gọi nôm na là chùa Khỉ. Bầy khỉ nuôi thả trong rừng. Sáng sáng chiều chiều chúng kéo nhau xuống chùa nhận khẩu phần.

Thiên nhiên và con người vùng đất ấy đã sản sinh ra người con gái anh hùng Võ Thị Sáu. Năm 12 tuổi, chị đã tham gia Đội Thanh thiếu niên tiền phong cùng các cô chú... giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và bè lũ tay sai. Cuối năm 1945 giặc Pháp tái chiếm Long Đất - Đất Đỏ. Chị Sáu phải bỏ học, ở nhà giúp mẹ cha kiếm sống và tiếp tế cho chi đội giải phóng quân của tỉnh Bà Rịa. Anh ruột của chị là đội viên của chi đội. Cuối năm 1947 chị trở thành chiến sĩ trinh sát của đội công an xung phong Đất đỏ. Chị luồn sâu vào vùng địch chiếm nắm tình hình địch, diệt ác ôn... Sự "xuất quỷ nhập thần" của chị và đồng đội khiến kẻ địch hoảng sợ. Chúng huy động toàn bộ lực lượng điệp báo, dân vệ, cảnh sát, quân đội vùng Đất Đỏ vây bắt chị và đội trinh sát. Phiên chợ Tết Canh Dần 1950 chị và mấy đội viên bố trí tiêu diệt hai tên ác ôn khét tiếng ngay tại chợ. Lúc bảo vệ cho đồng đội rút lui, chị sa vào tay giặc. Tháng 4 năm 1950, tòa án binh của quân đội Pháp tuyên án tử hình Võ Thị Sáu. Bản án vô nhân đạo đã gây chấn động dư luận cả nước ta và chính quốc Pháp. Hoảng hốt trước sự phản đối của công luận đêm 21 tháng 1 năm 1951, giặc Pháp đưa chị ra Côn Đảo. 4 giờ sáng ngày 23 tháng 1 năm 1951, giặc Pháp đưa chị ra bãi Hàng Dương hành hình. Bài Quốc ca chị hát mới được một nửa chị đã hy sinh! Hành động ám muội, đê hèn của giặc Pháp tuy chúng đã cố giữ tuyệt đối bí mật nhưng các chiến sĩ cách mạng trong tù, một số thân nhân binh sĩ, công chức Việt, Pháp trên đảo cũng biết. Nhiều người vợ con binh lính, công chức đã chứng kiến giờ phút hy sinh oanh liệt của chị Sáu. Tấm gương trung liệt, bất khuất của chị Sáu đã gây sự xúc động và cảm phục sâu sắc trong các tầng lớp tù chính trị, hình sự; binh lính, công chức cùng vợ con họ và nhân dân trên đảo. Ngay tối hôm sau, mộ chị Sáu đã được vun đắp ngay ngắn, đàng hoàng và một tấm bia đúc bằng xi măng dựng lên. Qua bao đời chúa ngục thời Pháp, Mỹ, mộ và bia của chị Sáu bị san phẳng, đập phá nhiều lần; nhưng chúng vừa đập phá hôm trước, hôm sau mộ bia lại được đắp, dựng lên nguyên như cũ. Trước mộ chị Sáu có một cây dương già cụt ngọn, hai cành chĩa về phía Bắc và Nam đã khô héo. Chị Sáu ngã xuống, cây dương phục sinh, cành Bắc tiếp tục ra lá đơm quả! Người dân Côn Đảo tin rằng chị Sáu đã hiển linh, nhà nhà đều lập am thờ chị, coi chị là Thần bản mệnh của mình.

Sau ngày giải phóng, nhân dân Côn Đảo đã xây dựng lại mộ chị Sáu và các chiến sĩ cách mạng, yêu nước ở nghĩa trang Hàng Dương, Sở Ruộng... Bà con đưa một cây Lêkima về trồng cạnh cây dương, nhưng cây không sống được. Một cây khác được đưa từ Vũng Tàu ra, cũng chết. Một cây từ Đất Đỏ - Long Đức về và thật kỳ lạ, cây tốt tươi, đâm hoa kết trái. Chuyện cây dương, cây Lêkima có thể là ngẫu nhiên nhưng lại trùng hợp với lòng thành kính, mến yêu của người dân Côn Đảo đối với Anh hùng Võ Thị Sáu.
NGÔ DIỆP