Danh tài nữ tướng Tây Sơn

08:09, 07/09/2017

Bùi Thị Xuân (chữ Hán: 裴氏春), là nữ tướng thời Tây Sơn. Bà sinh ra và lớn lên trên đất võ nổi tiếng. Không riêng đàn ông trai tráng có tài về nghề binh mà nữ giới Bình Định cũng lắm người hào kiệt. 

Bùi Thị Xuân (chữ Hán: 裴氏春), là nữ tướng thời Tây Sơn. Bà sinh ra và lớn lên trên đất võ nổi tiếng. Không riêng đàn ông trai tráng có tài về nghề binh mà nữ giới Bình Định cũng lắm người hào kiệt. Bởi vậy, mới có câu truyền:
 
“Ai về Bình Định mà coi,
Đàn bà cũng biết cầm roi đi quyền”.
 
Bùi Thị Xuân cũng là một nhân vật hào kiệt như thế. 
 
Không chỉ biết đến là người con gái có nhan sắc, khéo tay và viết chữ đẹp, tương truyền, khi theo học võ với Đô thống Ngô Mạnh, Bùi Thị Xuân cũng nhanh chóng thành thạo, đặc biệt là môn song kiếm. Trần Quang Diệu vì mến tiếng Bùi Thị Xuân mới tìm đến làm quen, sau này lấy làm vợ.
 
Hình tượng Đô đốc Bùi Thị Xuân
Hình tượng Đô đốc Bùi Thị Xuân

Năm Tân Mão (1771), khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra, Bùi Thị Xuân cùng Trần Quang Diệu gia nhập nghĩa quân Tây Sơn. Năm Kỷ Dậu (1789), bà tham gia đánh quân xâm lược nhà Thanh ở trận Ngọc Hồi (Thăng Long). Trần Quang Diệu theo vua Quang Trung đánh đông dẹp bắc, đi đâu cũng đem bà theo. Từ việc quân cơ mưu lược đến việc cầm quyền cai trị, bà đều trổ sức tận tình, giúp chồng lập nhiều công lớn. Trần Quang Diệu đặc biệt yêu quý, mà vua Quang Trung cũng hết lòng tin cậy bà.
 
Giữa lúc nhà Tây Sơn đang từng bước ổn định tình hình trong nước, ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung đột ngột qua đời. Kể từ đấy, Vương triều này bắt đầu suy yếu do vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) còn nhỏ, lại bị cậu ruột là Thái sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền. Trong khi đó, đội quân Nguyễn Ánh nhờ có phương Tây giúp sức, nhân thế đã đem đại quân vượt biển ra đánh úp, chiếm Quy Nhơn. Quy Nhơn vốn là đất căn bản của Tây Sơn, nên vua Cảnh Thịnh vội sai hai danh tiếng bậc nhất là Thiếu phó Trần Quang Diệu và Tư đồ Võ Văn Dũng lập tức đem quân thủy bộ vào dành lại. Trần Quang Diệu mới bảo vợ: “Nay, quân hùng tướng mạnh đã kéo cả vào Quy Nhơn, nếu quân Gia Định (quân của Nguyễn Ánh) vượt biển ra xâm phạm, tất Phú Xuân không tránh khỏi nguy biến. Nàng hãy ở lại kinh thành hộ giá, ngộ khi gặp việc nước, còn có người đỡ đần chúa thượng”.
 
Bùi Thị Xuân khóc mà vâng lời. Trần Quang Diệu liền từ biệt vợ, dẫn quân bộ lên đường, hợp với quân thủy của Võ Văn Dũng tiến vào Quy Nhơn. Quân của Diệu và Dũng vây hãm ráo riết, song bọn Võ Tánh liều mạng thúc quân cố thủ nên đánh liền mấy tháng vẫn không ngã ngũ. Nguyễn Ánh biết đại quân Tây Sơn ở cả Quy Nhơn bèn dốc hết quân thủy và hơn 1.000 chiến thuyền bất ngờ ra đánh lén Phú Xuân. Bùi Thị Xuân cùng với vua Quang Toản và Phò mã Nguyễn Văn Trị ra sức chống cự, nhưng tình thế mỗi lúc một cấp bách. Bà mới tâu vua rằng: Thế giặc quá mạnh. Xin Chúa thượng hãy tạm lui quân ra Bắc Hà. Trước hãy hạ dụ vỗ về quân dân các trấn, chỉnh đốn đội ngũ; sau sẽ gọi đại binh ở Quy Nhơn ra, hai mặt cùng đánh tất lấy lại được thành. Vua nghe theo. Bấy giờ là vào tháng 3, năm Tân Dậu (1801).
 
Năm sau (1802), khi Trần Quang Diệu hạ được thành Quy Nhơn liền kéo quân ra Phú Xuân. Bùi Thị Xuân cũng hộ giá vua Quang Toản thống suất quân thủy bộ và tượng binh bốn trấn ở Bắc Hà và Thanh Nghệ tiến vào cùng đánh. Không ngờ, quân Trần Quang Diệu bị chẹn lại, không qua được đèo Hải Vân. Nguyên từ năm trước, quân Gia Định đã lo xa nên đặt đồn cắm trại rất kiên cố để phòng bị, nay lại liều chết chống giữ. Trần Quang Diệu đành phải đem quân, voi dọn núi mở đường đi sang biên giới Ai Lao, vòng ra Nghệ An hợp với quân nhà vua. Bấy giờ ba vạn quân nhà vua cũng đang bị quân Gia Định đóng tại hai lũy thành Trấn Ninh và Đâu Mâu ở sông Gianh (Quảng Bình cũ) cản lại. Biết đây là chỗ hiểm yếu, lâu nay Nguyễn Ánh đã thúc quân đắp thành cao, đào hào sâu. Lại đặt nhiều đại bác tối tân của người Tây Dương giúp và sắp sẵn gỗ đá trên mặt thành để cự chiến. Bùi Thị Xuân bèn xin lĩnh 5.000 quân tiến lên cổng thành, để quân thủy vòng phía sau đánh tạt lại. 
 
Trong trận chiến này, quân Gia Định bắn súng đại bác từ trên thành cao xuống ầm ầm. Quân Bùi Thị Xuân lấy gỗ ván bện rơm dấp nước làm khiên che, lăn xả vào chân thành bắc thang leo lên. Quân Gia Định vội đổ dầu sôi, tung chất cháy và lăn gỗ đá xuống như mưa khiến quân của Bùi Thị Xuân bị thiệt hại lớn; mấy lần bám lên được mặt thành, sau đều bị đánh lui, người ngựa chết nhiều. Quang Toản lo lắm, ý định rút lui. Bùi Thị Xuân nhất định không rời trận địa, cho người chạy đến can ngăn. Bùi Thị Xuân liền tâu vua: “Nước nhà còn, mất là ở trận này. Bệ hạ chớ vì thấy bất lợi mà ngã lòng. Dẫu chết cũng xin quyết tử chiến”!
 
Bà cưỡi voi đi đầu, thúc quân sĩ tràn lên đánh thành, từ sáng đến trưa vẫn dốc sức chiến đấu, không hề mệt mỏi.
 
Nhờ vào bản lĩnh kiên cường của bà, mà quân sĩ đều dốc sức hăng hái đánh giặc. Người trước ngã người sau vẫn điềm nhiên xông tới, không một ai có ý định đầu hàng. Đến chiều tối, quân trong thành Trấn Ninh, Đâu Mâu đã nao núng. Bất ngờ, tin cánh thủy binh đã bị quân Gia Định đánh tan bay đến, khiến quân Tây Sơn hoang mang tan vỡ. Bùi Thị Xuân ra sức chỉnh đốn, song không lại được. Nguyễn Quang Toản vội chạy rút ra Thăng Long để Bùi Thị Xuân ở lại Nghệ An cản giặc và đợi hợp binh với chồng. Tuy nhiên, vào lúc này quân Gia Định thừa thắng xông lên. Quân ít thế nguy, bà đành chịu sa vào tay giặc cùng với hai người con. Trần Quang Diệu không kịp hồi quân thì cũng bị bắt. Nguyễn Ánh điệu cả hai vợ chồng và hai con về thành Phú Xuân hành hình trả thù.
 
Trút căm giận vào gia đình Bùi Thị Xuân, Nguyễn Ánh đã cho giải hai vợ chồng đến trước mặt kể tội “phản nghịch” rồi bắt quỳ lạy. Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân nhất quyết không chịu lạy giặc. Nguyễn Ánh sai lính lấy hèo đánh vào khuỷu chân, níu tóc, dập đầu xuống đất bắt lạy. Hai vợ chồng nhất quyết không chịu. Nguyễn Ánh uất quá, cho voi dữ ra giày xéo quật chết cả hai con bà cho trông thấy, để ra uy. Lại lôi Trần Quang Diệu ra xẻo từng miếng thịt. Tình cảnh cực kỳ thảm thương tàn bạo hết mức. Cho đến khi bị Nguyễn Ánh giết, bà trước sau vẫn giữ thái độ ung dung, mặt không hề biến sắc. 
 
Theo như tư liệu của một giáo sĩ phương Tây De La Bissachère - người có dịp chứng kiến cuộc hành hình đã miêu tả cái chết lẫm liệt của bà như sau: “Bùi Thị Xuân không hề biến đổi sắc mặt, tiến trước đầu voi một cách bình tĩnh. Mấy tên lính thét la om sòm, bảo bà quỳ xuống, nhưng bà vẫn thản nhiên tiến bước. Voi lùi lại, bọn lính phải lấy giáo nhọn thọc vào đùi voi, con vật mới lấy vòi quật bà tung lên trời…”.
 
Bùi Thị Xuân là một trong những anh hùng đã dựng lên triều đại Tây Sơn và cũng chính bà là người phải chứng kiến những giây phút hết sức bi thảm cuối cùng của triều đại đó. Cuộc đời bà là biểu tượng cho một triều đại vừa oai hùng và đầy bi thương.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
 
1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Ðại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, năm 2004;
2. Bùi Thị Xuân, Danh nhân đất Việt;
3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mệnh chính yếu, Nxb Thuận Hóa, 1994;
4. Hồ sơ H21/15, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
5. Hồ sơ H21/16, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
 
THƠM QUANG