Tấm lòng của một Đại đức

04:11, 13/11/2018

(LĐ online) - Đại đức Thích Đồng Châu, Trụ trì chùa Di Đà, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tâm niệm: "Phụng sự chúng sanh" là "Cúng dường chư Phật".

(LĐ online) - Đại đức Thích Đồng Châu, Trụ trì chùa Di Đà, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tâm niệm: “Phụng sự chúng sanh” là “Cúng dường chư Phật”.
 
Đại đức Thích Đồng Châu, Trụ trì chùa Di Đà
Đại đức Thích Đồng Châu,
Trụ trì chùa Di Đà
Năm 2005, chùa Di Đà được dựng lên trên một khu đất rộng hơn 10 ha. Chùa là nơi tu học, hành trì của đạo tràng Phật tử địa phương. “Thời điểm đó, người dân ở đây đa số là người lao động, trình độ dân trí thấp. Học sinh trong vùng chưa có người tốt nghiệp cấp 3, cao lắm cũng chỉ học hết lớp 9, còn lại cứ đến lớp 5, lớp 6 là nghỉ. Do vậy, khi hoằng pháp, tôi chỉ nói những điều rất đơn giản, liên quan đến đời sống thực tại như làm vườn, ăn ngủ, rẫy nương và điều cốt yếu là hướng dẫn cho người dân biết tội phước, nhân quả”, Đại đức Thích Đồng Châu chia sẻ. 
 
Theo Đại đức Thích Đồng Châu, sở dĩ người dân nơi đây ít chú trọng đến việc học hành của con cái là vì ý thức về tương lai không có, cộng thêm động lực, động cơ cho việc học cũng không. Mà nguyên nhân nằm ở chỗ đời sống quá khó khăn. Thấy được điều đó, Đại đức Thích Đồng Châu khởi một cái tâm là làm sao để người dân có đời sống ấm no, học sinh thì học hành đến nơi đến chốn. Với tâm niệm này, Đại đức Thích Đồng Châu một mặt kêu gọi các nhà hảo tâm, các nhà doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giúp lớp trẻ có cơ hội ăn học, mặt khác động viên người dân tích cực chăm sóc cây trồng nâng cao đời sống. Ngoài ra, Đại đức Thích Đồng Châu còn hỗ trợ người nghèo, người neo đơn các loại nhu yếu phẩm. Cứ đến dịp khai giảng năm học mới, Đại đức Thích Đồng Châu lại xin sách vở, áo quần, xe đạp... giúp học sinh có thêm điều kiện để học tập tốt hơn. Đối với những sinh viên đại học, cao đẳng, Đại đức Thích Đồng Châu kêu gọi Phật tử khắp nơi hỗ trợ học phí, lương thực, thực phẩm giúp các em ăn học đến nơi đến chốn. Từ những hỗ trợ của Đại đức Thích Đồng Châu, nhiều học sinh trong khu vực chùa Di Đà đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học. “Cách đây hơn 10 năm, người dân trồng cà phê bằng cách ra vườn nhổ mấy cây cà phê con rồi dùng xà beng thọc lỗ và chỉ việc cắm cây xuống là xong. Ngày thứ 7, chủ nhật, bà con chủ yếu ở nhà ăn nhậu. Thứ 2, mọi người mới lục tục kéo nhau đi làm mà cũng làm theo kiểu đến đâu hay đến đó. Bây giờ, nhận thức của người dân đã hoàn toàn thay đổi. Bà con không những biết chọn mua cây giống cà phê cho năng suất cao, mà còn săng sái trong công việc, nhiều người dậy từ 5 giờ sáng để đi làm. Nhờ vậy, đời sống của người dân nơi đây dần dần được nâng cao, cả về vật chất lẫn tinh thần”, Đại đức Thích Đồng Châu tâm sự.
 
Nói về Đại đức Thích Đồng Châu, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã Lộc Tân, cho biết: “Cái quý nhất ở Đại đức Thích Đồng Châu là ngoài việc hoằng dương Phật pháp, sư thầy còn tuyên truyền cho bà con bổn đạo chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như cùng với chính quyền địa phương vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất và làm tốt công tác từ thiện nhân đạo, giúp đỡ bà con vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống”. 
 
Ông Nguyễn Văn Tùng cho biết thêm: “Thôn 6, nơi chùa Di Đà tọa lạc, mà Đại đức Thích Đồng Châu là trụ trì có hơn 200 hộ dân; trong đó, có 168 hộ theo đạo Phật. Phần lớn bà con nơi đây là người Mạ. Hiện, có nhiều hộ thu 5 - 7 tấn cà phê/năm. Thậm chí, có hộ thu 10 tấn cà phê/năm. Chỉ tính riêng trong năm 2017, ở thôn 6 có đến 15 ngôi nhà được xây mới. Mỗi căn nhà có kinh phí xây dựng từ 300 - 500 triệu đồng”. 
 
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Bảo Lâm, mỗi năm, Đại đức Thích Đồng Châu vận động và ủng hộ cho các công tác từ thiện nhân đạo tại địa phương 400 - 500 triệu đồng. “Nó nói lên sự đồng hành của Phật giáo đối với Nhà nước, góp một phần nhỏ vào sự ổn định đời sống tinh thần và đời sống vật chất của người dân địa phương và cũng là cách để tôi đáp đền ơn chư tổ, chư Phật”, Đại đức Thích Đồng Châu trao đổi.
 
TRỊNH CHU