Hội thảo khoa học chuyên đề cây thông đỏ và dược liệu

08:12, 08/12/2015

(LĐ online) - Ngày 7/12, Hội Dược liệu Lâm Đồng phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt tổ chức Hội thảo khoa học chuyên đề cây thông đỏ và dược liệu. Đây là lần thứ 3 Hội Dược liệu Lâm Đồng tổ chức Hội thảo khoa học trong vòng 10 năm thành lập Hội. 

(LĐ online) - Ngày 7/12, Hội Dược liệu Lâm Đồng phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt tổ chức Hội thảo khoa học chuyên đề cây thông đỏ và dược liệu. Đây là lần thứ 3 Hội Dược liệu Lâm Đồng tổ chức Hội thảo khoa học trong vòng 10 năm thành lập Hội. 
 
Phát biểu khai mạc, DSCK II - Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thọ Biên - Chủ tịch Hội Dược liệu Lâm Đồng nhấn mạnh: tỉnh Lâm Đồng có nguồn dược liệu phong phú. Theo Danh lục Tài nguyên Dược liệu Lâm Đồng năm 2012 thì tỉnh có 1.664 loài thực vật làm thuốc, trong đó có nhiều cây thuốc đặc trưng và có những cây thuốc chỉ có ở Lâm Đồng. Vì vậy, trong những năm qua, nhiều đơn vị của Trung ương và địa phương đã rất quan tâm đến công tác dược liệu và có nhiều công trình, đề tài nghiên cứu khoa học về dược liệu. 
 
Hội thảo công bố 9 báo cáo khoa học của 6 hội viên Hội Dược liệu và 3 nhà khoa học của Trường Đại học Đà Lạt, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Cả nước có 2 loài thông đỏ, riêng cây thông đỏ lá dài ở Việt Nam chỉ có ở Lâm Đồng. Thời gian vừa qua đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp tỉnh thực hiện và cũng có những luận án tiến sĩ nghiên cứu về cây thông đỏ và dược liệu Lâm Đồng. 
 
Một  số nghiên cứu công bố được giới khoa học ngành dược liệu quan tâm như: “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây thông đỏ tạo vùng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp dược”, “Hoàn thiện quy trình công nghệ chiết và tách 10 - DAB và Paclitaxel tự nhiên bằng kỹ thuật CO2 siêu tới hạn” (TS Vương Chí Hùng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt); “Bán tổng hợp Paclitaxel từ 10 - deacetyl baccatin III trích từ cây thông đỏ Lâm Đồng” (PGS-TS Trần Công Luận - Nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu Tp.HCM); Giới thiệu Danh lục Tài nguyên Dược liệu Lâm Đồng (DSCK II Nguyễn Thọ Biên - Chủ tịch Hội Dược liệu Lâm Đồng); Một số cây dược liệu có khả năng phát triển ở Lâm Đồng (TS Nguyễn Thành Mến - Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung bộ và Tây Nguyên); Một số kết quả nghiên cứu về thành phần hóa học của dược liệu Lâm Đồng (TS Nguyễn Hữu Toàn Phan - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên); Chương trình nghiên cứu dược liệu tại Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà (Thạc sĩ Tôn Thất Minh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà); Công tác bảo tồn cây thuốc tại Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt (Cử nhân Lê Xuân Tùng - Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt).
 
DIỆU HIỀN