Lữ hành Hà Nội – Lâm Đồng: Bắt tay kết nối tour

03:11, 03/11/2011

Việc kết nối lữ hành Hà Nội - Lâm Đồng đang được cơ quan quản lý du lịch của hai địa phương thúc đẩy theo chiều sâu, qua đó thiết lập quan hệ chặt chẽ và cung cấp sản phẩm đúng nhu cầu đôi bên.

Lượng khách Hà Nội đến Lâm Đồng được đánh giá là sử dụng nhiều dịch vụ du lịch và có mức chi tiêu cao. Việc kết nối lữ hành Hà Nội - Lâm Đồng đang được cơ quan quản lý du lịch của hai địa phương thúc đẩy theo chiều sâu, qua đó thiết lập quan hệ chặt chẽ và cung cấp sản phẩm đúng nhu cầu đôi bên.
 
Trao đổi thông tin du lịch giữa hai phía Hà Nội và Lâm Đồng
Trao đổi thông tin du lịch giữa hai phía Hà Nội và Lâm Đồng

Hà Nội hiện có khoảng 400 đơn vị kinh doanh lữ hành. Với số lượng các hãng lữ hành đông đảo như vậy, kinh nghiệm khai thác các thị trường du lịch của Hà Nội hẳn sẽ đem đến nhiều trải nghiệm quý đối với 27 hãng lữ hành tại Lâm Đồng.

Ông Nguyễn Minh Quyền - Giám đốc Bến Thành Tourist chi nhánh tại Hà Nội cho rằng, hợp tác không còn là vấn đề mới vì thực ra đã có quá trình hợp tác giữa các doanh nghiệp từ lâu nay, vấn đề chính là các bên phải xây dựng được chương trình ổn định, có kế hoạch tiếp thị lâu dài. Ông Quyền nhấn mạnh, không chỉ của hãng lữ hành cần lôi cuốn của các khách sạn - nhà hàng vào cuộc tạo ra cách thức hút khách đều đặn, nhất là vào mùa thấp điểm.

Từ kinh nghiệm tổ chức tour, Bến Thành Tourist đang rất cần các tour chuyên sâu như: tìm hiểu quy trình khai thác chè, tham quan hái dâu kèm sản phẩm quà tặng là dâu tươi (một dạng nông sản được khách Hà Nội đặc biệt ưa chuộng)… Nhà báo Huy Thịnh - Trưởng Ban biên tập Báo Hà Nội Mới cuối tuần trong chuyến đi khảo sát cùng các hãng lữ hành Hà Nội vào các tỉnh Tây Nguyên, trong đó, có Lâm Đồng cuối tháng 10 vừa qua cho biết, vẫn rạo rực về những tên đất, tên hoa của vùng đất Nam Tây nguyên này từ mấy chục năm nay. Đối với thế hệ như ông - khi đã kinh qua nhiều giai đoạn đời sống, bắt đầu bước vào độ tuổi an nhàn và giành thời gian nhiều cho du lịch thì vùng đất Tây Nguyên như một điểm đến luôn muốn trở lại bởi tình yêu quyện với ký ức. Bởi thế, những yếu tố du lịch phát triển trên nền tảng truyền thống đã được xây dựng từ nhiều năm về trước sẽ là sự lựa chọn của khách du lịch như ông với các tên thác Damb’ri, tên trà B’ Lao…

Ông Phạm Quang Long- Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch Hà Nội tỏ ra tiếc nuối với quỹ biệt thự cổ có số lượng lên tới hàng ngàn căn ở Đà Lạt nhưng lại ít biệt thự trở thành những điểm tham quan trong các tour du lịch. Bởi các biệt thự này vừa mang trong mình giá trị văn hoá kiến trúc, vừa thể hiện những dấu ấn lịch sử và đời sống tại Đà Lạt. Những ý kiến trên sẽ là nguồn tham khảo quý để xây dựng sản phẩm, hướng tới du khách Hà Nội sẽ hài lòng khi đến Đà Lạt nói riêng và trải rộng cả vùng Nam Tây nguyên bởi những yếu tố phù hợp với nhu cầu, tâm lý và mong mỏi của du khách thủ đô.
   
Thẳng thắn nhìn nhận, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc- Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch Lâm Đồng cho rằng, hiện nay với sức vóc còn khiêm tốn, khi  tổ chức các tour lớn, Lâm Đồng phối hợp với một số hãng lữ hành của các địa phương khác cùng thực hiện. Để mục tiêu thu hút nguồn khách Hà Nội đến Lâm Đồng nhiều hơn nữa, bên cạnh vấn đề đa dạng sản phẩm, phù hợp với nhu cầu du khách, việc bàn bạc cụ thể để áp dụng mức giá ưu đãi, ổn định là vấn đề quan trọng. Ông Phùng Quý Ngọc - Giám đốc Công ty Du lịch Lâm Đồng, Chủ tịch Hiệp Hội du lịch Lâm Đồng thống nhất quan điểm với các doanh nghiệp khác rằng vấn đề ổn định giá cả và chất lượng sản phẩm, nắm bắt đầy đủ thông tin giữa các doanh nghiệp rất cần được thiết lập chặt chẽ. Điều này được xây dựng trên cả hai mối quan hệ là giữa cơ quan quản lý nhà nước và giữa các doanh nghiệp.

Về phía Hà Nội, với truyền thống văn hoá lâu đời của đất Hà Thành, nhiều di tích, lễ hội, có các sản phẩm được du khách phía Nam yêu thích như: gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc… và mới đây có những sản phẩm mới như: du lịch trang trại ở Ba Vì, du lịch chữa bệnh, phục hồi sức khoẻ ở suối khoáng nóng Tản Đà… là các địa chỉ, đem lại những cảm xúc mới về Hà Nội. Những thông tin ấy hẳn sẽ thôi thúc khách phương Nam, du khách từ Tây Nguyên thêm háo hức với Hà Nội.

Xúc tiến để nguồn khách Hà Nội đến Đà Lạt và cả khách Đà Lạt ra Hà Nội tăng và đem lại nhiều dịch vụ, sản phẩm du lịch hài lòng du khách. Cần một cầu nối lữ hành và thông tin trao đổi đang được hai địa phương đẩy mạnh. Trước tiên, các nội dung chương trình về Festival hoa 2012 đang được các hãng lữ hành Hà Nội tìm hiểu để tổ chức tour vào dịp lễ hội đặc sắc này.

Hải Yến