Khoa học và công nghệ với sự phát triển kinh tế - xã hội Lâm Đồng

08:05, 18/05/2015

Cùng với sự nỗ lực chung của các cấp, các ngành trong tỉnh, hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) tại Lâm Đồng đã không ngừng phát triển và đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Cùng với sự nỗ lực chung của các cấp, các ngành trong tỉnh, hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) tại Lâm Đồng đã không ngừng phát triển và đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
 
Ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng được hình thành từ năm 1979 theo Quyết định số 06/TC - UB của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng thành lập Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng. Sau nhiều lần đổi tên, từ năm 2004 đến nay là Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng. Với vai trò quản lý nhà nước về KHCN tỉnh, từ khi thành lập đến nay, Sở KHCN Lâm Đồng đã kiện toàn hệ thống quản lý KHCN; tham mưu giúp UBND tỉnh trong việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về KHCN phù hợp với điều kiện địa phương; không ngừng cải tiến, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KHCN, tổ chức nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu KHCN; tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng; sở hữu trí tuệ; quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân. 
 
Nhờ ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, các sản phẩm đặc trưng của Lâm Đồng đã tạo được tính cạnh tranh cao. (Ảnh: Du khách tham quan mô hình trồng hoa công nghệ cao tại Festival hoa Đà Lạt năm 2014)
Nhờ ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, các sản phẩm đặc trưng của Lâm Đồng đã tạo được tính cạnh tranh cao. (Trong ảnh: Du khách tham quan mô hình trồng hoa công nghệ cao tại Festival hoa
Đà Lạt năm 2014)

Từ những năm 80 của thế kỷ trước, hoạt động KHCN Lâm Đồng bắt đầu được kế hoạch hóa. Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý công tác sáng kiến, sáng chế, tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, thông tin khoa học kỹ thuật (KHKT) đã hình thành các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất. Khoảng 50% đề tài nghiên cứu đã được tập trung cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng và cải tiến các quy trình sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, một số nội dung điều tra cơ bản về tài nguyên. Ngoài ra còn có những đề tài tiên phong ứng dụng KHKT hạt nhân. Kết quả của những đề tài nghiên cứu về kinh tế, văn hóa, xã hội trong giai đoạn này là cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với Chương trình Tây Nguyên I và II của Trung ương. Các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực nông - lâm - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khoáng sản đã được áp dụng nhiều hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong thời kỳ đổi mới của đất nước (1989 - 1999), hoạt động KHCN tập trung để giải quyết những vấn đề có tính chiến lược, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở từng giai đoạn, hướng các hoạt động KHCN vào sản xuất - kinh doanh gắn với việc bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Từ năm 1999 - 2009, hoạt động KHCN được cụ thể hóa bởi 11 chương trình KHCN trọng điểm của tỉnh. Nhiều kết quả nghiên cứu được áp dụng vào sản xuất và đời sống, làm luận cứ khoa học góp phần giải quyết một số vấn đề thực tiễn kinh tế - xã hội địa phương. Giai đoạn từ năm 2009 đến nay, số lượng các đề tài, nhiệm vụ ngày càng tăng, chất lượng được nâng cao, đáp ứng và bám sát yêu cầu thực tiễn sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội, việc xã hội hóa đầu tư cho KHCN khá rộng rãi, mở rộng quan hệ hợp tác KHCN với trên 60 đối tác trong và ngoài nước. 
 
Hiện nay, hoạt động KHCN đã lan tỏa và phát triển đến 12 huyện, thành phố trong tỉnh, thể hiện từng bước đồng bộ với 130 điểm thông tin KHCN, góp phần đưa tiến bộ KHKT đến người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. KHCN Lâm Đồng đã tạo sức lôi cuốn xã hội hóa, sáng tạo của quần chúng ngày càng sâu rộng, thiết thực. Từ những nghiên cứu công phu cơ bản của các thế hệ nhà khoa học trong và ngoài tỉnh, trong nước và quốc tế đến các cơ quan chuyên môn đã được gắn kết, chuyển hóa vào sự sáng tạo của nhà nông, của doanh nghiệp, học sinh - sinh viên… Những kết quả đó đã đóng góp tích cực vào sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên nhiều sản phẩm đặc thù của Đà Lạt - Lâm Đồng có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
 
VIỆT HÙNG