75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2021) - Kỳ 4

06:01, 01/01/2021

75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2021)...

[links()]
 
2. Thời kỳ 1960 - 1980
 
Trong thời kỳ này, Quốc hội hoạt động theo Hiến pháp 1959 và Luật Tổ chức Quốc hội năm 1960. Đây là thời kỳ Quốc hội hoạt động trong điều kiện miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội làm hậu phương lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam.
 
Hiến pháp 1959 quy định rõ ràng và đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của Quốc hội. Theo đó, Quốc hội có 17 nhiệm vụ, quyền hạn, như: Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm pháp luật; giám sát việc thi hành Hiến pháp; bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; theo đề nghị của Chủ tịch nước quyết định cử Thủ tướng Chính phủ; theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ quyết định cử Phó Thủ tướng và các thành viên khác của Hội đồng Chính phủ; bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; bầu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao...
 
Cơ cấu tổ chức của Quốc hội được quy định trong Hiến pháp 1959 bao gồm Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Dự án pháp luật, Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách và những ủy ban khác mà Quốc hội xét thấy cần thiết để giúp Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội do Quốc hội bầu ra, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký và các ủy viên. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực thi 18 nhiệm vụ, quyền hạn, như: Tuyên bố và chủ trì việc tổng tuyển cử đại biểu Quốc hội; triệu tập Quốc hội; giải thích pháp luật; quyết định việc trưng cầu ý kiến Nhân dân...
 
Trong thời kỳ này, Quốc hội đã có 5 khóa hoạt động:
 
- Quốc hội khóa II (1960 - 1964) được bầu ngày 8/5/1960; tổng số có 453 đại biểu, trong đó có 91 đại biểu miền Nam lưu nhiệm theo Nghị quyết của kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I. Đây là nhiệm kỳ đầu tiên nhà nước và Nhân dân đi vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân theo đường lối chiến lược do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III đề ra. Nhiệm kỳ Quốc hội là 4 năm và Quốc hội đã có 8 kỳ họp, thông qua 6 đạo luật quan trọng về tổ chức của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 9 pháp lệnh. Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã phát huy vai trò quan trọng của mình trong việc động viên sức người, sức của để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Quốc hội đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), thông qua Cương lĩnh hành động của toàn dân nhằm thực hiện nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa và bước đầu xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; thông qua kế hoạch hằng năm, xét duyệt và phê chuẩn dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước; phê chuẩn việc thành lập các tổ chức và cơ quan nhà nước; bổ nhiệm cán bộ cấp cao của Nhà nước; phê chuẩn việc khen thưởng và đã tích cực giải quyết các đơn thư khiếu tố của Nhân dân, ân xá những phạm nhân cải tạo tốt.
 
- Quốc hội khóa III (1964 - 1971) được bầu ngày 26/4/1964; tổng số có 453 đại biểu, trong đó có 87 đại biểu Quốc hội khóa I thuộc các tỉnh miền Nam được lưu nhiệm. Quốc hội khóa III hoạt động trong thời kỳ chiến tranh, nên nhiệm kỳ của Quốc hội kéo dài trong 7 năm, với 7 kỳ họp; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp 95 phiên, thông qua nhiều nghị quyết về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại, về tổ chức hành chính, về nhân sự phục vụ sự nghiệp xây dựng miền Bắc, phục vụ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân. Lúc này, mọi yêu cầu nhiệm vụ về quân sự, kinh tế, chính trị... đòi hỏi phải được giải quyết kịp thời. Tại phiên họp ngày 10/4/1965, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thêm một số quyền hạn trong trường hợp Quốc hội không có điều kiện thuận tiện để họp. Theo đó, những chủ trương, chính sách, nhiệm vụ công tác lớn về chống Mỹ, cứu nước, về chính sách kinh tế thời chiến, về đối ngoại đều được Chính phủ kịp thời báo cáo với Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn nhanh chóng, là điều kiện quan trọng bảo đảm động viên kịp thời những yêu cầu của chiến tranh. 
 
- Quốc hội khóa IV (1971 - 1975) được bầu ngày 11/4/1971; tổng số có 420 đại biểu. Trong 4 năm hoạt động, Quốc hội khóa IV họp 5 kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp 53 phiên và đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu của các kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế; phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm, góp phần quan trọng vào việc củng cố và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sức mạnh để đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1973). Hoạt động của Quốc hội đã góp phần quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta đánh đổ chế độ thực dân mới ở miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước.
 
- Quốc hội khóa V (1975 - 1976) được bầu ngày 6/4/1975; tổng số có 424 đại biểu. Quốc hội khóa V ra đời trong bối cảnh miền Nam vừa mới giải phóng (30/4/1975) và hoạt động chưa đầy 2 năm, nên Quốc hội chỉ họp 2 kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp 10 phiên, nhưng đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã góp phần quan trọng trong việc thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Theo đó, trên cơ sở sự nhất trí giữa Quốc hội và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với các cơ quan có trách nhiệm ở miền Nam, ngày 27/10/1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên đặc biệt để thảo luận, thông qua đề án thực hiện thống nhất nước nhà về mặt nhà nước, cử đoàn đại biểu miền Bắc tham dự Hội nghị hiệp thương với đoàn đại biểu miền Nam. Tại Hội nghị hiệp thương, các đại biểu của đoàn miền Bắc và đại biểu của đoàn miền Nam đã khẳng định “cần hoàn thành thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là sự thống nhất trọn vẹn vững chắc nhất”. Tại kỳ họp thứ hai (tháng 12/1975), Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết phê chuẩn kết quả Hội nghị hiệp thương mở ra thời kỳ phát triển mới của nước Việt Nam thống nhất. 
 
- Quốc hội khóa VI (1976 - 1981) được bầu ngày 25/4/1976 là Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất; tổng số có 492 đại biểu. Kết quả của cuộc tổng tuyển cử là một thắng lợi có ý nghĩa quyết định đưa cách mạng Việt Nam chính thức bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Để thể hiện tính liên tục của Nhà nước qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, Quốc hội đã quy định Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất là Quốc hội khóa VI. Quốc hội quyết định đổi tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; quy định Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca; chính thức đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh; quy định Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất là Hà Nội. Đồng thời, Quốc hội đã ra Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trong nhiệm kỳ 5 năm, Quốc hội đã họp 7 kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 7 (tháng 12/1980), Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp mới của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - Hiến pháp 1980. Đây là bản Hiến pháp thứ ba được Quốc hội thông qua để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
 
(CÒN NỮA)
 
THEO BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG