Kỷ niệm 80 năm ngày Bác Hồ về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28/1/1941 - 28/1/2021)

04:01, 28/01/2021

Kỷ niệm 80 năm ngày Bác Hồ về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28/1/1941 - 28/1/2021) - kỳ 1

Những hoạt động chính của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tại Cao Bằng
 
Ngày 28/1/1941 (tức ngày mùng hai tết Tân Tỵ), Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua mốc 108 (nay là cột mốc 675) biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đồng bào Pác Bó - Nhân dân các dân tộc Cao Bằng vinh dự, tự hào thay mặt Nhân dân cả nước đón Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
 
Nguyễn Ái Quốc về nước và chọn Cao Bằng là một sự tính toán kỹ lưỡng liên quan tới triển vọng của phong trào cách mạng cả nước. Với tầm nhìn chiến lược của một vị Lãnh tụ thiên tài, Người đã phát hiện Cao Bằng là nơi hội tụ đủ cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng căn cứ địa cách mạng của cả nước.
 
Với nhận định đánh giá và sự lựa chọn thiên tài của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Pác Bó - Hà Quảng - Cao Bằng đã trở thành “đại bản doanh” của căn cứ Việt Bắc, trở thành “cội nguồn”, “chiếc nôi của cách mạng Việt Nam”. Những tư tưởng chỉ đạo cách mạng của Người được đưa vào thực tế một cách nhanh chóng và linh hoạt, từng bước đưa cách mạng cả nước tới thắng lợi mà đỉnh cao là thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam).
 
Với danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản, từ ngày 10 - 19/5/1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tại lán Khuổi Nặm (Pác Bó, Hà Quảng). Tham dự Hội nghị có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Bùi San, Hồ Xuân Lưu...
 
Xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết của cách mạng Đông Dương, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 đã đưa ra những quyết sách quan trọng, trước hết là chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, tập trung giải quyết một cách đúng đắn, khoa học nhất mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp.
 
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 có ý nghĩa to lớn trong tiến trình hoạch định đường lối và quá trình thực hiện cuộc vận động khởi nghĩa vũ trang; bổ sung và hoàn chỉnh “Chính sách mới của Đảng” được nêu ra từ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11/1939, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Sự thay đổi căn bản nhận thức về nhiệm vụ hiện thời của cách mạng Đông Dương chính là nền tảng để Đảng đặt ra những quyết sách lớn nhằm đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng yêu nước trong Mặt trận Việt Minh, xây dựng lực lượng quần chúng cách mạng ở cả nông thôn và thành thị, xây dựng căn cứ địa cách mạng và lực lượng vũ trang, tích cực chuẩn bị lực lượng đón thời cơ khởi nghĩa.
 
Ngay sau khi về nước, tại Pác Bó, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo công tác thí điểm xây dựng Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp đông đảo các tầng lớp Nhân dân vào hàng ngũ các đoàn thể cứu quốc; đồng thời kiểm nghiệm, bổ sung, hoàn thiện về chính cương, điều lệ, phương pháp tổ chức của Mặt trận Việt Minh trước khi mở rộng việc xây dựng ra cả nước. Dưới sự chỉ đạo của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, công tác thí điểm Mặt trận Việt Minh được nhanh chóng triển khai ở ba châu: Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình. Chỉ trong vòng 3 tháng, từ tháng 2 - 4/1941, phong trào Việt Minh đã thu hút tới 2.000 người thuộc đủ các thành phần dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông...; đủ các lứa tuổi, đủ các giới tham gia các đoàn thể: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc... Trước sự lớn mạnh của các đoàn thể cứu quốc ở ba châu thí điểm, theo chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tháng 4/1941, Hội nghị cán bộ Cao Bằng tổ chức rút kinh nghiệm về tổ chức Mặt trận Việt Minh. Trên cơ sở của những kinh nghiệm này, ngày 19/5/1941, theo sáng kiến của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh, lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của Việt Minh và sẽ làm cờ Tổ quốc khi thành lập nước.
 
Mặt trận Việt Minh chính thức ra đời với Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ cụ thể, nêu rõ những chính sách cơ bản về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, ngoại giao và các chính sách cụ thể đối với các tầng lớp nhân dân nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, “cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước: 1. Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; 2. Làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do”.
 
Thông qua Mặt trận Việt Minh, những chủ trương lãnh đạo của Đảng đã nhanh chóng đi vào phong trào quần chúng. Đảng ta đã xây dựng được một khối lực lượng chính trị quần chúng mạnh mẽ, được rèn luyện qua những phong trào cách mạng. Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh là kết quả của đường lối chính trị đúng đắn của Đảng với tư tưởng cách mạng khoa học, sáng tạo của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Mặt trận Việt Minh đã lôi cuốn, tập hợp quần chúng cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần quyết định vào sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
 
(CÒN NỮA)
 
TS (Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Cao Bằng)