Thung lũng atiso trải nghiệm đầu Xuân

11:02, 11/02/2019

(LĐ online) - Theo hướng dẫn của google map, nhiều đoàn du khách nói chung, du khách trẻ nói riêng đang rủ nhau tìm đến thung lũng atiso, tọa lạc số 20 bis, đường Mê Linh, Phường 9, Đà Lạt để trải nghiệm đầu xuân cùng với chủ nhân 9X, Trần Minh Tuấn. 

(LĐ online) - Theo hướng dẫn của google map, nhiều đoàn du khách nói chung, du khách trẻ nói riêng đang rủ nhau tìm đến thung lũng atiso, tọa lạc số 20 bis, đường Mê Linh, Phường 9, Đà Lạt để trải nghiệm đầu xuân cùng với chủ nhân 9X, Trần Minh Tuấn. 

 

Du khách trẻ trải nghiệm giữa thung lũng atiso
Du khách trẻ trải nghiệm giữa thung lũng atiso
Thung lũng gồm 3 băng đất lớn trồng chuyên canh atiso từ 10 năm trước, tổng diện tích 4.000 m2. Từ đầu năm 2018 đến nay, được ba mẹ giao trực tiếp canh tác, chủ nhân Trần Minh Tuấn nghỉ việc kinh doanh nội thất từ một công ty ở thành phố Hồ Chí Minh trở về đầu tư chiều sâu, khép kín quy trình theo hướng sinh học hữu cơ, phục vụ khách tham quan trải nghiệm. 
 
Nguồn giống gốc atiso được Tuấn trực tiếp chọn lựa, chiết tách hàng năm từ cây con mọc ra dưới gốc cây mẹ khỏe mạnh nhất. Sau đó đưa vào khu vực 500 m2 vườn ươm chăm sóc đặc biệt trước khi lên luống trồng vụ mới. Bình quân trồng mật độ 1.400 cây/ 1.000 m2. Sau 3 tháng đầu xuống giống trồng atiso, Tuấn sản xuất và thu hoạch xen canh các loại rau như bắp cải, sú tim, súp lơ… Lúc này phần lá atiso cũng bắt đầu thu hoạch bán ra. 
 
Đến 5 tháng chăm sóc tiếp theo, Tuấn bắt đầu thu hoạch bông, trung bình 1 cây cắt được 4 - 5 bông; cá biệt có cây trổ đến 7 - 8 bông. Trọng lượng 3 loại bông lớn, bông trung, bông đeo thông thường đạt lần lượt 0,6 kg, 0,3 kg và 0,2 kg. 
 
2 tháng còn lại thu hoạch cuối cùng các phần thân đen, thân trắng, rễ và tiếp tục cải tạo đất, lên luống trồng vụ atiso mới - tính ra mỗi vụ kéo dài khoảng 12 tháng.  
 
Theo kinh nghiệm của Tuấn, atiso thường bị nhiễm các loại bệnh vào cả mùa khô và mùa mưa trong năm, nhưng thời điểm đáng chú ý là cây ra đọt non, khiến sâu cuốn lá tìm đến ẩn mình bên trong gây hại rất nhanh; lá bị đốm vàng do nấm bệnh phát sinh từ môi trường đất ẩm ướt, chưa kịp thời thoát nước sau ngày mưa hoặc sau những lần tưới phun quá thời gian trong ngày.
 
Quá trình phòng chống bệnh hại trên cây atiso, thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, Tuấn sử dụng các nguyên liệu gừng, ớt, tỏi…giã nhỏ pha chế với rượu gạo, hòa với nước bơm phun trên dưới 5 ngày/lần vào mỗi buổi sáng đầu giờ. Hiệu lực diệt trừ bệnh hại đạt từ 80 – 90 %. 
 
Sáng ngày mồng 6 Tết Kỷ Hợi 2019, phóng viên tham quan một vòng thung lũng atiso của thanh niên 9X Trần Minh Tuấn với cảm nhận không gian xanh trong lành. Những phiến lá atiso kết nối thành một thảm xanh nối dài, trên đó đung đưa từng hàng nụ, bông mơn mởn căng đầy, khá hấp dẫn đối với du khách trải nghiệm khám phá sinh trưởng của một trong những loài cây dược liệu đặc sản bậc nhất của phố núi Đà Lạt Xuân này. 
 
Thanh niên Trần Minh Tuấn cho biết thêm, từ trước Tết Kỷ Hợi đến nay, thung lũng atiso của Tuấn tiếp đón trên dưới 100 lượt khách du lịch kết hợp với mua các sản phẩm atiso. Giá bán atiso vào ngày mồng 6 Tết Kỷ Hợi 2019 đạt: 150.000 đồng/ kg bông tươi, 75.000 đồng/ kg lá khô, 250.000 đồng/ kg rễ khô, 150.000 đồng/ kg thân khô. Các mức giá này cao hơn thị trường năm ngoái từ 30 – 40 %. Nhờ vậy, kết quả hạch toán trên diện tích 4.000 m2 ở thung lũng atiso của chủ nhân  9X Trần Minh Tuấn thu lãi khoảng 300 triệu đồng trong một năm vừa qua.
 
Du khách trẻ trải nghiệm giữa thung lũng atiso
Du khách trẻ trải nghiệm giữa thung lũng atiso

 

Giá bông tươi atiso vào Mùng 6 Tết Kỷ Hợi đạt đến 150.000 đồng/kg
Giá bông tươi atiso vào Mùng 6 Tết Kỷ Hợi đạt đến 150.000 đồng/kg

 

Bông atiso thu hoạch phơi 1- 2 nắng trước khi đóng gói tiêu thụ
Bông atiso thu hoạch phơi 1- 2 nắng trước khi đóng gói tiêu thụ
 
VĂN VIỆT