Xứ Huế - Nỗ lực xây dựng điểm đến từ di sản văn hóa và làng nghề

09:06, 15/06/2017

Khởi nguồn từ "Liên hoan Gặp gỡ Huế 1992", Festival Huế đầu tiên được tổ chức vào năm 2000 và liên tục 2 năm một lần vào các năm chẵn, là sự kiện lớn, tôn vinh các di sản văn hóa Huế...

Khởi nguồn từ “Liên hoan Gặp gỡ Huế 1992”, Festival Huế đầu tiên được tổ chức vào năm 2000 và liên tục 2 năm một lần vào các năm chẵn, là sự kiện lớn, tôn vinh các di sản văn hóa Huế. Từ năm 2005, vào các năm lẻ, Huế tổ chức Festival Nghề truyền thống quy tụ các nghệ nhân và làng nghề cả nước. Dù mỗi năm có một kỳ Festival, Huế vẫn đang tìm cách tăng thêm sức hấp dẫn, mới đây là tổ chức chương trình tham quan Đại nội về đêm và nhiều hoạt động khuyếch trương làng nghề khác...
 
Nghề truyền thống được giới trẻ yêu thích và giữ gìn. Ảnh: Nhật Quân
Nghề truyền thống được giới trẻ yêu thích và giữ gìn. Ảnh: Nhật Quân
Đêm Hoàng Cung rực rỡ, uy nghiêm
 
Từ ngày 22/4/2017 trong vòng 3 tiếng đồng hồ (19h - 22h), Chương trình tham quan Đại nội về đêm được tổ chức. Du khách tham gia chương trình được thưởng thức cảnh sắc của Hoàng cung Huế xưa, từ Ngọ Môn, cầu Trung Đạo, hồ Thái Dịch đến Thế Miếu, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh…; các nghi thức cung đình xưa như lễ Đổi gác, trình tấu Đại nhạc, Tiểu nhạc,…; các hoạt động diễn xướng như Cấm vệ quân luyện võ, các bài bản múa cung đình, các chương trình âm sắc hoàng cung cùng các trò chơi cung đình được tái hiện… Bên cạnh đó, khách tham quan còn được du khảo Văn hóa Huế qua 5 Di sản Thế giới ở Huế cùng các trưng bày chuyên đề tại quần thể di tích cố đô…; tìm hiểu về làng nghề truyền thống Huế, các hoạt động dịch vụ tại Phủ Nội vụ, cung Trường Sanh, cung Diên Thọ...
 
Đây là chương trình đã được diễn ra vào các kỳ Festival Huế từ năm 2006 với tên gọi “Đêm Hoàng Cung”. Đêm Hoàng Cung tái hiện vẻ đẹp lung linh của Đại nội về đêm, gợi lại một tổ hợp không gian lịch sử với sự xâu chuỗi của các chương trình, biểu diễn các tiết mục diễn xướng cung đình, tổ chức các trò chơi cung đình và dân gian, tổ chức các hoạt động ẩm thực Huế với các hình thức đa dạng và phong phú. Hằng đêm, Đại nội Huế đang thực sự cuốn hút du khách bởi một không gian lịch sử ngập tràn ký ức và hoài niệm.
 
Hàng trăm diễn viên chuyên nghiệp lẫn không chuyên được huy động để sắm vai từ anh lính lệ đến ông hoàng, bà chúa. Các công trình trong Đại nội đều được sử dụng hiệu ứng ánh sáng tôn lên vẻ đẹp cổ kính và huyền bí. Những cây cổ thụ, những hoa viên, ngự viên trong hoàng thành như sống lại bằng hệ thống chiếu sáng vừa phải. Những con đường trong hoàng cung trên những lối đi lát gạch Bát Tràng lung linh ánh nến. Cung điện với dải đèn lồng vừa rực rỡ, vừa thanh cao. Đặc biệt, những tia laze cực sáng hắt lên trên cổng Ngọ Môn tạo nên một Hoàng cung kỳ ảo, nhưng rất uy nghiêm. Đêm Hoàng cung được tô điểm thêm bởi những màn trình diễn nghệ thuật lộng lẫy của trang phục cung đình và âm thanh nhã nhạc trình tấu…
 
Giữ gìn tinh hoa làng nghề
 
Nghề và làng nghề truyền thống ra đời, tồn tại và phát triển luôn gắn liền với những bước thăng trầm của lịch sử Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế, góp phần tạo dựng bản sắc văn hóa Huế, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ năm 2005 đến nay, 6 kỳ Festival chuyên đề về Nghề truyền thống được tổ chức, trở thành nơi hội tụ của các nghệ nhân mọi miền Tổ quốc, góp phần khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề tiêu biểu của Thừa Thiên Huế cùng nhiều địa phương trên cả nước; đồng thời, tăng thêm tính đa dạng, phong phú cho sản phẩm phục vụ du lịch.
 
Ngay sau thời điểm khai trương hoạt động “Đại nội về đêm”, Festival Nghề truyền thống Huế năm 2017 được tổ chức với chủ đề “Tinh hoa Nghề Việt”, (diễn ra từ 28/4 đến 2/5) thu hút người dân và du khách đến Huế tiếp tục được chiêm ngưỡng nhiều sản phẩm nghề truyền thống từ 327 nghệ nhân của 40 làng nghề, cơ sở nghề trong cả nước, như dệt, thêu, gốm, mộc mỹ nghệ, mây tre, nón lá, kim hoàn, tranh dân gian, pháp lam, hoa giấy, đồng, làm mõ, đèn lồng và lọng đèn, nhang trầm, nghề đệm bàng, diều, nghề làm đầu lân…
 
Nhiều nghề và làng nghề nổi tiếng của vùng đất Cố đô đã được củng cố và có cơ hội phát triển, như hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình, tranh Đông Hồ, Làng nghề đan lát Bao La, Làng nghề Nón lá (Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây, Kim Long, Sịa…), Làng nghề Đúc đồng Phường Đúc, Làng nghề gốm Phước Tích, Làng Kim hoàn Kế Môn, Làng nghề thếp vàng - sơn mài Tiên Nộn, Làng nghề Điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên, Liễn làng Chuồn, Pháp lam (đồ đồng tráng men)... 
 
Nghề và làng nghề Huế truyền thống phần lớn được hình thành để phục vụ hoàng cung, quan lại và giới thượng lưu xưa đã tạo cho du khách những điều thú vị không hề nhỏ, bởi sự đơn giản trong điều kiện hành nghề, nhưng thật sự kỳ công và tinh xảo trong sản phẩm qua bàn tay khéo léo và sự nhẫn nại, tỉ mỉ của những người thợ. Nghề và làng nghề truyền thống Huế được bảo tồn qua các kỳ Festival và hoạt động phục vụ du lịch không những góp phần làm phong phú thêm bản sắc Cố đô mà còn là cơ hội lan tỏa và trao truyền nghề đến thế hệ trẻ.
 
NHẬT QUÂN