Chuyện núi Sepung xứ Blao (tiếp theo và hết)

09:10, 04/10/2018

Khi thám hiểm vùng giữa ba con sông Dà Rnga, Dà Huoai và Dà Dờng, phái đoàn do điền nông Phó sứ Bình Thuận Nguyễn Thông phái đi hồi cuối thế kỷ XIX, đã đi theo con đường này lên miền núi và từ đó đến bờ sông Dà Dờng. Đầu thế kỷ XX, khi thám hiểm vùng thượng lưu sông Dà Huoai, đoàn của bác sĩ Paul Neiss cũng đã theo đường này đến lưu vực sông Dà Mbri, để theo đó đến vùng đầu nguồn sông Dà Mbri và Dà Rnga.

[links()] Khi thám hiểm vùng giữa ba con sông Dà Rnga, Dà Huoai và Dà Dờng, phái đoàn do điền nông Phó sứ Bình Thuận Nguyễn Thông phái đi hồi cuối thế kỷ XIX, đã đi theo con đường này lên miền núi và từ đó đến bờ sông Dà Dờng. Đầu thế kỷ XX, khi thám hiểm vùng thượng lưu sông Dà Huoai, đoàn của bác sĩ Paul Neiss cũng đã theo đường này đến lưu vực sông Dà Mbri, để theo đó đến vùng đầu nguồn sông Dà Mbri và Dà Rnga.
 
Sông Đại Bình
Sông Đại Bình

Khi người Pháp tìm cách quản lý vùng rừng núi đất Blao xưa, họ dùng đỉnh dãy núi Sepung để phân giới hai tổng thuộc quận Blao. Từ đỉnh núi Sepung về phía bắc thuộc tổng Mạ Blao, từ đỉnh núi Sepung về phía tây và tây nam thuộc tổng Ta La.
 
Trong thời kỳ kháng chiến, núi Sepung là nơi đứng chân của T14 phân ban Tỉnh ủy Lâm Đồng phía nam đường 20, sau đó là căn cứ tiền phương của Thị ủy Bảo Lộc có mật danh T29.
 
Tết Nhâm Dần 1962, tại đầu nguồn Dà Rngào ở sườn phía tây núi Sepung, cách Bảo Lộc không đầy 15 cây số, phân ban T14, lần đầu tiên đã tổ chức ăn tết cho quân dân vùng căn cứ nam Lâm Đồng, với ý nghĩa thay cho ngày hội mừng 9 năm chiến đấu của những cán bộ ở lại chiến khu, mừng cán bộ tập kết mới về và nhân dân căn cứ trung thành với cách mạng. Đây là cuộc gặp mặt của bốn đơn vị công tác mới thành lập ở phía nam Lâm Đồng là Huyện ủy K3 Di Linh, Huyện ủy K4 Dà Huoai, đội công tác T29 và lực lượng vũ trang C3/T14 sau khi Tỉnh ủy Lâm Đồng hình thành ngày 1/2/1962, cùng với trên 200 đồng bào K’Ho ở Tố La, Măn Tố và B’Gia.
 
Có một thời, dãy núi này được gọi là núi Ba Hưng, vì trong thời gian dài, ông Ba Hưng đã chỉ huy bộ đội hoạt động trong vùng, dùng núi Sepung làm căn cứ tiền phương. Đến nay, tên núi Ba Hưng ít người biết, chỉ còn lưu lại trong ký ức của những lão thành cách mạng đã từng chiến đấu ở T29 ngày trước.
 
Trước đây, người Pháp đã dựng một cột xi măng hình tam giác trên một trong các đỉnh núi của ngọn Sepung, cột xi măng được đặt trên chân móng xây bằng đá xanh, cả chân đế cao khoảng 2 m. Trong hồi ký “Ký sự một thời cầm súng” của ông Nguyễn Xuân Du trang 251 cũng có đoạn kể, năm 1962, ông đã dẫn ông Chín Cán là Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng lúc đó, lên căn cứ trên núi Sepung và đã đến chỗ cột xi măng này. Sau 1975, cột xi măng vẫn còn, nhưng khoảng cuối những năm 90 thế kỷ XX, trong làn sóng phá rừng trồng cà phê, người ta đã làm mất dấu tích nó. Nghe nói trên cột xi măng có một hàng chữ Pháp, một hàng chữ quốc ngữ và vài con số, nhưng chẳng ai nhớ những chữ trên đó và các con số là gì, có ý nghĩa gì!
 
Vài suy nghĩ nhỏ về núi Sepung
 
Núi Sepung là tài sản thiên nhiên vô giá của thành phố Bảo Lộc. Ngọn núi nằm sát ngay phố xá Bảo Lộc, mỗi buổi sáng, dải sương trắng bạc che gần hết đỉnh núi, đứng trên Quốc lộ 20, đoạn trước Khách sạn Hồng Thái hoặc ở đỉnh dốc Lê Minh Sanh nhìn xuống thung lũng phía dưới có núi Sepung làm nền mờ ảo trong sương, thì quả là cảnh đẹp không phải thành phố nào cũng có. 
 
Với vị trí cách trung tâm thành phố Bảo Lộc không xa, đường mòn lên núi đã được tiều phu ngày trước và nông dân ngày nay mở sẵn, các đỉnh của núi Sepung có thể trở thành điểm đến của các chuyến du lịch dã ngoại ngắn với một buổi chiều đi qua suối Đá Bàn hay thung lũng Blao S’re để lên núi, một đêm trên đỉnh núi ngắm thành phố Bảo Lộc và cao nguyên Blao lúc hoàng hôn, hay chiêm ngưỡng vẻ tinh khôi của đất trời Blao trong màn sương buổi sớm cùng đón ánh ban mai bừng sáng rực rỡ với một tầm nhìn trải rộng khắp cao nguyên.
 
Điều đáng tiếc là trong những thập niên gần đây, người Bảo Lộc đã làm cho ngọn núi thiêng xinh đẹp thành ngọn núi chỉ còn một ít rừng thứ sinh. Đến nay, cây trà, cà phê đã leo đến đỉnh núi, vài căn nhà tôn đang làm thay đổi theo chiều hướng xấu cảnh quan thiên nhiên của ngọn núi.
 
Mới đây, có một công ty “tổ chức những cuộc du lịch dã ngoại ở Bảo Lộc”, không biết vì cố ý hay vì kém hiểu biết mà mang tên “Thiên Phong Lĩnh” vốn là tên một ngọn núi mãi tận bên Trung Quốc, đặt cho núi Sepung, gây nên sự phẫn nộ cho cư dân Bảo Lộc. Trước đó, một trường đại học, đã đặt cho khu du lịch của trường ở góc sườn phía nam của núi Sepung, thuộc địa phận xã Lộc Thành là “Khu du lịch núi Chúa”, với hàm ý rằng núi Sepung là ngọn núi tên là núi Chúa. Rất may, chỉ một thời gian ngắn, khu du lịch này lặng lẽ biến mất và cái tên núi Chúa cũng chìm vào quên lãng. Trong văn hóa của người Mạ bản địa và người K’Ho lân cận, không có núi Chúa như ở văn hóa Chăm Pa, mà chỉ có núi thiêng, trên ngọn núi thiêng ấy có khu rừng thiêng hàng năm người bản địa đến cúng Yang Bri.
 
Việc biến tên núi có từ xa xưa Sepung của người Mạ thành núi Đại Bình đã là một điều không đúng, vì vô tình, nó xóa đi văn hóa của người bản địa. Lâu dần ngay cả người Mạ rồi cũng sẽ gọi núi Sepung của tổ tiên họ là núi Đại Bình và khi nghe bài Yan Yau đã dẫn ở trên, có người Mạ sẽ hỏi bnom Sepung ở đâu vậy, thì quả là đáng tiếc.
 
Không chừng, với những hành động vì thỏa mãn ý thích nhất thời, vì thiếu hiểu biết, như tùy tiện đổi tên ngọn núi hoặc vì thiếu quản lý, để rẫy cà phê, rẫy trà thay thế rừng nguyên sinh, để nhà tôn, nhà ngói xuất hiện trên núi, phá đi cảnh quan kỳ vỹ không phải nơi nào cũng có, thế hệ chúng ta đã gây tác hại âm thầm mà dai dẳng, gây ảnh hưởng xấu đến ngọn núi thân thương nói riêng và cảnh quan, khí hậu đất Bảo Lộc nói chung mà việc phục hồi lại nguyên trạng vô cùng tốn kém và gần như không thể làm được.
 
Vì vậy, thiết nghĩ không thể tùy tiện trong việc thay đổi tên núi, tên sông vốn có từ trước trên vùng đất mà mỗi địa danh đều là thành quả văn hóa của nhiều thế hệ và trước khi quá muộn, những nhà quản lý nên triệt để ngăn chặn nạn phá rừng, tổ chức trồng lại rừng, để sau vài chục năm nữa, các thế hệ sau lại thấy được ngọn núi xinh đẹp mà cha ông họ đã từng có và để núi Sepung trở lại là nhà máy lọc không khí khổng lồ mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho Bảo Lộc.
 
Ghi chép: NINH THẾ HÙNG