Luật tục bắt chồng qua tư tưởng mẫu hệ của người K'Ho

08:11, 29/11/2018

Núi rừng Tây Nguyên vốn mang trong mình nhiều bí ẩn. Xen giữa núi đồi điệp trùng là những nếp nhà sàn, những cổng trời cao vút. Lưng đèo gió núi, những loài hoa dại chen nhau khoe sắc, những thác nước hùng vĩ... Dừng chân bất chợt nơi vùng thâm cốc, ta mới nếm trọn cái hoang sơ trong trẻo của làng buôn, xa hẳn cái tấp nập ồn ã của phố thị, của đời sống công nghiệp bủa vây từng phút, từng giờ.

Núi rừng Tây Nguyên vốn mang trong mình nhiều bí ẩn. Xen giữa núi đồi điệp trùng là những nếp nhà sàn, những cổng trời cao vút. Lưng đèo gió núi, những loài hoa dại chen nhau khoe sắc, những thác nước hùng vĩ... Dừng chân bất chợt nơi vùng thâm cốc, ta mới nếm trọn cái hoang sơ trong trẻo của làng buôn, xa hẳn cái tấp nập ồn ã của phố thị, của đời sống công nghiệp bủa vây từng phút, từng giờ.
 
Tây Nguyên hiện hữu, là những đôi mắt đen láy trẻ thơ, e dè nép sau vách nứa, khúc khích cười, là những bắp ngô khô vàng ruộm hong giàn bếp, là lúc lỉu những vỏ bầu đựng nước lên rẫy, là ché, là chiêng, là chiếc gùi đầy rau rừng cá suối...
 
Giữa hơi thở đại ngàn, con người cũng hòa mình vào bức tranh kì vĩ ấy, làm nên cái mộc mạc, chân chất mà đậm đà bản sắc của chính dân tộc mình. Cái đời sống “tự cung tự cấp” vốn dĩ có nét quyến rũ đến mê hoặc những bước chân muốn tìm tòi khám phá, muốn đắm mình trong những hội hè tập tục đã trải qua thăng trầm thời gian, từ khởi thủy đến hiện tại...
 
Và, một trong những tập tục còn được truyền giữ, lưu dấu đến tận ngày nay, nó là dáng dấp, là minh chứng đậm nét nhất của chế độ mẫu hệ, chính là tục bắt chồng.
 
Nếu ở Bắc Tây Nguyên, mỗi độ hoa Pơ Lang rực đỏ núi rừng, con gái người dân tộc Jẻ - Triêng lại vào rừng chặt củi hứa hôn, chặt củi “bắt chồng”. Thì, ở Nam Tây Nguyên, tộc người K’Ho - tộc người thiểu số sống lâu đời, cư trú chủ yếu trên các vùng núi cao, cuộc sống tách biệt, lại giữ được luật tục “bắt chồng” lúc nửa đêm. Tư tưởng mẫu hệ in sâu vào suy nghĩ, họ đề cao quyền tự chủ của nữ giới kể cả việc lựa chọn bạn đời, vì vậy, trong tình yêu, hôn nhân, phụ nữ nắm quyền chủ động.
 
Tục bắt chồng của người Tây Nguyên cũng có nét tương đồng với tục cướp vợ của đồng bào miền núi phía Bắc, tuy nhiên, điểm khác biệt là phụ nữ đi bắt chồng chứ không phải đàn ông đi bắt vợ. Nét độc đáo này đã ghi dấu nhiều ấn tượng đẹp về văn hóa Tây Nguyên trong kí ức của du khách du xuân đến Tây Nguyên.
 
Cách đây từ rất lâu, người K’Ho đã chọn vùng đất cao nguyên Lang bian (Lạc Dương) với khí hậu ôn hòa, dịu mát quanh năm làm quê hương xứ sở. Dân tộc K’Ho còn có tên gọi khác là Cơ Ho, Cờ Ho, Kơ Ho... Là dân tộc với tập quán sống du canh du cư nên trong quá trình phát triển đã dần hình thành các nhánh K’Ho địa phương như: K’Ho Srê, K’Ho Lạch, K’Ho Chil, K’Ho Nộp (Tu Nốp), K’Ho Dòn... Người K’Ho nói tiếng K’Ho, ngôn ngữ thuộc ngữ chi Ba Na (Bahnaric), thuộc ngữ hệ Nam Á. Gần đây, người K’Ho mới có chữ viết theo mẫu tự La tinh. Theo truyền thống từ xưa, người K’Ho sinh sống chủ yếu bằng trồng trọt và chăn nuôi, ngoài ra còn săn bắt hái lượm, về sau phát triển thêm nghề thủ công như rèn, đan lát, dệt vải...
 
Theo quan niệm của người K’Ho, phụ nữ có quyền lực và được quý trọng hơn nam giới, phụ nữ là trụ cột trong gia đình và nắm quyền quyết định mọi việc. Tổ chức gia đình người K’Ho theo chế độ mẫu hệ, con cái tính theo dòng họ mẹ, con gái là người thừa kế...
 
Từ tháng giêng đến tháng tư, đó là khoảng thời gian khi mùa vụ đã xong, lúa đã gặt, cà phê đã hái, thiếu nữ K’Ho trong độ tuổi 16-17 lại làm đẹp, chỉnh trang để đi chơi cùng bè bạn trong buôn. Sau vài bận hẹn hò, “ưng bụng” một chàng trai nào đó, người còn gái sẽ về nhà đòi cha mẹ đến nhà người mình yêu đặt vấn đề “bắt chồng”. Một chàng trai có sức khỏe tốt, có nghề nghiệp thường được thách giá rất cao.
 
Các nghi thức cho đám hỏi hoặc đám cưới đều được tiến hành vào ban đêm, khi mặt trời đã xuống núi, bởi người K’Ho quan niệm rằng khi bóng tối bao trùm lên núi đồi, người ta sẽ tránh được các điều tiếng gây bất lợi cho đôi trai gái.
 
Tập tục của người K’Ho, mọi lễ vật cho cuộc hôn phối đều do nhà gái lo liệu từ lễ hỏi cho tới lễ cưới và toàn bộ chi phí cho đám cưới. Tục thách cưới cũng xuất phát từ xa xưa và tồn tại đến ngày nay. Thông thường, khi được người con gái đến dạm hỏi cưới, nếu nhà trai đồng ý họ sẽ đưa ra một mức giá. Bà Cơ Liêng K’Jat xã Lát (huyện Lạc Dương) cho hay: “Bằng trâu, bằng heo gà hiện nay đã hạn chế, không có vàng sẽ đòi bằng tiền từ 30 - 50 triệu, nếu có của hồi môn người ta mới cho lấy chồng, nếu không có, người con gái sẽ chịu thiệt thòi lắm...”. Như vậy, hủ tục thách cưới của buôn làng trên cao nguyên Lang bian vô tình đã kéo theo những hệ lụy, những cô gái nghèo đành ngậm ngùi chịu cảnh sống đơn chiếc, những gia đình nghèo phải gồng gánh nợ nần nếu muốn kiếm tấm chồng cho con gái... Thách cưới của nhà trai đã thành gánh nặng, thành nỗi lo của biết bao cô gái nghèo miền sơn cước.
 
Ngày nay, tục bắt chồng của người thiếu nữ K’Ho ít nhiều đã thay đổi theo thời gian. Tiếp xúc với các luồng văn hóa, hòa nhập, sống hài hòa với các dân tộc khác, trong đó có dân tộc Kinh đã làm nhận thức của người K’Ho đổi thay theo hướng tích cực, họ đã có cái nhìn thoáng hơn về luật tục hôn nhân. 
 
Nếu như trước kia, tục nối dây được xem như một điều bất khả trong hôn nhân của dân tộc K’Ho - nghĩa là khi một trong hai người, vợ hoặc chồng qua đời, người còn sống bắt buộc phải lấy chị/em vợ hoặc anh/em chồng để giữ được dòng máu dòng tộc... Thì ngày nay, hôn nhân đã vượt ra khỏi ranh giới họ hàng, buôn làng, nam nữ được phép kết duyên trên cơ sở tình yêu, được tự do chọn lựa bạn đời... Và từ đó, các nghi thức rườm rà gây bất lợi cho hai bên gia đình đã dần dần được người K’Ho loại bỏ. Đây là sự khởi sắc đáng mừng trong văn hóa tinh thần của người K’Ho, nhất là người phụ nữ.
 
 Ông Cil Ha Tư (cán bộ tư pháp xã Tà Nung, TP Đà Lạt) so sánh: “Nếu như ngày xưa, lễ vật của hồi môn gồm 1 đồng la (chiêng) có trị giá 1-2 con trâu, cườm, tô, choé... thì ngày nay, tập tục thách cưới của nhà trai vẫn duy trì, nhưng tùy theo điều kiện của nhà gái. Của hồi môn có thể cho hẹn khất, nhưng mâm cỗ vẫn phải đàng hoàng...”. 
 
 Xưa và nay, điều dễ nhận thấy nhất là người K’Ho đã không còn gò bó trong luật tục, hình thức có thể thay đổi, nhưng bản sắc cơ bản vẫn được giữ gìn.
 
Ẩn dưới những tán rừng già, dưới chân núi, đời sống sinh hoạt của người đồng bào vẫn thấm đẫm linh khí đất trời, để từ khởi nguyên, đã nối dài đến tận hiện tại với chế độ mẫu hệ - trân trọng người phụ nữ - hồn cốt của gia đình, quyền lực gia đình nằm trong tay người phụ nữ. Đời sống tinh thần, đời sống tâm linh kì bí của từng dân tộc Tây Nguyên vẫn sẽ mãi là câu chuyện dài... Và câu chuyện về tục bắt chồng của thiếu nữ K’Ho trên cao nguyên Lang bian vẫn như những giai thoại sống động hấp dẫn, để già làng kể cho con cháu mai sau bên ánh lửa nhà sàn bập bùng, thơm nồng mùi khói bếp - mùi hoài niệm của năm tháng xa xưa...
 
HỒNG THỦY TIÊN