Trình độ lớp 8, sáng chế máy đào khoai tây bản quyền ở Đà Lạt

10:04, 25/04/2016

(LĐ online) - Không trưng bảng hiệu cơ khí nhưng chủ nhân Phan Minh Thành (sinh năm 1974) trên đường Nguyễn Siêu, Đà Lạt đã chế tạo hàng trăm giàn máy thu hoạch khoai tây thay thế cho 60- 70 công lao động tay chân mỗi ngày để cung ứng cho nông dân Lâm Đồng và nhiều tỉnh khác...

(LĐ online) - Không trưng bảng hiệu cơ khí nhưng chủ nhân Phan Minh Thành (sinh năm 1974) trên đường Nguyễn Siêu, Đà Lạt đã chế tạo hàng trăm giàn máy thu hoạch khoai tây thay thế cho 60- 70 công lao động tay chân mỗi ngày để cung ứng cho nông dân Lâm Đồng và nhiều tỉnh khác. Giàn máy nông nghiệp này đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận bảo hộ độc quyền với nhãn hiệu “Minh Thành Tài”.
 
Công suất của giàn máy đào khoai tây bản quyền ở Đà Lạt đang thay thế từ 60- 70 công lao động chân tay
Công suất của giàn máy đào khoai tây bản quyền ở Đà Lạt đang thay thế từ 60- 70 công lao động chân tay
Một giờ đào hơn 3,5 tấn khoai tây
 
Dạo qua các vùng nông nghiệp Phước Thành, Thánh Mẫu thuộc phường 7, Đà Lạt, tôi không khó bắt gặp các giàn máy đào khoai tây đang hoạt động trên đồng hoặc mới vừa đưa lên bờ “giải lao” giữa buổi. Dừng lại bên một vườn khoai tây đang thu hoạch bởi giàn máy nổ giòn giã, tôi được chủ vườn Nguyễn Kim Quý vui vẻ tiếp chuyện: “Với diện tích khoảng 2.000m²,  vụ khoai tây này gia đình ước đạt  sản lượng khoảng hơn 7 tấn. Mọi năm phải huy động khá đông lao động dùng cuốc, nỉa, xẻng… để đào cả ngày mới xong. Nay sử dụng giàn máy đào ở tiệm cơ khí trên đường Nguyễn Siêu, Đà Lạt của anh Phan Minh Thành chế tạo, chỉ mất chưa đến 2 tiếng đồng hồ là thu hoạch xong”.
 
Vận tốc bình thường của giàn máy đang đào múc, sàng đất ra và gom từng chùm củ khoai tây để lộ thiên khiến tôi phải sải chân thật nhanh mới theo kịp . Anh Quý “diễn giải” chi tiết hơn: Sau khi mua về giàn máy đào khoai tây với giá 20 triệu đồng, anh Quý kết nối vào trục láp xoay của chiếc máy cày để vận hành. Giàn máy đào với chiều rộng trùng khớp với chiều rộng của từng luống khoai tây (khoảng 1m), qua trục láp chuyển động, chiếc lưỡi cày được điều khiển với tốc độ nhanh, chậm khác nhau để múc sâu xuống dưới đất khoảng hơn 30cm, rồi chuyển lên băng chuyền gạt hết phần đất để lấy phần củ thu hoạch. Tính ra, tổng nguồn vốn đầu tư cho một cỗ máy đào thu hoạch khoai tây khoảng 70 triệu đồng, gồm: 20 triệu giàn máy đào cộng với 50 triệu đồng chiếc máy cày. 
 
Như vậy, với diện tích 1.000m² sử dụng giàn máy đào khoai tây nhãn hiệu “Minh Thành Tài” đã tiết kiệm từ 1,2 đến 1,4 triệu đồng so với thuê khoán 6-7 công lao động đào thủ công (200.000 đồng/ngày công). Nhân lên 1ha thành 12 đến 14 triệu đồng tổng số tiền tiết kiệm sau một vụ mùa khoai tây chính vụ với thời gian trên dưới 5 tháng canh tác vào mùa khô của Đà Lạt và các vùng phụ cận. 
      
Không ngừng cải tiến
 
Trò chuyện với anh Phan Minh Thành, tác giả sáng chế máy đào khoai tây nói trên, được biết ý tưởng này đã hình thành từ năm 2008. “Khi đó tôi xem truyền hình thấy nông dân nước ngoài thu hoạch khoai tây, khoai lang, củ hoa lily… bằng máy móc cơ giới thật nhanh chóng và tiện lợi, nên nghĩ với tay nghề cơ khí đi học từ tuổi 15 của mình cũng nên mạnh dạn chế tạo ra một giàn máy đào các loại củ với kích thước phù hợp trên đồng đất Cao nguyên Lâm Viên - Đà Lạt cũng như ở các huyện lân cận”- Thành nhớ lại. 
 
Theo đó, nhờ một hộ nông dân trồng khoai tây ở thôn Măng Lin, phường 7, Đà Lạt hợp tác hỗ trợ đầu tư vốn, Thành mua các vật tư sắt, thép, bạc đạn, cốt chuyền…về cắt, gò, hàn trong thời gian một tháng sau đã hoàn thành. Cùng lúc ở “thửa vườn hợp tác” bước vào thời điểm thu hoạch khoai tây, Thành “khai trương” giàn máy sáng chế đầu tay, đưa vào vận hành thử nghiệm. Kết quả, giàn máy hoạt động cơ bản thành công, nhưng từng bộ phận gắn kết với nhau chuyển động chưa thực sự nhịp nhàng, tỷ lệ khoai đào lên bị cắt lát còn khá cao, có lúc chiếc lưỡi cày bị dừng lại đột ngột vì không ăn khớp với các bộ phận nhông chuyền…
 
Thành tiếp tục bổ sung, định vị hoàn chỉnh các bộ phận còn khiếm khuyết trong giàn máy đến lần thứ 2 và lần thứ 3 với thời gian 2- 3 tháng sau đó mới chính thức hoàn thiện đưa ra thị trường, trọng lượng khoảng 200kg. 
 
Người “chủ vườn hợp tác” vừa nêu là khách hàng mua giàn máy sáng chế đầu tiên của Thành. Qua kiểm chứng hiệu quả sử dụng từ thực tế, người này giới thiệu người kia tìm đến Thành đặt mua máy trước 10- 15 ngày. Từ đó, Thành huy động thêm 4 công nhân kỹ thuật là anh em trong nhà cùng mình hàng ngày dốc tâm sức sản xuất giàn máy đào khoai tây theo nhu cầu của khách hàng là những nông dân ở Đà Lạt, các vùng phụ cận  và dần hồi sau này mở rộng khách hàng ra các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Nghệ An, Tây Ninh… Đến nay, tổng số lượng máy của anh Thành phân phối đến khách hàng ở những địa phương này lên đến 200 giàn, giá mỗi giàn từ 19- 24 triệu đồng. 
 
Tháng 10/2013, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp độc quyền nhãn hiệu “Minh Thành Tài” cho sản phẩm máy nông nghiệp nói chung, máy đào khoai tây nói riêng của anh Phan Minh Thành ở đường Nguyễn Siêu, Đà Lạt. Về kế hoạch trong thời gian tới, Thành chia sẻ: “Thị trường tiêu thụ máy đào khoai tây của tôi ngày càng nhiều. Để nâng cao hơn nữa uy tín, chất lượng hoạt động của giàn máy này, tôi đang nghiên cứu cải tiến theo hướng gọn nhẹ hơn về trọng lượng, qua đó giảm bớt nguyên liệu, vật tư chế tạo để hạ giá thành bán ra”.
 
 Với tinh thần mày mò sáng tạo không ngừng, miệt mài tự học từ thực tế hành nghề cơ khí lâu năm, hy vọng nhà sáng chế Phan Minh Thành (dẫu với trình độ văn hóa lớp 8) sẽ tiếp tục vượt lên giới hạn chính mình để đạt và vượt kế hoạch đề ra.
 
VĂN VIỆT