"Xứ Đông Dương" - một tài liệu tham khảo rất đáng quý

09:06, 16/06/2016

Báo Lâm Đồng cuối tuần có bài tổng hợp một số ý kiến đánh giá về cuốn sách và tác giả, đặc biệt là trích dẫn một số đoạn hồi ký về vai trò của Paul Doumer trong quá trình phát triển hạ tầng cơ bản ở Việt Nam thời kỳ đầu thế kỷ XX.

[links(right)] “Xứ Đông Dương” là tập Hồi ký của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1897-1902), Tổng thống Pháp (1931-1932) xuất bản lần đầu năm 1905 được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp L’Indochine Frangcaise (Souvenirs), được NXB Thế giới phát hành ra mắt độc giả Việt Nam 3/2016 . Báo Lâm Đồng cuối tuần có bài tổng hợp một số ý kiến đánh giá về cuốn sách và tác giả, đặc biệt là trích dẫn một số đoạn hồi ký về vai trò của Paul Doumer trong quá trình phát triển hạ tầng cơ bản ở Việt Nam thời kỳ đầu thế kỷ XX.
 
Bìa sách “Xứ Đông Dương”           Paul Doumer (1857 - 1932)
Bìa sách “Xứ Đông Dương”                                        Paul Doumer (1857 - 1932)

“XỨ ĐÔNG DƯƠNG” VÀ TOÀN QUYỀN PAUL DOUMER - NHỮNG CẢM NHẬN
 
Theo lời Nhà Xuất bản Thế giới: “Paul Doumer (1857-1932) là một nhân vật để lại dấu ấn khá rõ nét trong lịch sử cận đại Việt Nam dưới thời thực dân Pháp đô hộ. Tuy chỉ làm Toàn quyền Đông Dương 5 năm nhưng ông đã thực hiện nhiều cải cách với chủ trương biến chế độ Bảo hộ Pháp ở Đông Dương thành chế độ “trực trị”, xây dựng chính quyền trung ương tập quyền cao độ nhằm xóa bỏ chủ quyền và nền độc lập của các quốc gia Đông Dương. Ông cũng là viên quan thực dân cai trị đã thực thi chính sách sưu thuế hà khắc để xây dựng hạ tầng cơ sở cho xứ Đông Dương - đặc biệt là cây cầu Long Biên nổi tiếng Hà Nội gắn liền với tên tuổi của ông - nhằm phục vụ cho việc khai thác tài nguyên thiên nhiên thuộc địa, và biến các nước thuộc địa thành một thị trường, tiền đồn cho Pháp ở vùng Viễn Đông… Sau khi trở về Pháp, trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1931, ông được đa số phiếu bầu và trở thành Tổng thống Pháp. Thế nhưng, chưa kịp làm gì trên cương vị người đứng đầu nhà nước thì ngày 16/5/1932, trong khi tham gia Hội chợ sách của các nhà văn cựu chiến binh, ông bị một phần tử quá khích người Nga ám sát bằng hai phát đạn, trở thành vị Tổng thống xấu số trong lịch sử cận đại nước Pháp”. 
 
Đánh giá về cuốn “Xứ Đông Dương”, PGS.TS Dương Văn Quảng - nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, từng là Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Đại sứ Việt Nam tại UNESCO và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ viết: “Cuốn sách được viết dưới con mắt của một Toàn quyền nhằm tự khẳng định rằng mình đã “hoàn thành trọng trách lớn lao… (ở) Đông Dương tốt hơn bất kỳ ai khác” “với niềm tự hào phụng sự nước Pháp”. Hơn nữa con người này có một quyết tâm sắt đá là phải thành công trong việc biến xứ sở này thành tiền đồn của Pháp tại Viễn Đông. Như vậy, lẽ đương nhiên nó chứa đựng nhiều sự kiện, nhiều đánh giá mang nặng tính chủ quan, không trùng khớp với lịch sử mà chúng ta từng biết và không phù hợp với cách nhìn của Việt Nam về cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất tại Đông Dương. Điều đáng lưu ý với bạn đọc là cuốn sách truyền tải rất nhiều thông tin về xứ Đông Dương, nhất là một giai đoạn lịch sử mang tính bước ngoặt về nhận thức trong xã hội Việt Nam lúc đó. Những năm tháng này cùng với những sự kiện diễn ra đậm dấu ấn lịch sử cần được nghiên cứu một cách thấu đáo, khách quan, tránh những thành kiến và phê phán một chiều. Lịch sử vốn là một bộ môn khoa học nghiên cứu, đánh giá những sự kiện đã xảy ra. Lịch sử phải chấp nhận cách nhìn đa chiều sự kiện, thì nó mới là nó và mới hấp dẫn, thúc đẩy thế hệ trẻ tự tìm hiểu và yêu thích lịch sử, nhất là lịch sử nước mình… Cuốn sách đáng đọc nhưng hãy đọc nó theo mối quan tâm, hay tư cách riêng của từng người và với cái nhìn lịch sử. Bạn sẽ bị lôi cuốn bởi cách viết của tác giả; đặc biệt, bạn sẽ được khám phá và tìm thấy nhiều điều mới mẻ mà bạn chưa từng đọc được trước đó về giai đoạn lịch sử này của đất nước Việt Nam”. 
 
Nhà văn - Dịch giả Nguyễn Xuân Khánh cảm nhận: “… Paul Doumer là một tay thực dân chính cống, ông hành động hoàn toàn vì lợi ích của nước Pháp. Nhưng ông là một nhà kinh tế có tài và có tầm nhìn. Chính do vậy, người Pháp có lợi nhưng xứ thuộc địa cũng được hiện đại hóa, Tây phương hóa. Một đất nước theo kiểu Tây phương được công nghiệp hóa, đô thị hóa đã manh nha hình thành… Những cuốn sách lịch sử viết về Việt Nam của người Trung Quốc, người Pháp, người Mỹ… xưa nay không ít. Lẽ dĩ nhiên, là sách của đối phương nên cách nhìn bao giờ cũng đối nghịch với quan điểm của chúng ta. Tuy nhiên, nếu biết so sánh đối chiếu, nếu phê phán có chọn lọc thì đó là một nguồn tài liệu đáng quý, giúp ta nhìn nhận sự việc được khách quan hơn… Do vậy, cuốn “Xứ Đông Dương” của Paul Doumer đối với chúng ta là một tài liệu tham khảo rất đáng quý… Tôi đã đọc cuốn sách này, say mê như đọc một cuốn tiểu thuyết… Nhận xét, từ những năm đầu thế kỷ XX, của vị toàn quyền Đông Dương về người Việt, rằng: “Người An Nam chắc chắn là tộc người ưu trội so với các dân tộc xung quanh… Người An Nam thông minh, cần cù và dũng cảm…” cũng đồng quan điểm với rất nhiều nhận định của thế giới sau này khi đánh giá về năng lực, khả năng học hỏi, lòng quả cảm của người Việt. Chắc chắn nó có phần nào sự vô tư trong đó”. 
 
(còn nữa)
 
PHAN HOÀNG THANH