Sự trở lại của hồn địa

07:02, 29/02/2020

(LĐ online) - Bình yên giữa chốn làng quê, nhà thờ Ka Đơn (xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương) không chỉ đặc biệt bởi phong cách thiết kế gần gũi, gắn liền với đời sống của người dân bản địa mà ở đó, một không gian văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc Churu cùng vẻ đẹp mộc mạc, đơn sơ và giản dị được tái hiện lại trong căn phòng giới thiệu truyền giáo và văn hóa Churu của nhà thờ. 

(LĐ online) - Bình yên giữa chốn làng quê, nhà thờ Ka Đơn (xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương) không chỉ đặc biệt bởi phong cách thiết kế gần gũi, gắn liền với đời sống của người dân bản địa mà ở đó, một không gian văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc Churu cùng vẻ đẹp mộc mạc, đơn sơ và giản dị được tái hiện lại trong căn phòng giới thiệu truyền giáo và văn hóa Churu của nhà thờ. 
 
Với kiến trúc độc đáo, đậm nét văn hóa của người dân Churu, Nhà thờ Ka Đơn từng giành giải Nhì cuộc thi Kiến trúc Thánh Quốc tế lần thứ 6 - năm 2016
Với kiến trúc độc đáo, đậm nét văn hóa của người dân Churu, Nhà thờ Ka Đơn từng giành giải Nhì cuộc thi Kiến trúc Thánh Quốc tế lần thứ 6 - năm 2016
 
Đậm nét văn hóa bản địa
 
Rời xa những ngôi nhà thờ mang phong cách châu Âu hiện đại, chúng tôi tìm về thôn dân tộc vùng sâu Krăng Go 2, xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương để được hòa mình vào không gian văn hóa đậm đà bản sắc của người Churu bản địa.
 
Tọa lạc trên vùng đất cao nguyên, Nhà thờ Ka Đơn nằm ẩn mình giữa rừng thông bạt ngàn của thôn quê. Một không gian hoàn toàn mở, không tường rào, không cánh cổng sắt kiên cố, không uy nghi, tráng lệ như những ngôi nhà thờ mà tôi từng ghé thăm.
 
Dẫn chúng tôi tham quan chính điện, Linh mục Phêrô Trần Quốc Hưng Long – Quản xứ Nhà thờ Ka Đơn cho hay: “Dựa trên ý tưởng của Linh mục Giuse Nguyễn Đức Ngọc với quan điểm thiết kế một ngôi nhà thờ gắn liền với người Churu, đôi vợ chồng kiến trúc trẻ người Việt là Nguyễn Tuấn Dũng và Vũ Thị Thu Hương đã lên bản vẽ thiết kế Nhà thờ. Bản vẽ này cũng chính là đồ án cao học tại Trường Đại học Kỹ thuật Berlin có tên gọi là “Sự trở lại của hồn địa” với mong muốn giữ lại nguyên vẹn “hồn cốt” của vùng đất nơi đây”.
 
Được xây dựng từ năm 2011 và đến tháng 7/2014 hoàn thành. Vật liệu chính để thi công chủ yếu là nguồn gỗ thông bản địa và mái ngói đỏ. Khác với các công trình nhà thờ, không gian thánh lễ lớn trên thế giới thường được xây dựng hoành tráng, huyền bí, nhưng với Nhà thờ Ka Đơn, tất cả đều được hình thành dựa trên phong cách hoài niệm về nếp sống, văn hóa Churu từ xưa. 
 
Đặc biệt, nhà thờ hiện hữu với công trình kiến trúc thấp, như một gian nhà rông Tây Nguyên nhưng không có bậc thang hay bậc tam cấp. “Điều này dùng cho những người khuyết tật đi xe lăn hay người mù dễ dàng tiếp cận mà không bị một cản trở nào. Là nhà thờ Công giáo nhưng không hề có đường nét nào ảnh hưởng của kiến trúc Gothic, vừa không có mái vòm, không tháp chuông nhọn cao vút, không có cửa sổ. Đơn giản như một ngôi nhà rông dành chung cho mọi người” – Cha Long nói.
 
Chính điện được trang trí giản đơn. Nhà thờ sử dụng vật liệu khung sắt, lợp ngói, lót đá tự nhiên, bao quanh là những nan gỗ dán và lớp kính cường lực trong suốt dọc từ trên xuống. Nét độc đáo là nhà thờ không có cửa sổ, không có cửa chính, thay vào đó là những tấm phên gỗ kéo qua kéo lại dẫn vào bên trong.
 
Và có lẽ, ít ai nghĩ được rằng, với kiến trúc đơn sơ ấy, Nhà thờ Ka Đơn từng giành giải Nhì cuộc thi Kiến trúc Thánh Quốc tế lần thứ 6 năm 2016 được công bố tại Thành phố Pavia, Italy do Quỹ Frate Sole tổ chức. Và trước đó, bản thiết kế của nhà thờ cũng được vinh danh là giải thưởng Kiến trúc Thánh châu Âu vào năm 2011.
 
https://youtu.be/t1CDfj1vmQo
 
Bảo tàng “cấp xóm”
 
Câu chuyện của ngôi nhà thờ đặc biệt không dừng lại ở đó, Linh mục dẫn chúng tôi đến căn phòng nằm bên tay trái nhà thờ. Và, chúng tôi thật sự bất ngờ thấy khi cánh cửa được mở ra. Bước vào căn phòng, hàng nghìn món đồ cũ từ thời xa xưa của người Churu được bày trí gọn gàng và đẹp đẽ. 
 
Phêrô Long kể, căn phòng này là tâm huyết của cha Ngọc trước thời khắc lễ khánh thành diễn ra. Đây là linh hồn và niềm cảm hứng để làm trọn vẹn hơn ý nghĩa của Nhà thờ Ka Đơn. 
 
Linh mục Phêrô Trần Quốc Hưng Long nói về xuất xứ và ý nghĩa của những món đồ vật tại bảo tàng “cấp xóm”
Linh mục Phêrô Trần Quốc Hưng Long nói về xuất xứ và ý nghĩa của những món đồ vật tại bảo tàng “cấp xóm”
 
“Chúng tôi hay nói đùa với nhau về chỗ này là bảo tàng “cấp xóm” vì tất cả những món đồ ở đây đều có từ rất lâu và nằm yên bình ở một thôn quê nhỏ bé. Tại đây, mọi người sẽ được tìm hiểu kĩ hơn về những nét đẹp văn hóa luôn tồn tại trong cuộc sống bản làng, cùng đồng hành với người Churu từ lúc sinh ra, lớn lên, bắt vợ, bắt chồng, làm nhà, làm lúa” – Linh mục Long chia sẻ. 
 
Khu nhà rộng chừng 200 m 2 với hơn 1.000 hiện vật được phân thành nhiều gian. Mỗi gian trưng bày nhiều bộ sưu tập hiện vật, từ vật dụng làm nông, săn bắt, trang sức - y phục, vật dụng sinh hoạt cho đến không gian lễ hội, các loại nhạc cụ và cả góc bếp của người Churu... 
 
Chưa khỏi ngạc nhiên, nằm kế bên căn phòng là không gian trưng bày gốm mộc (không men) khá rộng với nhiều mẫu mã và hình thù khác nhau của người Churu xưa. Đó là hệ thống đồ đựng, đồ nấu nướng và ăn uống cùng nhiều loại đồ dùng thường nhật lẫn thờ cúng...
 
Cha Long cho biết thêm, khi hỏi các giáo dân thì nhiều người bảo sản phẩm này là nghề truyền thống của làng Krăng Go có nghĩa là “làng làm nồi” thuộc xã Próh, cách nhà thờ không xa. Lúc tìm đến làng, gần như không nhà nào còn đỏ lửa duy trì nghề làm gốm mộc. Thế nên nhà thờ bàn bạc với thợ còn giữ nghề việc phục hồi từ nguồn đất, mẫu mã cho đến đầu ra cho sản phẩm.
 
Ngoài những mẫu truyền thống, họ bán thêm những đồ dùng và vật phẩm trang trí mới. Nhà thờ dành một gian rộng để trưng bày và bán sản phẩm cho bà con. Nghề gốm cổ truyền của người Churu phục hồi và nối truyền từ đó.
 
“Cùng với cha Ngọc và các cộng sự của mình, chúng tôi đã phải tìm kiếm ở những người dân địa phương, có nhiều thứ mình phải mua với giá trị cao chỉ với mong muốn được đưa về đây lưu giữ. Văn hóa những dân tộc ít người như Churu rất dễ bị tổn thương, xóa nhòa nên đó cũng chính là một trong những lí do mà các Cha xứ muốn sưu tập để lưu giữ lại lịch sử vùng miền. Những hiện vật được mang về trưng bày ở đây với hi vọng người đời sau còn biết” - Linh mục Long giải bày.
 

 

Nhà thờ Ka Đơn trở nên đặc biệt hơn bởi căn phòng trưng bày với hàng trăm hiện vật gắn liền với đời sống của người Churu
Nhà thờ Ka Đơn trở nên đặc biệt hơn bởi căn phòng trưng bày với hàng trăm hiện vật gắn liền với đời sống của người Churu
 
THÂN THU HIỀN