Cần thay đổi tư duy, nhận thức và cách thức làm du lịch

08:09, 08/09/2016

Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch vừa tổ chức ở thành phố Hội An, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra 7 nỗi sợ khiến 70% số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không dám quay lại. 

Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch vừa tổ chức ở thành phố Hội An, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra 7 nỗi sợ khiến 70% số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không dám quay lại. Theo số liệu Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương thì 90% khách quốc tế đến Việt Nam là lần đầu và chỉ có 6% là quay lại. Những nỗi sợ được liệt kê là cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, thái độ phục vụ, nhà vệ sinh không sạch, ô nhiễm môi trường. Những nỗi sợ này kéo chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam xuống vị trí 75/141 nước tham gia đánh giá. Chỉ trên Lào và Mi-an-ma. Trong khi tiềm năng du lịch của nước ta lại được đánh giá cao. Đối chiếu với 7 nỗi sợ của du khách với du lịch Lâm Đồng, tuy hiện tượng cướp giật, trộm cắp, kẹt xe không đến nỗi trở thành vấn nạn song những hạn chế khác đều có thể được điểm tên.
 
Tiềm năng lớn, lợi thế nhiều, thiên nhiên ưu đãi dành cho du lịch Việt Nam với nhiều danh lam thắng cảnh, điểm đến cuốn hút du khách trong nước và quốc tế. Song điểm trừ của du lịch Việt chính là sự tụt hậu trong cung cấp dịch vụ và những điều kiện tạo nên sức hấp dẫn từ con người, môi trường đều yếu và thiếu. Đáng lo ngại nhất chính là thái độ phục vụ cùng với tình trạng mất vệ sinh ô nhiễm môi trường ở không ít điểm du lịch. Sự tụt hậu về thái độ thiếu niềm nở, không trân trọng du khách càng đẩy du lịch Việt Nam ra xa khỏi danh mục xếp hạng năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực chứ chưa nói tới quốc tế. Hiện Việt Nam đứng vị trí thứ 5 trong số các quốc gia ASEAN về thu hút khách quốc tế. 
 
Chính phủ đề ra mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào GDP đạt từ 10% trở lên. Đó cũng là mục tiêu của tỉnh Lâm Đồng để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhằm thực hiện mục tiêu đó, điều cần làm trước hết là dẹp bỏ 7 nỗi sợ của du khách để xây dựng lại hình ảnh của du lịch Việt trong bạn bè quốc tế. Theo đó, sức hấp dẫn sẽ tăng và tỷ lệ khách trở lại Việt Nam sẽ nhiều lên, kéo theo chỉ số xếp hạng du lịch và năng lực cạnh tranh của nước ta không còn nằm trong nhóm thấp điểm.
 
Muốn dẹp những nỗi sợ này, cần đổi mới tư duy và nhận thức về cách làm du lịch. Theo đó, phải xóa bỏ thế đơn độc trong làm du lịch hiện nay. Tức là, trách nhiệm không chỉ thuộc về ngành du lịch, mà của tất cả ban, ngành và người dân. Trong đó, con người chính là yếu tố cơ bản để tạo dựng những sản phẩm du lịch có dấu ấn, bản sắc, hiện đại và có sức cạnh tranh cao. Bởi dù có xây dựng hệ thống cơ sở du lịch hiện đại đến thế nào mà người làm du lịch và môi trường du lịch thiếu thân thiện, cũng khó có thể thu hút du khách nhiều lần đến với các điểm du lịch.
 
Nói như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cần ứng xử với ngành du lịch theo các quy luật của kinh tế thị trường, chứ không chỉ đơn thuần là ngành vui chơi giải trí, mang nặng tính bao cấp. Ngành du lịch là ngành kinh tế, có dấu ấn văn hóa sâu sắc, có tính tổng hợp, liên kết vùng, liên kết ngành rõ nét. Vì vậy, phải coi trọng tính cộng đồng trong kinh doanh du lịch, mà vai trò trực tiếp ở đây là doanh nghiệp và người dân. Đôi khi, chỉ một nụ cười và sự cởi mở, thân thiện của mỗi người cũng đủ tạo nên sức hấp dẫn của du lịch vùng, miền và một quốc gia.                                                          
 
BBT