Hội thảo “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng”

QUỲNH UYỂN 15:19, 13/05/2023

(LĐ online) - Kỷ niệm 10 năm ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam (18/5/2013 – 18/5/2023), Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã phối hợp với Trường Đại học Đà Lạt tổ chức “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng” nhằm tổng kết và định hướng phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. 

Toàn cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo có TS Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, Trường Đại học Đà Lạt, các viện nghiên cứu và các trường Đại học trong nước, lãnh đạo các huyện, thành trong tỉnh, các doanh nghiệp khoa học công nghệ, cùng các nhà khoa học. 
Cách đây 60 năm, ngày 18/5/1963 tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ I Hội nghị Phổ biến khoa học kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Khoa học phải gắn với thực tiễn, từ thực tiễn và quay trở lại phục vụ chính thực tiễn; phải đáp ứng nhu cầu của sản xuất, phục vụ sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động và nâng cao đời sống vật chất của nhân dân”. Đây là luận điểm vô cùng quan trọng tổng kết về khoa học công nghệ, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Đến ngày 18/5/2013, tại kỳ họp cuối thứ 5 Quốc hội khóa XIII, Luật khoa học và công nghệ được thông qua và lấy ngày 18/5 hàng năm là ngày qua học Công nghệ Việt Nam, nhằm tôn vinh những người làm khoa học, giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Đồng thời ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam còn là dịp để nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, vì một Việt Nam phát triển thịnh vượng và bền vững.

Các doanh nghiệp trưng bày bên lề hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Lê Minh Chiến – Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt cho biết: Những năm qua trường Đại học Đà Lạt luôn thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, từ đó không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ. Số lượng các nhà khoa học không ngừng tăng lên, từ khoảng 40 người có trình độ tiến sĩ năm 2010, đến nay đã gần 130 người có trình độ Tiến sĩ trở lên; trong đó có một giáo sư 16 phó giáo sư và 120 tiến sĩ, tương đương với 40% tổng giảng viên của trường. Trong 5 năm trở lại đây, các nhà khoa học của trường Đại học Đà Lạt đã có nhiều xuất bản trên các tạp chí trong nước và quốc tế. Nhà trường luôn nằm trong top 25/100 trường đại học được Bộ GD-ĐT khen thưởng. Nhà trường cũng luôn được sự quan tâm của Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng cùng nhiều đối tác thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao kết góp phần vào sự phát triển của địa phương và của đất nước.
Hội thảo khoa học với mục đích kỷ niệm 10 năm ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam góp phần thiết thực phục vụ mục tiêu phát kinh tế, xã hội; là dịp để tôn vinh các nhà khoa học, các nhà quản lý khoa học công nghệ, góp phần đánh giá định hướng hiệu quả ứng dụng của khoa học công nghệ vào phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao. 
Hội thảo đã nhận được 33 tham luận của các nhà khoa học trong cả nước đi sâu vào 4 chủ đề chính: Giống cây trổng, bảo vệ thực vật, môi trường trong nông nghiệp; Quy trình, mô hình ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; Ứng dụng công nghệ BigData, AI, IoT, Blockchain trong nông nghiệp; kinh tế tuần hoàn, sở hữu trí tuệ, chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. 
Nhiều tham luận có hàm lượng khoa học cao, có giá trị thực tiễn đi vào nhiều vấn đề cụ thể như: Ứng dụng khoa học và công nghệ chọn tạo giống cây trồng (GS.TS.Dương Tấn Nhựt); Ứng dụng KHCN trong phát triển cá nước lạnh (TS.Phan Đinh Phúc); Ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển hệ thống nông nghiệp (TS.Nguyễn Thị Lương); Kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp (PGS.TS.Nguyễn Tấn Vịnh); Tuyến trùng sần rễ trên cây trồng và định hướng phòng chống ở Lâm Đồng (TS Trịnh Quang Pháp); Mô hình nhân nuôi và sử dụng thiên địch  tại Công ty Đà Lạt Hasfarm; Định hướng nghiên cứu và phát triển cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (TS Nguyễn Văn Bình)…
Bên cạnh đó, các nhà khoa học nhà quản lý lãnh đạo, các doanh nghiệp, doanh nhân đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm ý tưởng giải pháp cho sự phát triển nhanh bền vững của tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt nói riêng.
Phát biểu tại Hội thảo, TS Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định những đóng góp của khoa học công nghệ và đội ngũ các nhà khoa học tạo nên bước đột phá lớn trong ngành nông nghiệp của tỉnh. Ông nhấn mạnh: Lâm Đồng là tỉnh tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao từ rất sớm, cách đây 19 năm. Song song với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Lâm Đồng tiến hành nông nghiệp thông minh và là tỉnh tiên phong phát triển nông nghiệp hữu cơ, qua đó đạt rất nhiều thành tựu. Những thành tựu đó tác động mạnh mẽ của khoa học công nghệ và sự đóng góp rất lớn của đội ngũ các nhà khoa học. Nhờ vậy, Lâm Đồng đạt doanh thu bình quân trên một diện tích đất nông nghiệp cao nhất cả nước; tỷ số năng suất các yếu tố tổng hợp của Lâm Đồng cũng nằm trong top cao nhất nước.  Tuy phát triển nguồn nguyên liệu nông sản rất tốt, nhưng đầu ra và công nghệ chế biết còn hạn chế; còn rất cần những nghiên cứu về giống, về quy trình canh tác chuyển đổi số, về chế biến bảo quản nông sản sau thu hoạch. Trước yêu cầu thực tiễn đặt ra với 3 xu hướng tất yếu về dân số, biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, trong thời gian tới khoa học công nghệ cũng đặt ra những vấn đề cần tiếp cận.
Trong 6 tiềm năng của Tây Nguyên thì nông nghiệp là một lợi thế rất lớn. Trong các lợi thế so sánh thì Lâm Đồng là địa phương có nhiều nông sản tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhất cả nước với đa dạng các loại nông sản như lúa, chè, cà phê, cây ăn trái (sầu riêng, bơ 034), dâu tằm chiếm tỉ lệ 73% toàn quốc, cà phê diện tích lớn thứ hai nhưng năng suất đứng đầu cả nước (vượt Đăk Lăk) và rất nhiều loại cây dược liệu. Cần nghiên cứu về 2 lĩnh vực rau và hoa, chủ động nghiên cứu về giống, từng bước thoát khỏi sự lệ thuộc vào giống ngoại nhập; đi sâu nghiên cứu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ; cần tập trung nghiên cứu những cái mới mà thế giới đang quan tâm như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp tái sinh; nghiên cứu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển du lịch, tạo ra nông nghiệp có giá trị cao và đa chức năng như du lịch canh nông. Nghiên cứu đột phá về chuyển giao, biến nghiên cứu thành thương mại, hình thành các doanh nghiệp cứu khoa học công nghệ ngay trong các viện nghiên cứu, trường đại học. Duy trì khẳng định vị trí là trung tâm về nhân giống invitro với 70 triệu cây giống/năm.
Thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ ban hành rất nhiều đề án, nghị quyết đặc biệt là phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; từ nay đến năm 2030 phát triển lâm nghiệp theo hướng kinh tế rừng với mục tiêu phục hồi 2000 ha rừng, trồng mới 1.000 ha rừng. Cần nghiên cứu tập trung các nguồn gen bản địa để phát triển cây lâm nghiệp;  trong tự nhiên đã có rồi bây giờ các nhà khoa học cần nghiên cứu phương pháp nhân giống. Với lợi thế các phòng thí nghiệm của viện nghiên cứu hạt nhân, bên cạnh nhân giống bằng công nghệ sinh, rất mong có những giống mới từ phương pháp chọn, tạo giống, nhân thông qua đột biến chiếu xạ, đột biến hóa học nhằm tạo chọn giống tối ưu phục vụ sự phát triển.