Chứng nhân trên tuyến xe lửa răng cưa

03:02, 21/02/2013

Trước mắt tôi là cây cầu chứng nhân Tân Mỹ dài 16 nhịp trên tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt. Trước rêu phong của cây cầu bắc qua dòng sông Cái, trong tôi, ký ức đã lùi xa về một tuyến đường sắt răng cưa lịch sử có một không hai ở Việt Nam lại hiện về.

Những ngày Tết Quý Tỵ 2013 vừa qua, tuyến du lịch xe lửa Đà Lạt - Trại Mát đã được nhiều du khách lựa chọn; và tôi là một trong những số đó. Anh Ngô Minh Châu, trưởng ga Đà Lạt, cho biết: “Lượng khách du lịch khi đến Lâm Đồng đến ga Đà Lạt tăng cao hơn mọi năm. Đây là một tín hiệu đáng mừng”. Ngồi trên toa tàu Đà Lạt - Trại Mát dài chỉ 7km xuyên qua những cánh đồng rau, tôi ước ao có thể con đường sắt này dài hơn với tuyến răng cưa duy nhất của Việt Nam, dài những 84km, và đặc biệt là được xình xịch băng qua những cây cầu, nhất là cầu Tân Mỹ, trước khi đến với ga Tháp Chàm ở Ninh Thuận.

Cầu đường sắt bắc ngang qua sông Dinh
Cầu đường sắt bắc ngang qua sông Dinh


Tuyến đường sắt huyền thoại

Anh Ngô Minh Châu nói rằng, một trong những lý do để du khách trong tết này đến với ga Đà Lạt nhiều hơn là bởi ngày càng có nhiều người biết đến tuyến đường sắt răng cưa độc nhất vô nhị ở châu Á huyền thoại. Có du khách nước ngoài vì không nắm rõ “lịch sử” của tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm nên sau khi xuống Trại Mát xong, về lại Đà Lạt, đã “chất vấn”: “Chúng tôi không thấy đường răng cưa đâu cả”. Rồi, có người còn hỏi: “Đâu là cầu Taumy trên đoạn Tuor Cham - Krong Pha?”. Ấy là họ đang nói về cây cầu sắt Tân Mỹ trên tuyến đường Tháp Chàm - Sông Pha, một trong những chứng nhân quan trọng của con đường sắt răng cưa duy nhất của Việt Nam.

Trưởng ga Đà Lạt Ngô Minh Châu nhắc lại thông tin về việc Bộ GTVT muốn khôi phục lại gần như nguyên trạng tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt. Ấy là hồi năm 2007, khi ý kiến đề xuất khôi phục tuyến được đưa ra, Bộ GTVT đã không quá bất ngờ trước thông tin từ Chính phủ rằng Bộ phải có trách nhiệm chính trong việc lập đề án. Ngay sau đó, một đề án đã được lập với tổng kinh phí 5.000 tỷ đồng. Theo đề án, con đường sắt Phan Rang (Ninh Thuận) - Đà Lạt (Lâm Đồng) được khôi phục gần như nguyên trạng của cách nay trên dưới 100 năm. Nghĩa là nó cũng phải vượt qua chặng đồng bằng Tháp Chàm - Krông Pha qua cầu Tân Mỹ rồi leo lên đèo Krông Pha bằng bánh răng cưa và vượt qua cầu Drann (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) để đến “nhà ga đẹp nhất Đông Dương” Đà Lạt trả khách. Quãng đường chỉ dài 84km bằng hoả xa từ độ cao vài trăm mét từ Phan Rang lên đến Đà Lạt 1.500m và đặc biệt là phải qua đèo Krông Pha nối hai tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng ấy chính là “nguyên liệu” để các nhà thiết kế đưa ra ý tưởng “răng cưa” cho tuyến đường sắt cách nay cả trăm năm.

Không chỉ có đoạn đường đèo Krông Pha phải làm đường ray răng cưa mà trên đoạn từ chân đèo Krông Pha đến Đà Lạt 43km ấy, người ta phải 3 lần “móc răng cưa” (khoảng 16km) cho đầu máy, đó là chưa kể 5 điểm phải chui qua hầm xuyên trong lòng núi. Như vậy, một công trình đường sắt dài chỉ 84km nhưng phải mất đến 29 năm (1903-1932) mới hoàn thành quả là điều đáng nể (tất nhiên còn nhiều lý do khác chứ không riêng gì lý do địa hình đồi dốc).

Ga Đà Lạt khởi đầu tuyến du lịch tàu lửa Đà Lạt - Trại Mát
Ga Đà Lạt khởi đầu tuyến du lịch tàu lửa Đà Lạt - Trại Mát


Chứng nhân còn sót lại

Anh Ngô Minh Châu bảo rằng du khách nước ngoài bởi đọc được trong các tài liệu của người Pháp về tuyến đường sắt răng cưa duy nhất của Việt Nam nên thường hay gọi “Tuor Cham” và “Taumy” để chỉ ga Tháp Chàm và cầu đường sắt Tân Mỹ. “Taumy” là một trong những nhân chứng quan trọng trên tuyến đường sắt này còn sót lại cho đến lúc này. Và, tôi đã vượt đèo Sông Pha từ Đà Lạt (Lâm Đồng) để về với vùng đất có dòng sông Cái (còn gọi là sông Dinh thuộc huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, ngay dưới chân đèo Sông Pha), nơi có cây cầu “Taumy” bắc ngang qua.

Sông Dinh bắt nguồn từ Krông Pha, nơi có công trình thuỷ điện Sông Pha (tên gọi khác của Krông Pha) rất nổi tiếng. Con sông ấy khi ngang qua huyện Ninh Sơn đã “gánh” hai cây cầu song song như người mẹ tảo tần. Đó là cầu đường bộ Tam Mỹ và cầu đường sắt Tam Mỹ. Qua khỏi cầu đường bộ Tam Mỹ, tôi cho xe rẽ vào một xóm nhỏ khoảng vài trăm mét để được tận tay “sờ” vào cây cầu đường sắt Tân Mỹ đã mấy chục năm nay “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Tôi đã nhiều lần qua lại trên tuyến đường bộ này, từng nhiều lần đi qua cầu đường bộ Tân Mỹ, từng nhiều lần “nhìn thấy xa xa” chiếc cầu sắt bắc ngang qua dòng sông Dinh song song với cây cầu đường bộ nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến tận nơi. Nhìn lên cổng chào đầu lối rẽ, tôi biết được đây là thôn văn hoá Tân Mỹ, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn của tỉnh Ninh Thuận.

Trước mắt tôi là cây cầu chứng nhân Tân Mỹ dài 16 nhịp trên tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt. Trước rêu phong của cây cầu bắc qua dòng sông Cái, trong tôi, ký ức đã lùi xa về một tuyến đường sắt răng cưa lịch sử có một không hai ở Việt Nam lại hiện về. Tuy vậy, cây cầu dài nhất trên tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang - Đà Lạt lúc này đành rằng là “rêu phong” thật đấy nhưng nó đáng tự hào thay vì đây là cây cầu chứng nhân duy nhất còn sót lại, sau khi ngành đường sắt Việt Nam phá bỏ cây cầu sắt Drann bắc qua sông Đa Nhim hồi năm 2004. Cầu đường sắt Tân Mỹ còn là niềm tự hào của những người công nhân Việt Nam thời trước! Nó như cái gạch nối giữa hai miền duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên khi sản vật của mạn ngược Lâm Đồng và miền xuôi Ninh Thuận đã chọn ga Tân Mỹ để làm nơi trao đổi.

Tôi lại nhớ đến cái dự án 5.000 tỷ đồng khôi phục tuyến đường sắt răng cưa độc nhất vô nhị ở châu Á do Bộ GTVT lập nên hồi năm 2007 theo chủ trương của Chính phủ. Có nhiều nguyên nhân khiến cho dự án này còn “vẹn nguyên” là… dự án. Điều đó gây thất vọng cho những ai nóng vội. Tuy vậy, sẽ là một thông tin vui khi biết rằng cả hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận đều đang đeo đuổi ý định khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt - Tháp Chàm với bằng chứng là cả hai tỉnh đều đưa dự án vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đến năm 2020.

Trong tương lai, “ga xe lửa vui vẻ” duy nhất của Việt Nam là ga Đà Lạt này (hiện chỉ mới đưa vào kinh doanh du lịch) sẽ có thêm… giọt nước mắt tiễn đưa là niềm mong đợi của nhiều người! Và, đến lúc ấy, những du khách người nước ngoài của anh Ngô Minh Châu không còn thắc mắc rằng chứng nhân Taumy là đâu và bánh răng cưa tàu hoả Đà Lạt - Tuor Cham là như thế nào!

Phóng sự: Khắc Dũng