Sáu ngày ở Thái Lan (tiếp theo)

03:09, 11/09/2013

Thái Lan được mệnh danh là đất nước "Chùa Tháp". Những ngôi chùa cổ nơi đây đều nhuốm sắc màu huyền thoại, gắn liền với tín ngưỡng, đời sống tâm linh; mang nhiều kiến trúc truyền thống độc đáo. Chính vì vậy, đồng nghiệp Chiang Mai nhiệt tình đưa chúng tôi viếng những ngôi chùa nổi tiếng.

[links()]XỨ SỞ CHÙA THÁP

Thái Lan được mệnh danh là đất nước “Chùa Tháp”. Những ngôi chùa cổ nơi đây đều nhuốm sắc màu huyền thoại, gắn liền với tín ngưỡng, đời sống tâm linh; mang nhiều kiến trúc truyền thống độc đáo. Chính vì vậy, đồng nghiệp Chiang Mai nhiệt tình đưa chúng tôi viếng những ngôi chùa nổi tiếng.

Cảnh cầu nguyện trong Chùa Phrathat Doi Suthep
Cảnh cầu nguyện trong Chùa Phrathat Doi Suthep


Wat Chedi Luang hay còn gọi Chùa Tháp nằm ngoại ô thành phố Chiang Mai, trên giao lộ Ratchadamnoen và Phrapopkhlao. Chùa thu hút khách tham quan nhất Chiang Mai. Wat Chedi Luang khởi công xây dựng dưới triều đại vua Saen Muang Ma vào năm 1391 và hoàn công năm 1475. Vua Tilokarat biến ngôi chùa thành nhà của Đức Phật Emerald Buddha, kho báu văn hóa quan trọng của đất nước. Ngôi chùa khi ấy cao 80 m, rộng 45 m song rất tiếc đã bị phá hủy trong một trận động đất năm 1545. Ngôi chùa hiện giờ chỉ còn sót lại một phần thời năm 1475 và những vẻ đẹp mới được trùng tu, xây dựng mới với mô típ chim, công, rắn trang trí tại các sảnh thời.

Chiang Mai là tỉnh miền núi phía bắc, có địa hình cao nguyên tương tự như huyện Di Linh, Bảo Lộc hay Đức Trọng (Lâm Đồng). Do vậy, khi lên thăm Cung điện mùa Đông (Bhubring Palace) của Nhà vua Thái Lan, xe đưa đoàn vượt qua những chặng đường đèo cua khúc khuỷu, dốc như đường qua đèo Bảo Lộc. Đường lên, hai bên xanh tốt những dải rừng lá rộng. Dưới chân đang nóng chừng 28 độ C nhưng lên đỉnh ở độ cao 1.500 m bất chợt gặp mưa sương lan tỏa, trời se se lạnh khiến mọi người đều trầm trồ và nhắc tới Đà Lạt. Sau khi rời Cung điện mùa Đông - vì hàng năm Quốc vương Thái Lan thường đi thăm các tỉnh phía bắc vào cuối năm và nghỉ tại nơi này, chúng tôi trở lại lưng chừng núi viếng Chùa Phrathat Doi Suthep. Đây là một trong những ngôi chùa thiêng liêng nhất tại Chiang Mai và được nhiều người Thái Lan tin sùng.

Người ta có câu "Chưa đến chùa Phrathat Doi Suthep là chưa đến Chiang Mai". Suốt 600 năm qua, chùa có nhiều thay đổi và được tu sửa nhiều lần. Trước đây để lên được đỉnh núi phải mất 5 giờ qua một con đường hẹp, nhỏ và nhấp nhô được xem là trở ngại lớn nhất để lên được đỉnh chùa. Năm 1934, nhà sư Kruba Srivichai đến Chiang Mai để thực hiện dự án xây dựng đường lên chùa. Tin tức lan truyền khắp nơi nên Phật tử khắp nơi đổ về đây góp công sức, kể cả những người dân tộc thiểu số sống ở vùng núi.

Chùa ở vị thế trên cao và kiến trúc đẹp. Đường lên chùa dài 250 bậc nhưng gần đây người ta có lắp thang máy… Cổng chùa có hai con rồng lớn nằm dài theo những bậc thang, đầu ngẩng lên trời. Nhìn lên phía trên, những bậc thang cao dần dẫn xuyên suốt lên đền. Người ta bảo lên đền vào buổi chiều gần tắt nắng là đẹp nhất. Lúc này, mặt trời lặn chiếu xuống cả thành phố Chiang Mai mờ sương. Toàn cảnh thành phố ẩn hiện dưới làn mây mỏng. Tháp (Chedi) lớn nhất nằm khu trung tâm của ngôi đền Wat Prathat được bọc vàng. Đây chính là nơi cất giữ mảnh xương vai của Phật tổ. Quanh chiếc Chedi này là hai chiếc ô lọng màu đồng bóng. Xung quanh tháp lớn, những bức tượng phật nhỏ được bố trí bốn phía.

Cảnh Chùa Phrathat Doi Suthep (Chiang Mai)
Cảnh Chùa Phrathat Doi Suthep (Chiang Mai)


Sự tích kể rằng, ngôi đền và vị trí hiện nay của nó bắt nguồn từ truyền thuyết sau: có một nhà sư tên là Sumanathera đêm nằm mơ thấy phật truyền rằng nhà sư phải đi tìm di vật của Phật. Nhà sư đến nơi Phật tổ đã chỉ và tìm thấy một mảnh xương vai của Phật tổ. Di vật này có phép lạ, nó phát ra ánh sáng, có thể biến mất, có thể tự chuyển động và tự tái tạo. Sư Sumanathera sau đó đem di vật này cho nhà vua Dharammaraja trị vì vùng Sukhothai. Nhà vua tiếp đón sư Sumanathera long trọng nhưng khi đó, di vật lại không thể hiện phép nhiệm mầu nào nữa. Do nghi ngờ đó không phải là di vật của Phật tổ, nhà vua cho phép sư Sumanathera giữ lại… Tuy nhiên, vua Nu Naone của vương quốc Lanna (Chiang Mai ngày nay) nghe tin về di vật này và yêu cầu nhà sư đem đến cho ông. Năm 1368, với sự cho phép của vua Dharammaraja đưa di vật này tới vua Nu Naone. Ngay lập tức di vật tự phân chia thành hai phần, một phần kích cỡ như cũ, một phần nhỏ hơn. Phần nhỏ hơn được cất giữ ở một Wat Suan Dok. Phần kia được nhà vua đặt lên con voi trắng. Con voi được thả vào rừng và truyền thuyết cho rằng con voi này đã leo lên núi Doi Suthep, rống lên ba lần rồi chết. Điều này được coi là điềm báo nơi di vật muốn được cất giữ, vì thế vua Nu Naone cho xây đền ở nơi đây vào cuối thế kỷ XIV.

Vào ngày chủ nhật nên khách hành hương đến chùa rất đông. Trước khi lên đền, ai cũng mua một bó sen trắng. Đặt vào những khay để ngoài sân, thắp lên một nén hương, cầm bó sen trắng cùng cầu nguyện… Nghe nói: Ở đây có thông lệ trước khi vào năm học mới, nhiều sinh viên năm nhất của Đại học Chiang Mai đã đi bộ suốt 15 cây số để lên đây cầu nguyện cho việc học hành được thuận lợi. Sau này có dịp trao đổi với các nhà chức trách của tỉnh được biết để giữ gìn nét thâm nghiêm, khu vực phố cổ quanh chùa sẽ được bảo tồn kiến trúc cảnh quan như hiện tại, không mở rộng đường lên chùa, nâng cao độ che phủ của núi rừng và không cho phép xây dựng nhà cao tầng.

Trở lại Băngkok không thể không viếng Chùa Ngọc Phật (Wat Phra Kaeo) là ngôi chùa nổi tiếng nhất Thái Lan và cũng là một trong ba đại quốc bảo của Thái Lan, tọa lạc góc đông bắc Đại Vương Cung Bangkok (Bangkok Grand Palace), là bộ phận chỉnh thể của Đại Vương Cung. Vì trong chùa có phụng thờ tượng Phật Ngọc, nhân đó mà có tên là chùa Ngọc Phật. Hằng năm, khi đến ngày Lễ văn hóa Nông Canh (Plowing Day) tháng 5 (ngày lễ quan trọng nhất của Thái Lan), Quốc vương cử hành nghi thức tôn giáo tại chùa, cầu nguyện được mùa.

Chùa Ngọc Phật còn gọi là chùa Hộ Quốc, chùa Thủ Hộ của Vương triều Chakri. Chùa xây cất vào năm 1784, là nơi thờ cúng Phật Ngọc và tổ chức các nghi thức Tôn giáo của Vương tộc Thái Lan, nổi tiếng khắp vùng Đông Nam Á, là một ngôi chùa duy nhất không có Hòa thượng cư trú, cũng là một bộ phận của Đại Vương Cung Thái Lan, diện tích chiếm khoảng 1/4 Đại Vương Cung. Tượng Phật Ngọc chùa này cùng với Phật nằm, Phật vàng Bangkok được liệt vào ba đại quốc bảo của Thái Lan.

Toàn bộ kiến trúc của chùa Ngọc Phật rất to lớn, hùng vĩ. Những ngọn tháp cao vòi vọi, dãy hành lang dài hun hút bằng vàng ngọc lấp lánh, những đặc điểm của các ngôi chùa trên đất Thái, hầu như đều tập trung vào chùa Ngọc Phật, vì chùa này lớn nhất trong toàn quốc. Kiến trúc và nghệ thuật của nó đã thể hiện đặc sắc theo phong cách thời cổ, được ngợi khen là nghệ thuật quý báu về mặt hội họa, điêu khắc, kiến trúc của Phật giáo Thái Lan. Trong chùa Ngọc Phật, mọi người còn có thể nhìn ngắm những loài phi điểu và những loại hoa mai, hoa mẫu đơn, hoa cúc... được chạm khắc, họa vẽ trên bức tường hoa và các bình gốm, sứ. Đây là kiệt tác của Trịnh Hòa - nhà hàng hải vĩ đại đời Minh Trung Quốc, đã thi công khi đến Tây Dương lần thứ ba.

Chùa Phật Ngọc (Bangkok)
Chùa Phật Ngọc (Bangkok)


Trong chùa, ngoài điện Ngọc Phật, đại đa số chóp đỉnh của những kiến trúc quan trọng đều trang trí theo kiểu đỉnh nhọn, điểm này đã trở thành nét đặc sắc về mặt kiến trúc tự viện Thái Lan. Mỗi đỉnh nhọn đều có trang sức celluloid, sứ màu, thếp vàng... lóng lánh chói mắt. Những kiến trúc đỉnh nhọn khiến cho khách du lịch chú ý là Kim Tháp, Tàng Kinh Điện và Tiên Vương Điện. Nét đặc sắc thứ hai của tự viện là trang sức quá cầu kỳ, hoa lệ nhiều màu, xanh vàng rực rỡ.

Ngôi tự viện này có bốn mặt được bao bọc bởi hành lang bích họa dài 1 km, trên bích họa 178 bức tranh màu sắc xinh đẹp, họa vẽ tinh xảo, lấy sử thi "RAMAYANA" - văn học cổ điển Ấn Độ làm đề tài, có dịch ra chữ Thái để mọi người cùng hiểu. Truyện "Tam Quốc Diễn Nghĩa" của Trung Quốc, được ghi chép trên những bức bình phong và những chiếc lục bình bằng gốm, sứ. Bích họa này đã thể hiện sự thống nhất hoàn mỹ của ba ngôi Phật, Thần và Quốc Vương.

Bút ký: NGUYỄN THANH ĐẠM