Thạch cầm Nam Tây Nguyên

11:09, 02/09/2011

Lâm Đồng – Vùng đất cổ Nam Tây Nguyên giàu huyền thoại, nơi đây luôn mang trong mình nhiều điều bí ẩn, đặc biệt là trong lòng đất.

Lâm Đồng – Vùng đất cổ Nam Tây Nguyên giàu huyền thoại, nơi đây luôn mang trong mình nhiều điều bí ẩn, đặc biệt là trong lòng đất. Ngoài khu Thánh địa Cát Tiên kì bí đang làm cho các nhà khoa học phải đau đầu trong việc nghiên cứu, giải mã để tìm ra chủ nhân đích thực – Lâm Đồng còn là nơi phát hiện được nhiều đàn đá nhất Việt Nam – phải chăng đây chính là “chiếc nôi của đàn đá”?
 
Bộ trưởng Bộ VHTT-DL Hoàng Tuấn Anh thăm bộ đàn đá trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng
Bộ trưởng Bộ VHTT-DL Hoàng Tuấn Anh thăm bộ đàn đá trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng

Thạch cầm – Đàn đá là nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người, nó được xuất hiện trong thời kỳ tiền sử cách ngày nay 3000 đến 3500 năm và “nó không giống bất cứ loại nhạc cụ nào mà khoa học biết” (Sadocov.R.L 1962), sản phẩm văn hóa đặc sắc này phần lớn được phát hiện trong lòng đất cổ xưa.

Loại thạch cầm này được đồng bào dân tộc Mạ, K’ho ở Lâm Đồng gọi là goòng lú (cồng đá, nhạc đá). Từ hàng trăm năm trước đồng bào dân tộc Mạ đã dùng những thanh đá đào được trong lòng đất như một nhạc khí trong lễ hội cầu mùa, mừng lúa mới, nhà mới. Khi sử dụng họ đặt kê lên hai đùi và dùng dùi gỗ để gõ đệm hòa lẫn với nhịp cồng chiêng cho dân làng nhảy múa.

Theo thống kê mới nhất hiện nay thì tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện và còn lưu giữ tới 6 sưu tập đàn đá:

Đàn đá B’Lao:

Đàn đá B’Lao gồm 6 thanh được dòng tộc ông K’broih – người dân tộc Mạ ở làng Bù-đơ, Bảo Lộc – Lâm Đồng cất giữ. Theo lời kể của ông K’broih thì các thanh đá này được cụ K’suong (tổ tiên 6 đời trước của ông K’broih) tìm được trong lòng đất khi chọc lỗ gieo lúa trên rẫy. Thấy có âm thanh hay nên cụ đã mang về nhà sử dụng làm nhạc cụ trong những dịp lễ hội. sau đó, đến đời thứ tư – bà nội của ông k’broih mượn ba thanh về quê làm lễ ăn trâu mừng lúa mới; rủi ro nhà cháy 3 thanh đá bị vỡ tan. Ba thanh đá B’lao còn lại cũng bị vỡ thành nhiều mảnh do bom Mỹ ném xuống buôn làng. Đến năm 1979 đã được các nhà khảo cổ Việt Nam lắp ghép và phục chế được nguyên dạng của chúng và tổ chức công bố vào năm 1980 : Đàn đá B’lao là bộ đàn đá được đưa ra khỏi lòng đất sớm nhất (cách ngày nay khoảng 300 năm).

Đàn đá Di Linh (hay còn gọi là đàn đá Đinh Lạc):

Đây là bộ sưu tập gồm 12 thanh được phân thành 2 bộ khác nhau. Đàn đá Di Linh được ông Nguyễn Đình Tiến ở xã Đình Lạc, huyện Di Linh phát hiện khi phát rẫy trồng cà phê trên một ngọn đồi gần thị trấn Di Linh vào năm 1997. Tất cả những thanh đàn đá này được xếp cẩn thận và chôn tập trung dưới một bụi le. Sưu tập đàn đá này đã được các nhà khoa học giám định và công nhận vào năm 2000. Đây là một trong những sưu tập đàn đá được đánh giá là đẹp nhất được phát hiện tại Lâm Đồng.
 
Đàn đá Di Linh
Đàn đá Di Linh

Đàn đá Bờ-Nơm:

Đàn đá Bờ-Nơm do gia đình ông K’branh (người dân tộc K’ho nộp) ở thôn Bờ-Nơm, xã Sơn Điền, huyện Di Linh, Lâm Đồng tình cờ phát hiện trong khi đào hố chứa phân tại vườn nhà năm 2003. Đây là một sưu tập đàn đá gồm 20 thanh dài ngắn khác nhau (thanh dài nhất có kích thước : 151cm; thanh ngắn nhất là 43cm). Chúng được xếp khá cẩn thận trong lòng hố theo thứ tự dài trước, ngắn sau. Độ sâu từ mặt đất canh tác đến nơi chôn giấu thanh đá đầu tiên chỉ cách khoảng 30 cm. Theo lời kể của một số người già ở thôn Bờ-Nơm thì cách đây 3-4 đời (khoảng 200 năm) vùng này đã xảy ra một trận đại dịch, dân làng phải dời buôn đi nơi khác, mãi sau này mới quay lại định cư. Phải chăng đây là lý do mà những thanh đá vô giá này đã vô tình bị lãng quên trong lòng đất cho tới hôm nay?

Đây là sưu tập đàn đá có kích thước đồ sộ nhất được phát hiện từ trước đến nay.

Đàn đá Hoà Nam:

Sưu tập đàn đá Hòa Nam gồm 47 thanh được gia đình ông Nguyễn Văn Thắng cư ngụ tại thôn 8, xã Hòa Nam, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng phát hiện khi đào hố trồng cà phê trong vườn năm 2003. Nhưng vì không rõ giá trị của những thanh đá nên ông đã đem cho những người bà con của mình ở tận Bảo Lộc và Vũng Tàu. Sau nhiều năm lưu lạc mãi tới năm 2009 mới được tập hợp về bảo tàng Lâm Đồng để tổ chức nghiên cứu giám định. Kết quả giám định cho thấy trong số 33 thanh nguyên vẹn của bộ sưu tập có thể phân thành 3 bộ đàn đá khác nhau. Đáng tiếc là 14 thanh còn lại bị gãy vỡ nên không thể đo tần số để phân bộ được.

Đàn đá Hòa Nam là sưu tập có số lượng nhiều nhất được tìm thấy tại một địa điểm trên đất Lâm Đồng nói riêng và ở miền Nam Việt Nam nói chung. Đàn đá Hòa Nam nằm trong truyền thống đàn đá Bình Đa – N’dut liêng Krak có cùng chất liệu và niên đại với nhóm đá kể trên. Đây là sưu tập có giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo ở không gian Đông Nam Bộ và Nam tây Nguyên.

Đàn đá Liên Đầm:

Đàn đá Liên Đầm được phát hiện năm 2008 tại khe suối trong vườn cà phê của ông Thái Văn Tĩnh thuộc thôn 9, xã Liên Đầm, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Nó được giám định và công bố vào năm 2009. Sưu tập đàn đá này gồm 23 thanh, trong đó có 4 thanh bị gãy. Theo nhận định của các nhà khoa học thì tập hợp các thanh đá Liên Đầm có nhiều đặc điểm chung cho thấy nó được chế tác trong cùng một thời điểm và có lẽ cũng từ một nhóm nghệ nhân nhất định. Về góc độ âm nhạc có thể khẳng định đây là những thanh đá cổ niên đại 3500-3000 năm cách ngày nay, chúng được phân thành 2 bộ: Liên Đầm A và Liên Đầm B.

Đàn đá ở Tòa Giám mục:

Đây là bộ đàn đá gồm 7 thanh do một giáo dân ở vùng  Di Linh – Lâm Đồng phát hiện và tặng lại cho các cha xứ ở Tòa giám mục Đà Lạt vào thời kỳ trước 1975. Hiện nay bộ đàn đá này vẫn được lưu giữ tại tòa giám mục Đà Lạt – Lâm Đồng.

Những sưu tập đàn đá nói trên thực sự là “những sáng tạo văn hóa nghệ thuật”, là “ tiếng nhạc rừnh của riêng vùng cao nguyên Tây Nguyên… trong gần một thiên niên từ nửa cuối thiên niên kỉ II đến giữa thiên niên kỉ I trước công lịch”…

“Đàn đá ở Tây Nguyên xưa tuy có những đặc trưng riêng nhưng vẫn hàm chứa trong mình nét nhạc trong văn hóa Đông Sơn thuở ấy” (Lê Xuân Diệm 1985; Lê Xuân Diệm – Nguyễn Văn Long 1983).

Những “Cây thạch cầm xưa nhất thế giới” này hiện biết chỉ ở Việt Nam và chúng được phát hiện nhiều nhất ở vùng Nam Tây Nguyên. Hiện nay Bảo tàng Lâm Đồng là nơi lưu giữ và trưng bày giới thiệu số lượng lớn nhất cả nước về di sản văn hóa quý giá này.

Đoàn Bích Ngọ