Chất thải rắn ở Đà Lạt tồn đọng và giải pháp tình thế

05:08, 30/08/2016

Ngày 29/8, theo lời hẹn, chúng tôi đã gặp Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Tôn Thiện San nắm bắt tình trạng tồn đọng chất thải rắn (CTR) trên địa bàn thành phố...

Ngày 29/8, theo lời hẹn, chúng tôi đã gặp Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Tôn Thiện San nắm bắt tình trạng tồn đọng chất thải rắn (CTR) trên địa bàn thành phố. Được biết, ngày 19/8, UBND thành phố đã có Công văn 5215 đề nghị Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị (CTCPDVĐT) Đà Lạt “tiếp tục vận chuyển, giải quyết cho Nhà máy xử lý CTR tại xã Xuân Trường (gọi tắt Nhà máy) tiếp nhận và xử lý không quá 100 tấn rác/ngày”; và chỉ đến ngày 30/9/2016, sau đó báo cáo UBND tỉnh để có ý kiến chỉ đạo tiếp.    
 
Bãi chứa rác Cam Ly mở cửa lại để “giải cứu” cho Nhà máy ở Xuân Trường
Bãi chứa rác Cam Ly mở cửa lại để “giải cứu” cho Nhà máy ở Xuân Trường
Nhà máy xử lý rác còn “nợ” nhiều hạng mục chưa đầu tư
 
Cũng ngày 29/8, chúng tôi làm việc với Sở Xây dựng, tại Văn bản số 703, ngày 15/6/2016, Giám đốc Lê Quang Trung đã báo cáo UBND tỉnh về tiến độ thực hiện dự án của Nhà máy do Công ty TNHH Môi trường năng lượng xanh (Công ty MTNLX) làm chủ đầu tư. Theo dự án, công suất Nhà máy 200 tấn/ngày; tổng mức đầu tư 381 tỷ đồng (chia làm 2 giai đoạn, từ 2011-2016). Dự kiến cuối năm 2012 đưa Nhà máy vào hoạt động, tuy nhiên do đầu tư chậm và kéo dài nên đến hết quý II/2015 mới hoạt động được. Sau khi chạy thí điểm 3 tháng, từ tháng 10/2015, Nhà máy hoạt động chính thức với lượng CTR tiếp nhận bình quân 200 tấn/ngày. Về công nghệ xử lý, Nhà máy đã đáp ứng được các điều kiện đảm bảo vệ sinh môi trường như xử lý mùi hôi, xử lý nước rỉ rác. 
 
Tuy nhiên, quá trình hoạt động của Nhà máy đã bộc lộ những thiếu sót dẫn đến hiệu quả xử lý CTR chưa cao, chưa thật sự đáp ứng đúng nội dung của dự án đã được các cấp thẩm tra, phê duyệt. Cụ thể, các hạng mục công trình chưa được nghiệm thu đưa vào hoạt động; chưa cụ thể hóa chương trình giám sát môi trường, kế hoạch và biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành. Mặt khác, vận hành cơ sở xử lý CTR chưa đúng quy trình công nghệ đã nêu trong dự án và đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; chưa triển khai thực hiện chương trình giám sát môi trường tại cơ sở... Vì vậy, Sở Xây dựng cho rằng, để giải quyết được những tồn tại trên và đảm bảo hiệu quả xử lý CTR phát sinh hàng ngày, đồng thời xử lý ngay lượng rác tồn đọng hiện hữu (khoảng 150.000 tấn), Nhà máy cần khẩn trương thực hiện một số nội dung như: đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục còn lại; đầu tư hệ thống sàng lọc rác; xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; đầu tư lắp đặt và vận hành dây chuyền sản xuất phân vi sinh; đầu tư mới 1 dây chuyền xử lý rác thải công suất 200 tấn/ngày; yêu cầu vận hành tăng ca sản xuất để giải quyết dứt điểm lượng CTR đang tồn đọng… 
 
Buộc phải mở cửa lại bãi chứa rác Cam Ly  
         
Như đã nêu, thiết kế của Nhà máy có 2 dây chuyền xử lý rác cùng lò đốt hiện đại với công suất xử lý 200 tấn rác thải/ngày/dây chuyền. Vì chưa đầu tư đầy đủ các hạng mục nên Nhà máy đang trong tình trạng có những bất cập và quá tải. Trao đổi với Phó Giám đốc Sở TN&MT Lâm Đồng, ông Lương Văn Ngự cho biết: Hiện nay, lượng rác tồn đọng tại Nhà máy khoảng 23.000 tấn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. 
 
Trước tình hình đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã chủ trì cuộc họp với các Sở Xây dựng, KH&ĐT, Tài chính, TN&MT, UBND thành phố Đà Lạt nhằm giải quyết khẩn trương những tồn tại và khó khăn liên quan đến vấn đề xử lý CTR trên địa bàn Đà Lạt. Theo đó, Văn bản số 4284 ngày 25/7/2016 của UBND tỉnh giao Sở Tài chính hướng dẫn Công ty MTNLX khẩn trương xây dựng hoàn chỉnh phương án giá theo lộ trình giá, thẩm định và dự kiến nguồn kinh phí để trình UBND tỉnh quyết định trước ngày 30/7/2016. Được biết, Sở Tài chính đã đề xuất tỉnh điều chỉnh tăng mức hỗ trợ Nhà máy từ 129.500 đồng lên 350.000 đồng/tấn. Giao UBND thành phố Đà Lạt đôn đốc, yêu cầu Công ty MTNLX khẩn trương thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo kết luận số 158 ngày 24/6/2016; “đặc biệt là xây dựng công trình thu gom và xử lý nước rỉ rác tập trung, công trình che chắn bãi tập kết rác…”. “Huy động phương tiện, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ và xử lý dứt điểm khối lượng rác tồn đọng tại Nhà máy…”, Văn bản 4284 nêu rõ. UBND tỉnh cũng đồng ý trước mắt để Công ty MTNLX tiếp nhận và xử lý tối đa không quá 50 tấn rác/ngày cho đến khi Công ty này hoàn thành việc xử lý dứt điểm khối lượng rác tồn đọng tại Nhà máy và khi Công ty hoàn thành đầu tư dây chuyền số 2, được nghiệm thu đưa vào hoạt động sẽ tiếp tục giải quyết việc tiếp nhận và xử lý rác thải. Tiếp tục ngày 16/8, UBND tỉnh có Văn bản số 4787 chỉ đạo giải quyết những tồn tại, vướng mắc liên quan đến Nhà máy xử lý CTR thành phố Đà Lạt... 
 
Với tinh thần này, ngày 19/8, UBND thành phố Đà Lạt đã ban hành Công văn 5215 giao Phòng TN&MT chủ trì cùng các phòng, xã Xuân Trường phối hợp các cơ quan chức năng của Sở TN&MT, các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc Công ty MTNLX thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu vực. Mặt khác, giải quyết các đề nghị, kiến nghị của người dân phát sinh trong quá trình hoạt động của Nhà máy. Đối với CTCPDVĐT Đà Lạt, tiếp tục vận chuyển, giải quyết cho Nhà máy tiếp nhận và xử lý không quá 100 tấn rác/ngày (từ nay cho đến hết ngày 30/9/2016; sau thời gian này, thành phố sẽ báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo tiếp theo. 
 
Như vậy, việc quá tải và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh Nhà máy tại xã Xuân Trường là đã rõ các nguyên nhân. Tỉnh đặc biệt quan tâm và chỉ đạo các giải pháp khắc phục rốt ráo. Giải pháp mở cửa lại bãi chứa rác Cam Ly tại phường 5 là tình thế. Hai vấn đề song song đặt ra là: Liệu Nhà máy tại Xuân Trường sẽ triển khai các bước như thế nào để sớm khắc phục những tồn tại đang diễn ra và lâu dài không ô nhiễm môi trường? Về bãi chứa rác Cam Ly, mặc dù chỉ đưa vào sử dụng tạm thời nhưng vấn đề phân loại, xử lý như thế nào để đảm bảo môi trường nước và không khí không bị ô nhiễm nặng nề như trước? Rõ ràng công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát và xử lý của các ngành, các đơn vị chức năng và địa phương hết sức hệ trọng.
 
ĐẠO PHAN