Hiệu quả phong trào giúp nhau làm kinh tế giỏi

THÂN THU HIỀN 01:32, 13/02/2023

Giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi là một trong những phong trào thiết thực, ý nghĩa được Hội Nông dân huyện Đam Rông thực hiện trong thời gian qua. Từ phong trào này, nhiều hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Chị Đinh Thị Hóa (xã Đạ R’sal) vui vẻ giới thiệu về vườn sầu riêng của gia đình
Chị Đinh Thị Hóa (xã Đạ R’sal) vui vẻ giới thiệu về vườn sầu riêng của gia đình

• NHIỀU MÔ HÌNH CÓ HIỆU QUẢ 

Tại xã Phi Liêng, Mô hình Nuôi gà đẻ siêu trứng Ai Cập lông trắng của gia đình hội viên Hà Văn Phú là một trong những mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn. Gà Ai Cập lông trắng hay còn gọi là gà Fayoumi là một giống gà có nguồn gốc từ vùng Ai Cập. Đây là giống gà cao sản và cho năng suất cao về sản phẩm trứng gà.

Với diện tích 200 m2, tháng 12/2022, anh Phú quyết định đầu tư làm chuồng một cách bài bản, lắp đặt hệ thống thông gió, dàn lạnh, chuồng nhốt, máng ăn, uống... với 2.000 con. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi gà Ai Cập siêu đẻ, anh Phú cho biết: “Về phòng, chống bệnh cho gà, gia đình tôi làm đúng quy trình, tiêm chủng vắc xin đầy đủ, vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống hàng ngày. Để khắc phục thời tiết, mùa đông, tôi dùng bạt che kín, khi dùng bạt thì có hệ thống hút mùi khử hết khí độc cho gà; mùa hè dùng hệ thống làm mát tự nhiên, dùng quạt và hệ thống phun sương. Thức ăn chính cho gà là 50% cám tổng hợp, 50% ngô, gạo lứt và mỗi ngày gà ăn hết 15 - 20 kg rau xanh/đàn”.

Theo anh Phú, mỗi ngày gia đình thu hoạch về 1.700 quả trứng được công ty ở Bình Dương đến nơi thu mua với giá bán 3.000 đồng/quả. “So với trước đây, nuôi gà Ai Cập siêu đẻ đang là sự lựa chọn đúng đắn của gia đình tôi. Bởi mô hình này không mất nhiều thời gian và tiền bạc để đầu tư. Hơn nữa, đầu ra ổn định nên bản thân không còn lo ngại về vấn đề chăn nuôi, mở rộng chuồng trại”, anh Phú cho hay.

Tại xã Đạ R’sal, chúng tôi được “mục sở thị” vườn sầu riêng của gia đình chị Đinh Thị Hóa. Trên diện tích 3 ha đất sản xuất, vợ chồng chị quyết tâm chuyển đổi từ cà phê sang trồng xen giống sầu riêng được nhập từ Buôn Ma Thuột.

Chị kể, bén duyên với loại cây này từ năm 2011, khi mà giá cà phê làm mấy năm trước đó còn ổn định, thì càng về sau giá cả càng thấp khiến những hộ nông dân như gia đình chị cũng phải nản lòng. “Thế rồi, vợ chồng tôi biết được sầu riêng là loại cây có giá trị kinh tế cao, lại được nhiều người ưa chuộng nên quyết định trồng. Đầu tư với số vốn khá lớn, vợ chồng tôi được Hội Nông dân tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng và mượn thêm người thân để phát triển kinh tế. Ban đầu, trồng chỉ 100 gốc cây rồi dần dần vợ chồng tôi lấy ngắn nuôi dài, đến nay, vườn có 270 cây sầu riêng. Riêng năm 2022 vừa qua, vườn sầu riêng của gia đình thu về được gần 20 tấn với giá bán tại vườn là 50.000 đồng/kg”, chị Hóa vui vẻ nói. 

• ĐỒNG HÀNH CÙNG NÔNG DÂN 

Ông Nguyễn Thiện Chí - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đam Rông cho biết, trong những năm qua, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được các cấp Hội đồng hành với hội viên nông dân, chú trọng hỗ trợ về kĩ thuật và phát triển hiệu quả.

Đầu năm, các cấp Hội đã vận động được 5.460 hội viên nông dân đăng ký và phấn đấu đạt danh hiệu Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đạt 102,1% kế hoạch; hiện, số hộ xét đạt là 3.271 hộ (cấp tỉnh 183, cấp huyện 371).

Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục được đẩy mạnh cả về số lượng và chất lượng; qua đó, người dân biết áp dụng khoa học - kĩ thuật vào sản xuất, nổi bật như các mô hình: trồng rau, quả công nghệ tại Phi Liêng, Đạ K’nàng, Đạ R'sal; nuôi cá nước lạnh tại Rô Men, Liêng S’rônh, Đạ Tông; chanh không hạt ở xã Liêng S’rônh; trồng cây ăn quả (sầu riêng, bưởi da xanh, dứa, chuối Laba) ở xã Đạ Rsal, Đạ K’nàng, Phi Liêng, Liêng S’rônh, Rô Men; trồng cà phê, mắc ca ở xã Đạ K’nàng, Phi Liêng; trồng dâu, nuôi tằm ở Đạ K’nàng, Đạ M’rông, Liêng S’rônh, Rô Men...

Ngoài ra, Hội các cấp cũng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập huấn, chuyển giao khoa học - kĩ thuật về cách trồng và chăm sóc cà phê, dâu tằm, mắc ca, phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón,... Qua đó đã làm thay đổi nhận thức, tập quán của nông dân, nâng cao năng lực và trình độ thâm canh cây trồng, vật nuôi.

Năm 2022, Hội Nông dân đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; tại hội nghị đã tôn vinh, biểu dương 50 tập thể và cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong thực hiện phong trào. Qua hội nghị đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, hội viên nông dân huyện nhà.

Bên cạnh đó, để giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, năm 2022, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Công ty Phân bón Bình Điền, Ngân hàng Agribank Lâm Đồng và Agribank Đam Rông hỗ trợ 4 căn nhà cho hội viên nghèo tổng trị giá gần 340 triệu đồng.

Với tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau trong cuộc sống và phát triển kinh tế, các hội viên có điều kiện đã cho vay không tính lãi 653 triệu đồng, hỗ trợ con giống, cây giống trị giá 250 triệu đồng; 657 ngày công giúp đỡ 56 hộ khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Riêng công tác hỗ trợ vốn cho nông dân từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, năm 2022, Hội Nông dân các cấp đã vận động hội viên đóng góp xây dựng quỹ được 44,4 triệu đồng; nguồn từ UBND huyện cấp bổ sung 250 triệu đồng, nâng tổng nguồn vốn của huyện quản lý là hơn 3,8 tỷ đồng; trong đó vốn Trung ương 500 triệu thực hiện 1 dự án với 10 hộ vay; vốn tỉnh 1,85 tỷ đồng thực hiện 6 dự án với 46 hộ vay; vốn của huyện 1,47 tỷ đồng thực hiện 8 dự án với 32 hộ vay.