Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên: Nỗ lực đóng góp bảo tồn đa dạng sinh học

QUỲNH UYỂN 00:16, 19/05/2023

Trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đóng chân trên địa bàn TP Đà Lạt, thời gian qua, đội ngũ các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên đã nỗ lực dành tâm huyết đóng góp cho sự phát triển khoa học cơ bản của đất nước và tạo ra một số tiền đề cho ứng dụng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Lâm Đồng.

Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên nghiên cứu chọn, phục tráng giống atiso - một loài dược liệu quý của Đà Lạt - Lâm Đồng
Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên nghiên cứu chọn, phục tráng giống atiso - một loài dược liệu quý của Đà Lạt - Lâm Đồng

Viện đã tập trung nghiên cứu cơ bản một số lĩnh vực khoa học sự sống, hóa học như: nghiên cứu và phát triển công nghệ gen, tế bào, vi sinh; nghiên cứu dược liệu trong tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên; nghiên cứu quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; ứng dụng hiệu quả vào các lĩnh vực nông nghiệp, dược, công nghiệp chế biến. Chỉ trong thời gian gần đây, Viện chủ trì thực hiện trên 20 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học các cấp; trong đó nhiều đề tài liên quan trực tiếp đến Lâm Đồng, có khả năng ứng dụng cao, có thể chuyển giao nhân rộng ở địa phương.

Có thể kể đến kết quả đề tài cấp nhà nước “Điều tra họ lan tại Tây Nguyên, nghiên cứu các cơ sở khoa học để bảo tồn, phát triển, sử dụng có hiệu quả và bền vững”, Viện đã đánh giá đầy đủ, có hệ thống hiện trạng đa dạng sinh học của họ lan tại Tây Nguyên, xác định được 310 loài thuộc 105 chi, trong đó có 115 loài lan đặc hữu và quý hiếm. Phát hiện và mô tả mới cho khoa học 2 chi và 8 loài lan. Đề xuất các giải pháp khả thi nhằm bảo tồn nguyên vị và chuyển vị các loài họ lan, đặc biệt là các loài quý hiếm, đặc hữu, đã và đang bị đe dọa tại Tây Nguyên.

Đề tài “Nghiên cứu phát triển, sử dụng và bảo tồn bền vững 5 loài lan đặc hữu, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao phục vụ phát triển kinh tế, xã hội tại Lâm Đồng - Tây Nguyên” được thực hiện từ năm 2018-2021. Qua đề tài cho thấy, tiềm năng phát triển của các loài lan ở Lâm Đồng và ở Tây Nguyên không chỉ phục vụ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học mà còn hướng đến tạo ra các sản phẩm hoa thương phẩm phục vụ cho nhu cầu thưởng lãm cái đẹp của xã hội.

Quan tâm nghiên cứu về các loài dược liệu, cây thuốc, Viện thực hiện đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển một số loài dược liệu chủ lực của Tây Nguyên, tạo ra một số sản phẩm có giá trị cao từ một vài loài dược liệu chủ lực bản địa quý hiếm của Tây Nguyên”. Viện đã tiến hành nghiên cứu 9 loài dược liệu chọn lọc như atiso, đẳng sâm, đương quy, sâm cau, đinh lăng, sa nhân tím, xoan nhừ, cuồng hiệp... Qua đó, xác định được 80 hợp chất, trong đó có 9 hợp chất mới; đồng thời, xây dựng được một số phương pháp phân tích để định tính, định lượng thành phần của các hợp chất trong dược liệu, hướng đến kiểm soát chất lượng dược liệu khi sản xuất ở quy mô lớn. Viện đã triển khai 5 mô hình trồng dược liệu ở Tây Nguyên với 5 loài dược liệu atiso, đẳng sâm, đương quy Nhật Bản, sâm cau, đinh lăng, quy mô 2-3 ha/loài, trong đó 4 mô hình được trồng ở Lâm Đồng. Đã liên kết với doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm 4 thực phẩm chức năng dạng viên nang mềm phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng từ nguyên liệu thu được tại các mô hình. Qua đó, đề xuất một số giải pháp nhằm bảo tồn và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn gen dược liệu của vùng Tây Nguyên; xây dựng các phương pháp nhân giống, trồng trọt đối với 2 loài lan gấm và tam thất.

Kết quả điều tra của Viện cũng cho thấy nguồn tài nguyên cây thuốc và cây có khả năng làm thuốc ở Lâm Đồng khá đa dạng và phong phú về thành phần loài. Với danh mục đã xây dựng cùng với bộ tiêu bản của 1.003 loài thực vật là cơ sở dữ liệu quan trọng cho các nghiên cứu về sau.

Nghiên cứu một cách hệ thống về nhân giống cây trồng, trong thời gian qua, Viện đã triển khai nhiều đề tài, dự án về các kỹ thuật nhân giống sử dụng hạt nano kim loại lên khả năng tái sinh, sinh trưởng, phát triển và tích lũy hoạt chất trong quá trình nhân giống vô tính một số cây trồng có giá trị kinh tế cao ở Việt Nam; nghiên cứu một số kỹ thuật mới trong vi nhân giống và chọn tạo giống lan hài; nghiên cứu kỹ thuật mới trong nhân giống, ra hoa và tạo quả của cây chanh dây nuôi cấy in-vitro; nghiên cứu tuyển chọn bộ giống atiso chất lượng cao tại Lâm Đồng; xây dựng các quy trình nhân giống và nuôi trồng lan gấm... Các kết quả cho thấy, đến nay, Viện hoàn toàn làm chủ được các công nghệ nhân giống và có thể cung cấp cây giống cho nông dân với số lượng lớn.

TS. Nguyễn Hữu Toàn Phan - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên cho biết, trong thời gian tới, Viện tập trung một số định hướng: Điều tra, bảo tồn và phát triển nguồn gen quý, có giá trị kinh tế phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của Lâm Đồng; phát triển nguồn giống có chất lượng cao thông qua các công nghệ nhân giống, phục tráng, nhập nội, di thực, thuần hóa và chọn, tạo các giống mới có năng suất và chất lượng cao phù hợp với sinh thái của Lâm Đồng và Tây Nguyên. Nghiên cứu sâu về thành phần hóa học, dược tính của các loài dược liệu có hoạt tính cao, các loài đặc hữu của Lâm Đồng. Trong đó, tập trung nghiên cứu phát triển một số thuốc từ dược liệu có tác dụng phòng, chống ung thư, thuốc điều trị tim mạch, tiểu đường. Chuyển giao, thực hiện các kết quả nghiên cứu ra thực tiễn nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm mới, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Cụ thể, Viện sẽ đề xuất thực hiện một số nhiệm vụ khoa học - công nghệ phục vụ phát triển Lâm Đồng bền vững như: Nghiên cứu, đánh giá tác động của hệ thống canh tác nhà kính, nhà lồng trong sản xuất nông nghiệp đến môi trường sinh thái TP Đà Lạt; đề xuất giải pháp khai thác hợp lý phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển đô thị thông minh; điều tra, đánh giá ô nhiễm đất khu vực trồng rau ở Đà Lạt; nghiên cứu phát triển và thiết kế các mô hình du lịch Lâm Đồng...