Tái khởi động du lịch - những vấn đề đặt ra (bài 2)

05:10, 14/10/2021

Từ ngày 11/10/2021, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" có hiệu lực...

[links()]
 
Bài 2: Mở cửa đến đâu phải an toàn đến đó
 
Từ ngày 11/10/2021, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” có hiệu lực, với nội dung chủ yếu là cả nước tạm thời không giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16, 19 và những người tiêm đủ 2 mũi vắc xin được phép đi liên tỉnh; vận tải hàng hóa công cộng không còn vùng cấm; vận tải hành khách được phép hoạt động và hoạt động có điều kiện, trừ hàng không và đường sắt áp dụng văn bản riêng; sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động và hoạt động có điều kiện... là “chìa khóa” mở cánh cửa du lịch bị dịch bệnh ngăn chặn nhiều tháng qua. Tuy nhiên, “mở cửa” đồng nghĩa với việc phải đón nhận cả những nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, đòi hỏi năng lực ứng phó và nguồn lực của toàn xã hội. Đối với ngành du lịch thì năng lực ứng phó và nguồn lực càng cấp thiết hơn để “mở cửa” phục hồi du lịch thực sự...
 
Tuân thủ các điều kiện tiêm chủng, xét nghiệm theo quy định, người dân sẽ không bị hạn chế di chuyển
Tuân thủ các điều kiện tiêm chủng, xét nghiệm theo quy định, người dân sẽ không bị hạn chế di chuyển
 
  ĐỒNG HÀNH CÙNG NGÀNH DU LỊCH
 
Hình thức tour du lịch khép kín được các địa phương lựa chọn khi lên kế hoạch tái khởi động du lịch. Cho đến thời điểm này, chưa có địa phương nào đạt mức độ tiêm phủ vắc xin trên 90% để đạt miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, kế hoạch phân bổ vắc xin sẽ đẩy nhanh tốc độ tiêm phủ dân cư tiến tới miễn dịch cộng đồng trong thời gian tới, không còn là sức ép đối với ngành du lịch để phục vụ kế hoạch tái khởi động du lịch. Nhưng, cái khó là tình trạng nhân lực ngành du lịch phân tán do không hoạt động vì dịch bệnh quá lâu; dẫn đến, nhu cầu lớn về đào tạo và đào tạo lại hiện nay. Thêm nữa, nguồn vốn của doanh nghiệp đều cạn kiệt, nên nhiều đề xuất được xem là cấp thiết, cần được ưu tiên hỗ trợ, chính là nguồn tín dụng để khôi phục hoạt động, chi phí trả lương và đào tạo nguồn nhân lực; trong đó, có nhu cầu chậm trả hoặc miễn giảm thuế, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội, tiền điện...
 
Vận tải hành khách được hoạt động dù có điều kiện cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu du lịch của người dân
Vận tải hành khách được hoạt động dù có điều kiện cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu du lịch của người dân
 
Mở cửa đến đâu phải an toàn đến đó, là yêu cầu của lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) và Tổng cục Du lịch. Trước mắt, như yêu cầu của Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt tại Hội nghị Tái khởi động hoạt động du lịch: Ngành Du lịch của các địa phương phải tham mưu với cấp ủy đảng trong việc ban hành các chính sách, nghị quyết về tái phục hồi, kích cầu hoạt động du lịch, để du lịch từng bước thu hút khách du lịch nội địa và tiến tới mở cửa đón khách du lịch quốc tế trong bối cảnh bình thường mới; tham mưu cho chính quyền có sự chỉ đạo nhất quán từ các ngành - các cấp (giao thông, công an...) đến địa phương, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho hoạt động tái khởi động du lịch; chủ động huy động các nguồn lực xã hội, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp để quảng bá du lịch và phục hồi du lịch an toàn.
 
  CẦN CÓ SỰ THỐNG NHẤT VỀ CÁC TIÊU CHÍ TRONG TÌNH HÌNH MỚI TỪ TRUNG ƯƠNG
 
Du lịch là hoạt động dịch chuyển của con người đến các địa phương, vùng miền khác nhau. Do đó, để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh, các tỉnh khi đưa ra lộ trình mở cửa đón khách du lịch theo từng giai đoạn đều có những quy định về Thẻ xanh, Hộ chiếu vắc xin, Bộ tiêu chí an toàn COVID, Cơ chế lưu thông khách du lịch... Lo lắng của các công ty lữ hành hiện nay vừa được Nghị quyết 128 tháo gỡ ban đầu là tạo nên hành lang pháp lý thống nhất trong cả nước, nhất là các quy định sẽ không gây cản trở hoạt động di chuyển của du khách. Hơn nữa, trên bản đồ COVID, Việt Nam đang hiện màu đỏ về tình hình dịch bệnh, nên việc thu hút khách ngoại quốc và mở cửa đường bay thương mại quốc tế sẽ chưa thể thực hiện ngay, tạm thời ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh từ các biến chủng mới.
 
Du khách nên chọn các tour du lịch an toàn theo quy mô gia đình hoặc nhóm bạn. Ảnh: Dalat Dicovery
Du khách nên chọn các tour du lịch an toàn theo quy mô gia đình hoặc nhóm bạn. Ảnh: Dalat Dicovery
 
Bộ VHTT&DL cũng đưa ra các nội dung chủ yếu cho kế hoạch tái khởi động du lịch. Đó là, triển khai các chính sách hỗ trợ nhân lực của ngành du lịch (tiêm vắc xin, đào tạo...); tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá và chuyển đổi số ngành du lịch; tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của các địa phương về chính sách thuế, tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phục hồi du lịch; phát triển đa dạng sản phẩm, đẩy mạnh các biện pháp kích cầu du lịch, vận dụng các chính sách khác giảm giá; phát triển du lịch nội địa, từ nội tỉnh đến ngoại tỉnh và kết nối du lịch giữa các vùng, địa phương, tiến tới mở cửa đón khách quốc tế...; phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương; tham mưu cấp ủy đảng và chính quyền địa phương ban hành các chính sách, nghị quyết về phục hồi du lịch, tái kích cầu hoạt động du lịch, đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch.
 
Trong nửa đầu tháng 10, Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch liên tục tổ chức các cuộc họp quan trọng với các địa phương, doanh nghiệp và các ban, ngành liên quan, nhằm chuẩn bị thực hiện kế hoạch tái khởi động và kích cầu du lịch, kết nối du lịch. Nhiều địa phương có các chương trình quảng bá, đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch, bồi dưỡng nghiệp vụ... Người dân giờ đây cũng được thỏa mãn nhu cầu du lịch khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin được 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID, tuân thủ 5K và ý thức được mối nguy hại từ việc truyền nhiễm virus để tự bảo vệ mình và không làm lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng.
(CÒN NỮA)
 
NHẬT QUÂN