Chúng tôi đến chùa Bà Đanh, tọa lạc tại xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam trong không khí không còn "đệ nhất vắng" như xưa kia nữa...
Chúng tôi đến chùa Bà Đanh, tọa lạc tại xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam trong không khí không còn “đệ nhất vắng” như xưa kia nữa. Không gian hôm nay cuốn hút bởi kiến trúc cổ kính hàng trăm năm tuổi cùng với sự kiện lịch sử cách đây 90 năm trước (1930) mà thành cụm di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng khu vực miền Bắc.
|
Cổng tam quan cổ kính |
Nghệ thuật điêu khắc dân gian đặc sắc
Qua chiếc cầu văng của dòng sông Đáy hơn 1 km là đã thấy thấp thoáng mái chùa dưới màu xanh của cây cối. Dòng sông dập dìu những chiếc thuyền nhỏ của ngư dân sống nghề sông nước và những chiếc xà lan chở vật liệu xây dựng rẽ mặt nước ngược xuôi. Dòng sông ôm quanh khuôn viên chùa. Phía Nam là bến lên cổng tam quan với tam cấp trải dài có hai hàng trụ chóp hình búp sen. Cách chùa 100 mét về phía bắc là núi Ngọc, nằm kề mặt nước sông Đáy. Núi Ngọc rất nhiều cây xanh, cành lá sum suê, trên đỉnh có một cây si cổ thụ hàng trăm tuổi thỏng xuống vô số rễ bám vào vách đá rất kỳ vĩ. Tuy không cao nhưng sự trầm mặc của nó và cùng ngôi chùa, dòng sông, đủ làm nên thắng cảnh, cụm di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng ở khu vực miền Bắc. “Vắng như chùa Bà Đanh” là truyền khẩu của thời quá vãng, khi chùa nằm nơi sơn cùng thủy tận, lam sơn chướng khí, cây cối um tùm. Tương truyền, mỗi khi lên chùa vào buổi tối phải đốt đuốc, gõ chiêng trống để xua đuổi thú dữ…
Chùa Bà Đanh có khuôn viên rộng 10 ha, trên vùng đất của thôn Đanh, trước năm 1945, thuộc tổng Thụy Lôi. Ngay ở cổng chùa cũng đã rất ấn tượng với kiến trúc thành 3 gian và 2 tầng. Tầng trên là gác chuông, mái 2 lớp, lợp ngói nam, những trấn song con tiện làm lan can xung quanh sàn gỗ. Ba gian phía dưới là cánh cửa bằng gỗ lim, có hình chữ triện sơn đỏ. Trên đỉnh tam quan, gắn song long chầu nguyệt, vừa mềm mại vừa uy vũ. Hai bên tam quan là 2 cột đồng trụ xây nhô ra, cùng đó là 2 cổng nhỏ có 8 mái, vòm hình bán nguyệt. Qua tam quan, không gian màu xanh với cổ thụ cao, tỏa bóng xuống nhiều loại cây như đại, mộc, nhài, mẫu đơn… Tiếp đến là sân lát gạch rộng, nối với nhà bái đường, 2 bên có dãy hành lang 3 gian bằng gỗ lim, mái lợp ngói lam.
Qua tư liệu và lời giới thiệu của sư thầy trụ trì Thích Đàm Đam, chùa Bà Đanh còn được gọi là Bảo Sơn tự, thuộc Phật giáo Đại thừa, cùng điện thờ các tượng Phật và đặc biệt gắn với truyền thuyết về bà Đanh, thuộc tín ngưỡng dân gian là Pháp Phong trong tín ngưỡng “tứ Pháp” (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Hàng năm, Nhân dân tổ chức lễ hội chùa Bà Đanh vào tháng 2 âm lịch nhằm tri ân đức thánh bà và cầu quốc thái dân an. Ban đầu chùa xây dựng đơn sơ bằng tranh tre nứa lá, năm Vĩnh Trị, đời Lê Hy Tông (1676-1680), chùa được chỉnh trang khang trang. Các công trình hiện nay được xây dựng từ thế kỷ 19, gồm 14 gian, chưa kể các công trình phụ trợ. Trong đó, nhà bái đường 5 gian, bít đốc 2 đầu, cũng lợp ngói nam, trên nóc 2 con rồng chầu mặt nguyệt. Các vì kèo và xà đều chạm khắc ở hai mặt, thể hiện tinh xảo về rất nhiều đề tài độc đáo. Đó là: mặt hổ phù, thông hóa rồng, trúc hóa rồng, nghê chầu; hay ngũ phúc (năm con dơi), tứ linh (long, ly, quy, phượng), lưỡng long (2 con rồng), tứ quý (tùng, mai, trúc, cúc), bát quả (đào, lựu, nho, phật thủ, na,…). Đó còn là kim tiền hay nhiều nhạc cụ (đàn tranh, đàn nguyệt, nhụy, phách, sáo), các đồ vật (cuốn thư, bút lông, ống tiêu, chiếc khánh, bầu rượu, quạt)… Một thế giới nghệ thuật điêu khắc dân gian chìm, nổi với những chủ đề sinh động và hòa quyện, hoàn mĩ và thống nhất về mặt bố cục; vừa cá thể vừa thống nhất, uyển chuyển nhưng luôn có điểm nhấn, và tuyệt không có bóng dáng con người.
Tiếp nối với nhà bái đường là nhà trung đường, gồm 5 gian, cũng bít đốc 2 đầu và lợp ngói nam. Phía trước được che kín bằng hệ thống cửa bức màn và chấn song con tiện, vững chắc và uy nghi. Hệ thống vì kèo là biến thể của giả chiên chồng rường con nhị. Các trụ, con rường, chủ yếu vuông thành sắc cạnh nhưng bài trí vững chãi. Nhà thượng điện có vị trí cao nhất, gồm 3 gian, cửa trước là gỗ lim, sau và 2 bên xây tường bao. Hệ thống nhà cầu nối các công trình hạng mục của toàn ngôi chùa. Ở phía tây, một khu nhà ngang 5 gian, gồm 3 gian giữa làm nơi thờ các vị tổ đã trụ trì ở đây, 2 gian đầu hồi xây ngăn thành 2 gian buồng là nơi ở của người tu hành. Phía đông của chùa là phủ thờ mẫu. Bên trong thượng điện được trưng bày nhiều tượng thờ như Tam thế, Ngọc Hoàng, thái thượng Lão Quân và Bà Chúa Đanh ở vị trí trung tâm. Tượng Bà với khuôn mặt hiền từ, gần gũi với cuộc sống người dân, trong tư thế tọa thiền trên chiếc ngai, là tuyệt tác của nghệ thuật điêu khắc...
Di tích lịch sử oai hùng của dân tộc
Theo chính sử, vào ngày 6/3/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên huyện Kim Bảng thành lập ở phố huyện, là yếu tố thuận lợi để phong trào cách mạng tại xã Ngọc Sơn hình thành và phát triển. Ngày 7/11/1930, Nhân dân Ngọc Sơn tổ chức treo cờ Đảng trên cây gạo của chùa Bà Đanh để kỉ niệm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga. Người được phân công treo cờ là ông Bùi Văn Siêu ở thôn Đanh Xá. Sự kiện này là tiếng vang, ảnh hưởng lớn trong toàn khu vực. Là hành động bất khuất đối với kẻ ngoại xâm; làm lan tỏa ý chí cách mạng trong quần chúng.
Tháng 6/1931, Nhân dân các thôn Đanh Xá, Phương Khê, Yên Lạc và phố Quế kéo đến nhà tri huyện Vũ Duy Cẩn đòi bồi thường cho một nông dân bị đánh đập tàn nhẫn. Năm 1935, quần chúng cách mạng ở Đanh Xá, Phương Khê, Thụy Xuyên tổ chức các hội từ thiện để phát triển lực lượng. Đầu năm 1943, trung ương cử đồng chí Lê Quang Tuấn về ở tại chùa Bà Đanh chỉ đạo phong trào. Ngày 20/8/1945, huyện Kim Bảng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Ủy ban Nhân dân Cách mạng Ngọc Sơn ra đời. Nhân dân Đanh Xá quyên góp tiền mua súng đạn trang bị cho đội tự vệ. Chùa Bà Đanh trở thành nơi luyện tập của du kích suốt các năm 1946 đến 1950 và cơ quan Sở Bưu điện Liên khu III đóng. Xã Ngọc Sơn trở thành chiến khu 1, hình thành và phát triển các cơ quan đầu não của cách mạng và nơi đóng quân của bộ đội, du kích; trong đó, chùa Bà Đanh là cơ sở tin cậy, đầu mối giao thông quan trọng. Một trong những người góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến là trụ trì chùa Thích Tâm Ngọ, sư được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.
Chùa Bà Đanh vẫn giữ truyền thống yêu nước thương dân. Hôm nay đến chùa, trên tường treo nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh Hà Nam, các cơ quan trung ương như Mặt trận Tổ quốc, Hội Khuyến học, Hội Phật giáo Việt Nam,… trao tặng chùa và cá nhân trụ trì Thích Đàm Đam. Ngôi chùa vừa là Di tích lịch sử văn hóa, vừa là điểm du lịch tâm linh đặc sắc. Năm 1994, chùa Bà Đanh được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Chùa đã đón nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước của trung ương và tỉnh Hà Nam, cùng nhiều triệu lượt Nhân dân cả nước đến tham quan vãn cảnh và chiêm bái.
MINH ĐẠO