Một ngày ở Đường Lâm

09:02, 10/02/2019

(LĐ online) - Từ Thủ đô Hà Nội, đi gần 50km về hướng Tây ta sẽ gặp Đường Lâm - một làng cổ thuộc địa phận thị xã Sơn Tây. 

(LĐ online) - Từ Thủ đô Hà Nội, đi gần 50km về hướng Tây ta sẽ gặp Đường Lâm - một làng cổ thuộc địa phận thị xã Sơn Tây. 
 
Cảm nhận đầu tiên đến với Đường Lâm đó là phong vị dân gian của ngôi làng cổ kính và êm đềm, mộc mạc và yên ả với cây đa, bến nước, sân đình, với đền chùa, miếu mạo...
 
Sách xưa viết rằng: Đường Lâm, nôm na là Kẻ Mía. Tên gọi này bắt đầu từ Cam Giá (nghĩa là mía ngọt) với hai miền thượng, hạ. Cam Giá Hạ là xã Đường Lâm ngày nay.
 
 Kẻ Mía - Đường Lâm, vùng đất của của hai vua Bố cái Đại vương Phùng Hưng và Tiền Ngô Vương Ngô Quyền; vùng đất của địa linh nhân kiệt cùng với những tiền nhân thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt như Man Thiện - Trần Thị Đoan (mẹ Hai Bà Trưng); sứ thần "Bất nhục quân mệnh" - Thám hoa Giang Văn Minh; mỹ nhân đức hạnh Nguyễn Thị Ngọc Giao tức  bà chúa Mía...
 
Với trên 950 ngôi nhà cổ được xây từ những khối đá ong và nhiều danh lam thắng cảnh, năm 2006, Đường Lâm là ngôi làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia bởi những giá trị lịch sử, kiến trúc độc đáo, nghệ thuật điêu khắc với những họa tiết tinh xảo. 
 
Đến thăm Đường Lâm, ta có dịp thưởng thức những đặc sản nổi tiếng với món thịt quay đòn và các loại kẹo dồi, kẹo lạc, chè lam thơm ngon với hương vị đặc biệt mà chỉ nơi đây mới có.
 
Trong dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những tác động đến mọi mặt của nền kinh tế - xã hội, trong sự đan xen giữa bảo tồn và nhu cầu cuộc sống người dân Đường Lâm càng ý thức hơn bao giờ hết việc bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ để giữ gìn nét đẹp truyền thống của tiền nhân để lại. 
 
Một ngày đến Kẻ Mía - Đường Lâm, điểm du lịch hấp dẫn khách muôn phương, được thưởng thức và chiêm nghiệm về một ngôi làng cổ ta càng tự hào thêm về truyền thống và văn hóa của dân tộc Việt Nam, một dân tộc anh hùng với trên 4000 ngàn năm văn hiến.
 

 

Cổng làng Mông Phụ (Đường Lâm) được làm theo kiểu “Thượng gia hạ môn” có nghĩa là trên là nhà, dưới là cổng
Cổng làng Mông Phụ (Đường Lâm) được làm theo kiểu “Thượng gia hạ môn” có nghĩa là trên là nhà, dưới là cổng

 

 

 

Những ngôi nhà cổ, một trong những cấu trúc tạo nên giá trị của làng cổ Đường Lâm
Những ngôi nhà cổ, một trong những cấu trúc tạo nên giá trị của làng cổ Đường Lâm

 

 

 

 

Đình Mông Phụ và nghệ thuật điêu khắc trên gỗ
Đình Mông Phụ và nghệ thuật điêu khắc trên gỗ

 

 

Giếng nước, các con vật được làm bằng đá ong
Giếng nước, các con vật được làm bằng đá ong

 

 

Quang cảnh êm đềm và yên ả ở Kẻ Mía - Đường Lâm
Quang cảnh êm đềm và yên ả ở Kẻ Mía - Đường Lâm

 
Phạm Vy Phương