Kỳ tích chùa hang Ajanta và Ellora giữa rừng thiêng Trung Ấn

06:08, 01/08/2019

Ấn Ðộ là quốc gia có nhiều công trình kiến trúc - từ cổ xưa đến đương đại, rất đáng được du khách và giới chuyên môn đến tham quan, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và học thuật; đặc biệt là các khu Phật tích được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới...

Ấn Ðộ là quốc gia có nhiều công trình kiến trúc - từ cổ xưa đến đương đại, rất đáng được du khách và giới chuyên môn đến tham quan, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và học thuật; đặc biệt là các khu Phật tích được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Tôi đến Ấn Ðộ lần đầu nhưng may mắn có nhiều trải nghiệm thú vị khi đến tham quan hai khu chùa hang Ajanta và Ellora - miền Trung Ấn và hiểu thêm về nét văn hóa độc đáo của kiến trúc xưa tại Ấn Ðộ…
 
Lối đi vào các chùa hang bám theo địa hình.
Lối đi vào các chùa hang bám theo địa hình
 
Kỳ vĩ khu hang động Ajanta
 
Khu chùa hang Ajanta được hình thành từ thế kỷ thứ I đến thứ V sau Công nguyên, nhưng nó hoàn toàn bị che khuất không chỉ bởi rừng rậm và địa hình cách trở, mà cả trong lịch sử Ấn cũng từng lãng quên nó trong suốt hàng ngàn năm. Mãi đến năm 1819, một nhóm thợ săn bắn người Anh tình cờ phát hiện dấu tích khu hang động và báo cáo việc khám phá phi thường này cho Hoàng gia Hyderabad biết để khai quật. Với thời gian, công trình ngày càng được phát lộ, trùng tu qua bao thế hệ và bảo tồn đến ngày nay.
 
Toàn bộ khu hang động được đục đẽo để tạo thành chùa - nên gọi là “Chùa hang”; được khoét sâu ẩn mình giữa lòng núi đá bazan khổng lồ (cao 76 m) và bên dưới là thung sâu với dòng sông Waghora uốn mình giữa miền đất khô cằn sỏi đá - thuộc bang Maharasta. Các chùa hang được chế tác không cùng thời kỳ nhưng đã tạo nên một quần thể hang động có bố cục theo hình móng ngựa, như thể tuân theo một bản vẽ quy hoạch tổng thể có sẵn. Tất cả có 30 chùa hang, được các nhà khảo cổ đánh dấu qua các số thứ tự (từ 1 đến 30) và phân chia theo từng niên đại xây dựng, gồm các hang số 8, 9, 10, 12, 13, 15, 30 mang dấu ấn Phật giáo nguyên thủy, dưới sự bảo trợ của triều đại Satvahana; các hang còn lại mang màu sắc Phật giáo mới, sau này là Phật giáo Đại thừa, dưới sự bảo trợ bởi triều đại Vakataka - trong đó các hang số 9, 10, 19, 26, 29 có công năng là các Thánh đường (Chaityas), còn lại là những Tu viện (Viharas) dành riêng cho các tu sĩ. 
 
Tuy khu chùa hang Ajanta vẫn còn nhiều chỗ chưa hoàn thiện, nhưng cả quần thể là một công trình nổi tiếng kỳ vĩ được tạo ra từ bàn tay của con người. Nhiều bức tượng Phật ngồi bằng đá và các điêu khắc về đạo Phật được đánh giá là những tác phẩm đẹp nhất của nghệ thuật Phật giáo tại Ấn Độ. Đặc biệt, hơn 500 bức tranh tường được chạm khắc trên vách đá và trần hang rất tinh tế đến từng chi tiết, mà màu sắc của nó có nguồn gốc hoàn toàn lấy từ cây lá thiên nhiên, đến nay trải qua mấy ngàn năm vẫn tươi nguyên…
 
Gian điện thờ (hang số 2).
Gian điện thờ (hang số 2)
 
Ellora và sự hòa hợp của ba nền văn hóa
 
Cũng giống như Ajanta, khu hang động Ellora được đục đẽo từ khối núi đá bazan khổng lồ bên trong ngọn đồi Charanandri, cách thành phố Aurangabad khoảng 30 km. Toàn bộ quần thể có 34 chùa hang, được các nhà khảo cổ đánh số thứ tự (từ 1 đến 34) theo thời gian xây dựng - từ thế kỷ thứ V đến thứ X sau Công nguyên; chia thành ba nhóm, đại diện cho ba nền văn hóa và tôn giáo hưng thịnh nhất của Ấn Độ lúc bấy giờ là Phật giáo, đạo Bà La Môn và đạo Jain (Giai-na). 
 
Các chùa hang Phật giáo (từ số 1 đến 12), được xây dựng đầu tiên từ năm 500 đến 750 sau Công nguyên; cái trước đơn giản, ít tượng điêu khắc và nhỏ hơn cái sau - như hang số 10 chỉ làm phòng để ăn ngủ và thiền định cho các nhà sư, nhưng hang số 11 lại có kiến trúc ba tầng với tầng thượng rộng rãi và gian điện thờ ở giữa đặt năm tượng Bồ Tát. Nổi bật nhất là hang số 5 - có tên gọi là Kailash (sâu 35,66 m và ngang 17 m), có hành lang bao quanh với 24 cột đá đỡ trần hang; trên vách hang, mặt dầm, cột được chạm khắc tượng các vị Bồ Tát, cùng hoa văn, họa tiết, đường diềm rất tinh xảo và sinh động. Các nhà sử học cho rằng những hang động Phật giáo ở Ellora được xây dựng bởi chính những người tu hành đã rời bỏ Ajanta nhưng không rõ lý do chuyển vùng đến đây…
 
Tiếp theo là 17 chùa hang (từ số 13 đến 29) của Bà La Môn giáo - tức đạo Hindu hay Ấn Độ giáo, xây dựng từ năm 600 đến 870 sau Công nguyên, được chạm khắc nhiều phù điêu trang trí về thần Shiva trên các vách hang. Trung tâm của quần thể Ellora là đền Kailasa Hindu (hang số 16), có diện tích lớn gấp đôi đền Parthenon ở Athens - Hy Lạp, là ngôi đền thờ thần Shiava được tạo tác với đa phần hình khối kiến trúc lộ thiên, có quy mô lớn và hoành tráng. Hai bên ngôi đền là hai tháp trụ và hai con voi đá trông rất uy nghiêm; chính giữa là ngôi đền đặc trưng với một lầu trên cao thờ Linga; mặt sau là tượng các voi đá, sắp hàng như tạo thành bệ đỡ cho ngôi điện thờ nằm phía trên. 
 
Cuối cùng là các hang (số 30 đến 34) thuộc đạo Jain, xây dựng từ năm 800 đến 1000 sau Công nguyên; có diện tích nhỏ nhưng các tác phẩm điêu khắc được chế tác tỉ mỉ. Một số hang có trần chạm khắc rất tinh xảo, với các bức tranh phong phú về màu sắc và nội dung - như hang động Indra Sabha (số 32) là hình ảnh thu nhỏ của đền Kailash, có trần hang được chạm khắc hình một hoa sen rất công phu… 
 
Mỗi hệ thống chùa hang có phong cách kiến trúc riêng, rất đa dạng và cùng tồn tại bên nhau trong một quần thể hang động Ellora, minh chứng cho sự hòa hợp giữa ba nền văn hóa và tôn giáo khác biệt qua ba thời đại tiêu biểu trong lịch sử Ấn Độ.
 
Đặc biệt, khi nhìn thấy bên trên hang số 27-28 có một phiến đá đua ra khỏi vách núi tự nhiên - không rõ hình thành từ niên đại nào (?). Tôi hỏi và được hướng dẫn viên giải thích qua một ảnh chụp đăng trong tập sách “Ajanta và Elloria” của Abdul Nasir Almohammadi (Nhà Xuất bản Mittal Publications, năm 2011). Thì ra, khi mùa mưa lũ về, tại khu vực bên trên hang động này sẽ có dòng suối chảy tràn vào phiến đá này tạo thành một thác nước trắng xóa, rơi câu vòng qua vách núi và con đường đi vào các hang động ở bên dưới, rồi thả mình vào hồ nước trong xanh dưới chân núi - thật lạ và độc đáo!. 
 
Thật may mắn cho lịch sử Ấn Độ, nếu không được các triều đại xưa có công phát lộ và giữ gìn thì ngày nay chúng mãi mãi là một ẩn số đối với thế giới đương đại. Nhà nước Ấn đã dành nhiều công sức đầu tư, quản lý, trùng tu, tôn tạo và quảng bá các địa danh này trở thành những khu di tích quý giá, minh chứng sinh động cho một thời kỳ văn hóa và tôn giáo hưng thịnh nhất tại Ấn Độ. Hai quần thể chùa hang này được UNESCO công nhận “Di sản văn hóa thế giới” vào năm 1983; cũng là hai trong nhiều địa điểm du lịch lý tưởng khác của Ấn Độ, giúp du khách muốn tìm hiểu, chiêm bái và thưởng ngoạn các công trình với trình độ nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc đá đỉnh cao của người Ấn cổ xưa. Đến Ấn Độ, điều tôi khâm phục và học được ở người Ấn là cách họ trùng tu, tôn tạo các di tích để chúng trở thành những Di sản văn hóa thế giới; cũng như cách quản lý, vận hành các Di tích - Di sản đưa vào hoạt động khai thác du lịch mà không làm tổn hại đến hồn cốt của giá trị vật thể và giới thiệu tinh hoa văn hóa nghệ thuật Ấn từ ngàn xưa để lại cho nhân loại…
 
(Tháng 2/2019)
 
KTS. TRẦN ÐỨC LỘC