Nằm ở bên bờ sông Tiền, làng hoa Sa Đéc (phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) là nơi cung cấp hoa kiểng lớn nhất của Tây Nam Bộ...
Nằm ở bên bờ sông Tiền, làng hoa Sa Đéc (phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) là nơi cung cấp hoa kiểng lớn nhất của Tây Nam Bộ. Những năm gần đây, làng hoa Sa Đéc không chỉ sản xuất và cung cấp hoa mà đã trở thành điểm tham quan du lịch làng hoa vô cùng chuyên nghiệp, rất lý tưởng hấp dẫn đông đảo du khách cả nước.
|
Sản xuất hoa ở làng hoa Sa Đéc. Ảnh: N.Nguyễn |
Từ làng hoa cúc bình dân
Làng hoa Sa Đéc vốn chỉ chuyên trồng hoa cúc và một số loại cây kiểng để phục vụ tết. Số lượng và loại hoa rất ít, còn các hộ dân địa phương cũng chưa thực sự để tâm đến công việc sản xuất hoa thương phẩm. Chỉ đến khi bắt đầu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác và sản xuất, nhân giống, làng hoa mới có nhiều khởi sắc. Những năm gần đây, việc phát triển làng hoa Sa Đéc lại ngày càng được chú trọng, nhất là sau khi đưa làng nghề trồng hoa gắn với phát triển du lịch. Chủng loại hoa của làng hoa Sa Đéc hiện lên đến con số 2.500 loài khác nhau. Làng hoa này giờ đã trở thành điểm du lịch độc đáo của Đồng Tháp, đặc biệt là vào mỗi độ xuân về. Vườn hoa Sa Đéc hiện có nhiều loài hoa hơn như cúc mâm xôi, cúc đồng tiền, dạ yến thảo, hoa dừa, cúc tiger, xác pháo... Đặc biệt, những năm gần đây, Sa Đéc nhập rất nhiều loài hoa hồng về trồng và lai tạo, hiện có khoảng 50 giống hoa hồng ngoại như Cleopatre, Masseille, Elizabeth, Korokit, hồng Confidence... Thậm chí, rất nhiều loại hồng ở Sa Đéc hiện được các vựa hoa chuyên bán hoa hồng ở Đà Lạt nhập về bán cho người dân Đà Lạt.
Ở làng hoa Sa Đéc, hoa không chỉ được trồng ở những luống thẳng tắp, nối tiếp trên đất mà còn được trồng trên các giàn cao, phía dưới là mặt nước xăm xắp được dẫn vào từ con rạch. Cứ thế vào mùa nước nổi, người dân phải dùng ghe chèo, len lỏi vào các luống để chăm sóc, tạo nên hình ảnh hết sức nên thơ, làm nên nét đặc trưng riêng của làng hoa Tân Quy Đông, Sa Đéc. Tuy nhiên, khu vực trồng hoa này cũng tương tự như trong các khu nhà kính của người trồng hoa ở Đà Lạt, không đón khách vào tham quan, chụp hình mà khách chỉ có thể đứng ở ngoài ngắm và chụp từ xa.
Câu chuyện phát triển du lịch ở làng hoa Sa Đéc có diễn biến khá đặc biệt. Người dân trong làng chính là những người khởi xướng và cùng kêu gọi nhau bắt tay phát triển du lịch làng hoa. Câu chuyện của họ thể hiện rõ tâm huyết và khát vọng của những người muốn đưa thương hiệu của làng mình bay xa.
Thế nhưng, ở khu vực trung tâm làng hoa, mỗi hộ gia đình trồng hoa trong làng đều tự thiết kế một khu vực riêng để phục vụ du khách đến tham quan, ngắm hoa và mua hoa, cũng là cách để những hộ này giới thiệu và quảng bá sản phẩm hoa của gia đình mình. Có những hộ gia đình dành hẳn diện tích đất rất lớn, kỳ công thiết kế nhiều tiểu cảnh, trưng bày nhiều loại hoa đặc trưng của vùng Sa Đéc để khách đến chụp hình ngắm hoa. Những cái tên vựa hoa chuyên về sản phẩm cây kiểng hay hoa chậu cũng từ đó đi vào lòng người dân khắp nơi.
|
Sản xuất hoa tại Sa Đéc với các loại hoa đơn giản, bình dân nhưng lại có cách thức làm du lịch khá chuyên nghiệp hấp dẫn du khách. Ảnh: Diễm Thương |
Đến làng hoa du lịch chuyên nghiệp
Anh Lê Hùng, một người con của Sa Đéc tỏ ra khá tự hào với tôi về cách thức làm du lịch của làng hoa quê anh dù biết tôi đến từ Đà Lạt. Anh chia sẻ rằng, lúc đầu bà con ở đây làm du lịch theo kiểu tự phát, manh mún, nhỏ lẻ. Một số hộ có dịch vụ đón khách du lịch dịp lễ, tết họ đến ngắm hoa, nên các hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống... tự thiết kế vườn hoa, cây cảnh phục vụ khách theo cách riêng của mình. Sau đó, thấy nhu cầu ngắm hoa, thưởng lãm hoa của du khách phát triển. Và, với quan niệm, du lịch không thể phát triển lên được nếu cứ làm ăn riêng lẻ, mạnh ai nấy làm nên bà con làng hoa đã họp bàn rủ nhau kết nối những điểm du lịch với nhau để cùng hỗ trợ nhau và phân chia lượng khách tại các điểm tham quan, nghỉ dưỡng, đảm bảo sự công bằng, đoàn kết và không có sự cạnh tranh giữa các điểm du lịch với nhau. Ban đầu là một nhóm nhỏ vài chục hộ, sau đó lan rộng ra cả làng...
Và thế là cả làng bắt tay vào đồng lòng xây dựng điểm du lịch làng hoa. Không chỉ các homestay, quán cà phê, cửa hàng bán lẻ xây dựng khu vực tham quan cho khách nữa; mà cả những vựa hoa lớn vốn chỉ chuyên bán sỉ, trước đây không muốn khách đến tham quan hay vào vườn hoa của mình để chụp hình vì sợ hoa bị làm hỏng, bị nhiễm bệnh thì nay cũng đồng lòng kết nối cùng phát triển du lịch. Họ dành ra một diện tích đất gần vườn hoặc xung quanh nhà tự thiết kế khu vực sắp đặt hoặc trồng hoa chỉ dành cho khách tham quan để giới thiệu cơ sở sản xuất hoa của gia đình, giới thiệu các giống hoa, các sản phẩm đặc trưng của gia đình mình. Nhà cửa của người dân từ đó cũng được quan tâm đầu tư trang trí, sửa chữa sạch đẹp, khang trang hơn. Nhờ ý tưởng độc đáo này mà thời gian gần đây, du lịch Sa Đéc đã có sự đổi khác đặc biệt, tạo nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khách tham quan nhờ cách làm ăn bài bản. Rất nhiều kiểu dáng, chủng loại hoa đặc trưng của làng hoa được các hộ gia đình làm hoa kết nối làm du lịch trải dài từ đầu đến cuối làng hoa, góp phần quảng bá hình ảnh hoa của TP Sa Đéc.
|
Các làng hoa ở Đà Lạt với nhiều chủng loại hoa đẹp và độc đáo nhưng cách thức làm du lịch vẫn còn khá rời rạc, chưa có sự liên kết nên chưa thật sự hấp dẫn du khách. Ảnh: N.Nguyễn |
Anh Hùng cho biết, người dân làng hoa bắt tay làm du lịch có thể mỗi người sẽ có một mục đích riêng. Có hộ thì làm dịch vụ lưu trú, có hộ làm dịch vụ giải khát, có hộ quảng bá sản phẩm, nhưng vấn đề là tất cả mọi người đều nghĩ rằng, mục đích của việc xây dựng làng hoa du lịch này là tạo ra được lợi ích chung cho họ, từ đó họ thấy yêu thích và tự động làm du lịch, kết nối cùng làm du lịch tốt hơn, cạnh tranh nhau làm khu vực giới thiệu sản phẩm hoa của mình thật đẹp với đa dạng chủng loại.
Một ngày dạo quanh khắp làng hoa Sa Đéc, tôi thật sự khâm phục cách tư duy và sự đồng lòng của người dân nơi đây. Chính họ chứ không phải ai khác đã làm nên sự chuyên nghiệp và gây thương nhớ trong lòng du khách bốn phương dù tất cả các loại hoa mà tôi được ngắm, được sờ từ đầu đến cuối ở làng hoa miền Tây này so với hoa Đà Lạt thật khó có thể sánh bằng. Hoa ở đây chủ yếu chỉ được đánh giá là những loại hoa bình dân, phổ biến dễ dàng trồng được ở khắp nơi.
Thế mới thấy rằng, du lịch canh nông, đôi khi không nhất thiết phải làm cái gì đó thật lộng lẫy, độc đáo, mà quan trọng là ở thái độ và sự đồng lòng của người dân. Và nhận thức về việc làm du lịch cũng có sự khác biệt rất lớn. Đó không chỉ là việc thu vài ba chục ngàn tiền vé vào cổng, mà xa hơn, đó là hình ảnh của các hộ gia đình, tên của các vựa hoa, và xa hơn nữa đó là thương hiệu của cả làng hoa.
Làng hoa Sa Đéc khởi nguyên là làng hoa Tân Quy Đông, một làng nghề đã có lịch sử hơn một trăm năm nay. Trước đây, làng hoa vốn chỉ kinh doanh theo mô hình gia đình nên cũng trải qua không ít thăng trầm. Người làm nghề hoa có cuộc sống khá khó khăn và bấp bênh. Người dân chủ yếu làm hoa kiểng và trồng các loại hoa cúc với giá bình dân. Từ ngày làng hoa cùng bắt tay làm du lịch, cuộc sống ở đây đổi khác rất nhiều. Không chỉ vậy, cách làm du lịch kết hợp với quảng bá sản phẩm đã đưa làng hoa Tân Quy Đông phát triển, mở rộng và trở thành vựa hoa phân phối lớn và uy tín cho cả vùng. |
NGUYỄN NGHĨA